Một dự án mới sử dụng năng lượng mặt trời để chiết xuất trực tiếp nước uống từ không khí đang được kỳ vọng làm thay đổi cuộc sống của người dân Dải Gaza - dải đất hẹp ven biển ở Trung Đông.
Từ lâu, người dân sinh sống tại Dải Gaza - dải đất hẹp ven biển ở Trung Đông dọc Địa Trung Hải, luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước ngọt bởi đây là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất thế giới, với khoảng 1,4 triệu người sống trên khu vực 360km2. Nguồn nước ở đây cũng bị ô nhiễm và xâm nhập mặn.
Một dự án mới sử dụng năng lượng mặt trời để chiết xuất trực tiếp nước uống từ không khí đang được kỳ vọng làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.
Dự án này là ý tưởng của ông Michael Mirilashvili - tỷ phú mang trong mình hai dòng máu Nga-Israel. Công ty Watergen của ông đã phát triển hệ thống sản xuất nước từ không khí, có thể tạo ra 5.000-6.000 lít nước uống mỗi ngày, tùy thuộc vào độ ẩm không khí.
Chỉ với một vài thiết bị được lắp đặt tại Dải Gaza, Watergen giờ có thể đáp ứng được nhu cầu về nước uống cho khoảng 2 triệu người dân khu vực này.
Sau khi hút không khí ẩm, thiết bị sẽ ngưng tụ chúng thành nước và tiến hành lọc để biến thành nước uống. Khi độ ẩm không khí lên trên 65%, thiết bị có thể sản xuất khoảng 5.000 lít nước uống mỗi ngày. Nếu độ ẩm vượt mức 90%, lượng nước uống sản xuất được có thể lên tới 6.000 lít.
Công nghệ của Watergen được cho là rất phù hợp ở Dải Gaza nhờ hoạt động bằng các tấm pin mặt trời.
Watergen đã tặng và chuyển 2 thiết bị, mỗi chiếc trị giá 61.000 USD, tới Dải Gaza. Chiếc thứ 3 được Viện Nghiên cứu Môi trường Arava chuyển tới vùng đất này. Một trong những chiếc máy này được lắp đặt tại tòa thị chính ở Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza.
Một phần nước uống do chiếc máy này tạo ra, được dành cho nhân viên tòa thị chính và số còn lại được chuyển tới một bệnh viện địa phương dành cho những người mắc các bệnh về thận.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các cuộc suy thoái kinh tế và tình trạng thiếu điện sinh hoạt, Dải Gaza cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sạch ngày càng trầm trọng trong vài năm gần đây.
Nước ngầm bị khai thác quá mức tại đây đã bị suy thoái do xâm nhập mặn, cũng như bị ô nhiễm do các chất gây ô nhiễm, khiến người dân buộc phải sử dụng nước đóng chai nhập khẩu.
Theo Liên Hợp quốc, chỉ 3% nước uống tại Dải Gaza đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ các ca mắc bệnh sỏi thận và tiêu chảy tại đây tăng cao có liên quan đến việc sử dụng nước uống không đạt chuẩn. Nhiều tổ chức, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), đang tham gia giải quyết vấn đề thiếu nước sạch thông qua việc hỗ trợ xây dựng một nhà máy khử muối trong nước biển.
Trụ sở của Watergen nằm trong một tòa tháp kính ở thành phố Tel Aviv, cách Dải Gaza khoảng 80km về phía Bắc. Ông Mirilashvili mua lại Watergen sau khi chuyển đến sống tại Israel năm 2009. Kể từ đó, công ty đã xuất khẩu thiết bị của mình tới hơn 80 quốc gia.
Vietnam+
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…