Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 11 năm 2020 | 7:19

Cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông Joe Biden

Ông Joe Biden vừa được truyền thông Mỹ coi là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau một trong số ít các cuộc bầu cử được xem là “kịch tính nhất” trong lịch sử bầu cử Mỹ hiện đại.

Ông Joe Biden cũng chính là một trong số ít các chính trị Mỹ đã vượt lên trên những “bi kịch của gia đình” để trở thành tổng thống cao tuổi nhất vào thời điểm nhậm chức. 

1.jpg
Cựu Tổng thống Obama và ông Joe Biden. Ảnh: Reuters

 

Ông Joe Biden, tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr, sinh ngày 20/11/1942 tại thị trấn Scranton, bang Pennsylvania, trong một gia đình công giáo gốc Ireland. Vào những năm 1950, cha ông, Joseph Robinette Biden Sr., vốn là một nhân viên bán xe hơi cũ bị mất việc nên đã chuyển gia đình đến bang Delaware. Sinh ra từ tầng lớp lao động và có tật nói lắp khi còn nhỏ, tuy nhiên ông Joe Biden đã vượt qua tất cả. Ông Joe Biden theo học Đại học Delaware và Đại học luật Syracuse, và cũng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ bang Delaware.

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một chính trị gia có bề dày kinh nghiệm bậc nhất, song sự nghiệp chính trị của ông còn gắn liền với những bi kịch gia đình.

Năm 1966, khi vẫn đang học Trường luật Syracuse, ông Biden kết hôn với người vợ đầu Neilia Hunter. Hai vợ chồng có ba người con, Joseph Beau Biden III sinh năm 1969, Robert Hunter Biden sinh năm 1970 và Naomi Christina sinh năm 1971. Ông Biden từng thổ lộ với bà Neilia Hunter về dự định trở thành Thượng nghị sĩ liên bang khi 30 tuổi và sau đó sẽ trở thành Tổng thống. Đến nay, cả hai dự định đó đã chính thức trở thành hiện thực.

Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực luật pháp và quan chức dân cử tại Hội đồng quận New Castle, năm 1972, ông Biden chính thức ra tranh cử chức thượng nghị sĩ liên bang tại bang Delaware và đắc cử. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi đắc cử, khi đang có mặt tại Washington DC để chuẩn bị cho sự nghiệp chính trị tại Thủ đô, ông Biden đã nhận được hung tin.

Ngày 18/12/1972, vợ và con gái Naomi của ông thiệt mạng trong vụ tai nạn ô tô khi đang đi mua sắm chuẩn bị cho Giáng sinh ở Hockessin, Delaware. Hai con trai Beau và Hunter may mắn sống sót, được đưa đến bệnh viện chữa trị. Beau bị gãy một chân và gặp một số vết thương khác, còn Hunter bị rạn xương sọ và một số chấn thương khác ở đầu. Sau thảm kịch gia đình đó, ông Biden đã cân nhắc không nhậm chức thượng nghị sĩ liên bang để có điều kiện chăm sóc cho hai con trai. Lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện lúc bấy giờ Mike Mansfield thuyết phục và ông Biden đã chấp thuận song hàng ngày vẫn bắt tàu đi về giữa Delaware-Washington DC để có thể gần gũi hai con.

 

Năm 1975, ông Biden gặp bà Jill Jacobs, một giáo viên và hai người kết hôn vào năm 1977. Bà Jill Biden trở thành mẹ kế của Hunter và Beau, và ông bà sinh thêm được người con gái Ashley vào năm 1981. Bà Jill Biden sau đó đã có hai bằng thạc sĩ, một bằng tiến sĩ giáo dục và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Virginia. Bà Jill Biden cũng đã giúp sức cho chồng rất nhiều trong giai đoạn ông Biden đảm nhiệm chức Phó Tổng thống trong Chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Tưởng chừng sự nghiệp chính trị của ông Biden cứ thế “êm xuôi”, nhưng một bi kịch gia đình khác lại bất ngờ ập đến. Năm 2015, ông Biden tiếp tục chứng kiến mất mát lớn lao khi người con trai cả Beau Biden, lúc đó đang là Tổng Chưởng lý (Bộ trưởng Tư pháp) bang Delaware và một ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, đã bất ngờ qua đời vì mắc bệnh ung thư não ở tuổi 46. Chính tấn thảm kịch đó đã ngăn cản ông Biden tham gia tranh cử tổng thống năm 2016.

Trở lại với sự nghiệp chính trị, ông Biden là một trong những thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất từ trước đến nay ở Mỹ khi đắc cử tại Delaware năm 1972, vừa bước sang tuổi 30 như dự định mà ông từng ấp ủ. Trong hơn ba thập kỷ đảm nhiệm chức Thượng nghị sĩ bang Delaware, ông Biden từng thẳng thắn đề xuất các dự luật chống tội phạm cứng rắn hơn khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện giai đoạn 1987-1995. Ông Biden cũng có ba lần giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ giai đoạn 2001-2003 và 2007-2009. Trong thời gian làm việc tại Thượng viện Mỹ, ông Biden đã thể hiện là một trong những “nhà ngoại giao” hàng đầu với nhiều quan điểm nổi bật về chính sách đối ngoại.

Đến nay, ông Biden cũng đã ba lần tham gia cuộc chạy đua để trở thành ông chủ Nhà Trắng. Năm 1987, lần đầu tiên ông Biden tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng bị loại vì bê bối đạo văn trong bài phát biểu tranh cử. Năm 2008, ông Biden tiếp tục tìm kiếm cơ hội tranh cử tổng thống, nhưng không thành công vì chỉ nhận được quá ít phiếu bầu trong các cuộc họp kín của đảng Dân chủ ở bang Iowa. Năm đó, ông Biden bị “lu mờ” trước hai đối thủ “nặng kí” là ông Barack Obama và bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, sau đó ông Biden được ông Obama lựa chọn làm bạn đồng hành và nắm giữ chức Phó Tổng thống suốt 2 nhiệm kì dưới thời Chính quyền Obama.

Tháng 4/2019, hơn hai năm rời Nhà Trắng, ông Joe Biden chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua giành suất đề cử chính thức của đảng Dân chủ. Sau những khởi đầu không thuận lợi trong các cuộc họp kín và bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông Biden đã thực sự tăng tốc từ cuộc bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina, và trở thành lựa chọn cuối cùng của đảng Dân chủ.

Sau rất nhiều cân nhắc, ông Biden quyết định chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người phụ nữ mang hai dòng Jamaica và Ấn Độ làm bạn đồng hành trong cuộc chạy đua với hai đối thủ bên đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence. Trong cuộc đua vô cùng quyết liệt và kịch tính đến từng phút, kết quả cuối cùng cho thấy cử tri Mỹ đã đặt niềm tin vào liên danh tranh cử bên phía đảng Dân chủ.

Nếu chính thức trở thành Tổng thống thứ 46, ông Joe Biden sẽ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ, nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái sâu, chính trị-xã hội chia rẽ chưa từng thấy, hình ảnh và vị thế của nước Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng trên trường quốc tế, kể cả trong con mắt của các đồng minh thân cận và đối tác quan trọng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Cử tri Mỹ đang kỳ vọng rằng, với bề dày kinh nghiệm trên chính trường, ông Joe Biden sát cánh cùng bà Kamala Harris, nữ Phó Tổng thống đắc cử đầu tiên trong lịch sử, sẽ sớm “chèo lái” để đưa đất nước nước vượt qua cuộc khủng kép về y tế và kinh tế nghiêm trọng hiện tại, khắc phục tình trạng chia rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội trong lòng nước Mỹ, hàn gắn quan hệ đã bị sứt mẻ với các đồng minh và đối tác, phát huy vị thế và vai trò cường quốc số một thế giới trong tham gia giải quyết các thách thức chung của nhân loại và qua đó khôi phục hình ảnh từng có của nước Mỹ./.

 
Phạm Huân-Huy Hoàng
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top