Nắng nóng kéo dài, các giếng khô cạn, khiến hàng trăm hộ dân sống tại các bản Kẻ Nóc, Kẻ Sùng, Kẻ Trằng (xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, Nghệ An) đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Là xã có đặc thù địa hình vùng núi nên quá trình đào giếng, khoan giếng để tìm nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Bà con đã tốn nhiều công, nhiều của để đào giếng, khoan giếng nhưng đành lấp bỏ vì không tìm được nguồn nước.
Về xã Mậu Đức vào những ngày nắng nóng cực điểm mới cảm nhận hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị mọi vật dụng để ra khe lấy nước dự trữ. Gia đình ông Lang Văn Tần (bản Kẻ Sùng) có hai cái giếng sâu hun hút nhưng tất cả đều không có nước. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, ông tập trung tất cả mọi vật dụng có thể đựng được để vào khe Bỏi cách nhà hơn 2 cây số chở nước về dùng.
Ông tâm sự: “Cứ vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là phải đi chở nước. Mà khe Bỏi cũng sắp khô rồi, nước chỉ ngập mắt cá chân thôi. Người dân phải tự đào lấy một cái hố nhỏ ngay giữa lòng khe mới có thể nhúng can nhựa vào đó lấy nước...”.
Vấn đề nan giải đang đặt ra cho người dân xã Mậu Đức là đến lúc khe suối bị cạn kiệt hết thì người dân ở đây không biết lấy nước ở đâu để sinh hoạt?
Gia đình bà Lang Thị Hoa (bản Kẻ Sùng) cũng là một trong những hộ thiếu nước trầm trọng. Gia đình có giếng nước sâu hơn 10m, như mọi năm chắt chiu cũng đủ để sinh hoạt. Năm nay nắng hạn nên đến thời điểm này giếng đã khô cạn. Mặc dù tuổi đã cao nhưng để có nước dùng bà đã phải đi xuống khe cách nhà gần 1km mới xách được 2 can 20 lít để dùng.
“Có nghèo có khổ thì đi làm kiếm sống, chứ thiếu nước sao chịu được. Đi làm về mỏi mệt mà không có nước tắm, giặt, sinh hoạt lại phải xách can xuống các khe, suối, đi rất xa để gánh nước về dùng. Vất vả đủ điều. Giờ chúng tôi chỉ mong sớm có nước sạch để dùng”, bà Hoa cho hay.
Con Cuông là một trong những địa bàn nắng nóng gay gắt nhất ở khu vực Bắc miền Trung dịp này, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 37 - 39 độ, có lúc trên 40 độ. Theo khảo sát, xã Mậu Đức có hơn 1.400 hộ thì khoảng 500 hộ rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. "Chúng tôi khoan sâu đến 70m, thậm chí 100m, gặp lớp than bùn mà không có nước", cán bộ xã Mậu Đức cho biết.
Xã Đôn Phục cạnh bên xã Mậu Đức cũng rơi vào cảnh tương tự. Hơn hai tháng qua trên địa bàn chưa có trận mưa nào. Toàn xã có gần 1.000 hộ thì khoảng 300 hộ có giếng nước đang cạn, không đủ sinh hoạt. Hay như ở thôn Trung Yên, xã Yên Khê cũng đang cùng chung cảnh ngộ, toàn thôn có 143 hộ thì có tới 90 hộ nằm trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Nguyễn Đức Long (Trưởng thôn Trung Yên) cho hay: “Đã hơn 1 tháng nay, người dân ở đây phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Để có nước sử dụng, người dân phải dùng xe đi chở từng thùng nước ở các khe suối cách nhà 4-5km về dùng”.
Theo chính quyền, việc thiếu nước sinh hoạt dù chưa nguy cấp song khiến cuộc sống nhiều hộ dân bị đảo lộn, nguy cơ phát sinh bệnh tật về đường ruột, đau mắt đỏ và ô nhiễm môi trường.
Hiện, sông, suối ở nhiều xã của huyện miền núi Con Cuông đang trong tình trạng trơ đáy. Khô hạn kéo dài không chỉ khiến nhiều hộ dân ở huyện Con Cuông “điêu đứng” vì thiếu nước sản xuất, mà còn gây khó khăn không nhỏ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.