Những ngày cuối năm tại vùng Cao nguyên đá Hà Giang, mây trắng giăng phủ núi rừng, tiết trời giá lạnh, từng đàn chim én nhào lộn trên các triền núi cao, những bông hoa rừng nở rộ.
Đây cũng là thời điểm đồng bào Mông ở xã Đường Thượng (Yên Minh) phấn chấn đón Tết cổ truyền.
Đâu đó, những cây đào, cây mận lấm tấm vài nụ hoa báo hiệu mùa Xuân đang về, đồng bào Mông ở Đường Thượng tạm gác bộn bề công việc nương rẫy, trai gái xúng xính trong trang phục truyền thống vui Xuân.
Tết của người Mông ở Đường Thượng diễn ra trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1 dương lịch, kéo dài trong 3 ngày.
Từ thời xa xưa, tổ tiên của người Mông đã tính theo “Lịch mặt trăng”, nhưng có sự xê dịch so với lịch âm là không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày, đếm theo thứ tự, cứ đến ngày thứ 361 là ngày mồng 1 “Tết của một năm”.
Như vậy, năm nhuận của Lịch âm thì Tết Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán hàng tháng trời. Theo cách tính của lịch Mông nơi đây, cuối tháng Con Bò hoặc đầu tháng Con Hổ, tương đương với tháng 1 hoặc tháng Chạp (tính theo con giáp) là các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí Tết.
Đó là khi mùa màng xong xuôi, “ngô, lúa đã đầy bồ, lợn, gà đầy sân, cỏ khô đã chuẩn bị cho bò, ngựa”... Việc ăn Tết cổ truyền của người Mông mang tính cộng đồng, dòng họ, gắn liền với tín ngưỡng của dòng họ, mang tính nội tộc là chủ yếu.
Ông Vàng Mí Day, Phó chủ tịch UBND xã Đường Thượng, cho biết: “Xã có 10 thôn bản, với trên 4.300 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Năm nay thời tiết thuận lợi, người dân Đường Thượng đón Tết cổ truyền trong một không khí vui tươi, phấn khởi. Đây là một trong những xã còn lưu giữ được hoạt động văn hóa mang bản sắc của dân tộc trong dịp Tết”.
Tết là dịp những người cùng dòng máu, ruột thịt, cùng dòng họ về gặp nhau nhận họ, ăn uống, chúc tụng… Trong 3 ngày này, người dân nơi đây sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông như Lễ hội Gầu Tào.
“Thường lễ hội bao giờ cũng bắt đầu với nghi lễ dựng cây nêu, sau đó thực hiện nghi lễ cúng Trời Đất để cầu phúc, cầu mệnh, cầu cho cho bản làng yên vui, may mắn khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…”, ông Dùng Nỏ Già, thôn Sảng Pả 1, xã Đường Thượng, thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng Trời Đất, cho biết.
Sau nghi lễ cúng Trời Đất, người dân được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội như: Hát dựng hội, hát đối giao duyên, múa khèn, đánh yến, đánh sảng, đẩy gậy, kéo co… Không khí Xuân rộn ràng cùng với Lễ hội Gầu Tào tạo nên một hương sắc thật riêng của núi rừng nơi đây, khiến cho ai ai cũng háo hức muốn tham gia vào các hoạt động trong buổi lễ... Đây cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông, đến nay vẫn được gìn giữ và phát triển.
Hòa chung với niềm vui chơi Tết cổ truyền, chị Vừ Thị Sử (thôn Sảng Pả 1) phấn khởi chia sẻ: “Năm nay đi chơi Tết tôi thấy rất vui, ở đây tổ chức các hoạt động trò chơi như múa khèn, nhảy giây, kéo co, đẩy gậy”.
Những ngày Tết của người Mông Đường Thượng mang đậm bản sắc của bản làng vùng cao, bên bếp lửa hồng, bà con trong bản đến chung vui mừng năm mới, những chén rượu nồng cùng với những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới hòa quện cùng với tiếng khèn, tiếng hát trở thành một giai điệu rộn ràng.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.