Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2017 | 5:5

Cú hích giúp người nghèo Hậu Giang thoát nghèo

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đỗ Văn Hồng Em, ở ấp 11, xã Vị Thắng (Vị Thủy - Hậu Giang) đúng lúc anh cùng với vợ đang hái tiêu. Anh Hồng Em chia sẻ: “Nhờ vay của NHCSXH tỉnh Hậu Giang 40 triệu đồng, chúng tôi có vốn đầu tư vào vườn tiêu. Hiện, tiêu đang cho thu hoạch, hy vọng đời sống kinh tế ổn định hơn nhờ mô hình này”.

Nhờ mô hình trồng tiêu, gia đình anh Hồng Em vươn lên thoát nghèo.

Trước khi trồng tiêu, anh Hồng Em trồng mít Thái chung với cha mẹ nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, cuộc sống bấp bênh. Được sự giới thiệu của người quen, anh cùng với cha mẹ quyết định phá bỏ 2 sào mít Thái chuyển sang trồng tiêu.

Với bản tính cần cù, chịu khó, anh tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng tiêu. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh. Sau 1,5 năm chăm sóc, tiêu bắt đầu cho trái. Tuy vụ đầu năng suất không cao nhưng với hiệu quả bước đầu mang lại, gia đình anh rất phấn khởi. Chưa dừng lại ở đó, trụ được anh dùng để trồng tiêu là cây tràm, nên tiêu leo cao hơn, kéo theo sản lượng thu hoạch cũng tăng. Năm vừa qua, gia đình anh Hồng Em thu được trên 200kg tiêu, bán với giá 250.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi khá, nhờ đó thoát được cảnh nghèo.

Theo anh Hồng Em, gia đình anh có được cuộc sống hôm nay là nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh Hậu Giang. “Nguồn vốn này giúp gia đình tôi có điều kiện đầu tư vào mô hình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”, anh Hồng Em tâm sự.

Anh Trần Văn Niềm, ở ấp 8, xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Hậu Giang. Do hoàn cảnh nghèo khó, không có đất sản xuất nên hàng ngày cả hai vợ chồng anh Niềm­ phải đi làm thuê, làm mướn nhưng cuộc sống vẫn túng quẫn. Không cam chịu trước cảnh nghèo, anh quyết định đầu tư vào mô hình chăn nuôi, hy vọng có cơ hội thoát nghèo. Nhờ chí thú làm ăn, cộng thêm 20 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH, anh đầu tư vào nuôi lươn thịt và cá lóc. Sau vài tháng thả nuôi, gia đình thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Hiện, anh Niềm  đang nuôi trên 2.000 con lươn sinh sản, dự kiến sắp tới sẽ xuất bán khoảng 30.000 con lươn giống.

Theo anh Niềm, bình quân mỗi năm, gia đình cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn con lươn giống chất lượng, mang về nguồn thu trên 100 triệu đồng. Với đời sống kinh tế ổn định, gia đình anh Niềm đã chính thức thoát nghèo.

Theo bà Trần Kim Hoàng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 11 (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy), thời gian qua, bà cùng với chính quyền địa phương luôn hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh Hậu Giang để đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Hiện, trong tổ có 11 hộ đã trả hết nợ, vươn lên thoát nghèo.

Để có được những kết quả trên,  NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên, người dân có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình. Thông qua các chương trình tín dụng đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận vốn chính sách để học tập, thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh, từ đó thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Có thể khẳng định, đồng vốn chính sách trở thành nguồn động viên lớn, là trợ lực giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế gia đình, qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Hậu Giang tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ tín dụng bám sát địa bàn được phân công theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác triển khai tín dụng ưu đãi và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bình xét cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo cho vay đúng đối tượng… Trên cơ sở đó, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Có thể thấy, hiệu quả của chương trình cho vay hộ nghèo được thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm và sự thay đổi cuộc sống của mỗi hộ gia đình được vay vốn ưu đãi. Từ những khoản vay cộng thêm hỗ trợ về kiến thức của các hội, đoàn thể ở địa phương và của những người vay trước, đã giúp nhiều gia đình mở lối thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên khá - giàu.

 

Giai đoạn từ 2012 - 2016, toàn tỉnh Hậu Giang có trên 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với tổng số tiền trên 2.583 triệu đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng này đã góp phần cùng địa phương giúp trên 20.000 lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, trên 10.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng trên 80.000 công trình nước sách, vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 3.500 hộ nghèo có điều kiện xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở...

Gia Hân

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top