Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2017 | 4:50

Cựu chiến binh 36 năm chăm nom cho đồng đội

Là thương binh hạng 3/4, bệnh binh nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng 36 năm qua, ông Hoàng Ngọc Bàng, thôn Bắc, xã Kim Nỗ (Đông Anh - TP.Hà Nội) vẫn tự nguyện nhận công việc quản trang, chăm chút, hương khói cho phần mộ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang địa phương. Tận tụy với công việc, không quản nắng mưa, ông cần mẫn dọn dẹp, chăm sóc nơi yên nghỉ của những người lính.

Hàng ngày, ông Bàng đều dành thời gian quét dọn nghĩa trang.

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bàng vào một ngày nắng chói chang sau cơn mưa tháng 7 trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Nỗ. Hình ảnh người cựu chiến binh đầu đội mũ tai bèo bạc màu lặng lẽ đưa từng nhát chổi tre quét sạch lá, dọn sạch rác, cỏ trong từng ngôi mộ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Trong khói hương trầm mặc, ông Bàng trải lòng: Tháng 1/1966, chàng thanh niên Hoàng Ngọc Bàng khi ấy dù mới cưới vợ được vẻn vẹn 11 ngày cũng không ngần ngại cùng bạn bè xung phong nộp đơn nhập ngũ. Sau đó, ông đóng quân tại Trung đoàn 250A quân khu Việt Bắc. 10 năm “vào sinh ra tử” trên chiến trường ác liệt Trảng Bàng (Tây Ninh), dù may mắn sống sót trở về nhưng mang trong mình vết thương chiến tranh, cộng với chất độc da cam khiến ông vĩnh viễn không thể làm cha.

Ngày trở về, thấy hoàn cảnh ông khó khăn, xã cho gia đình ông mượn miếng đất nhỏ gần nghĩa trang xã Kim Nỗ bán nước chè. Bán nước được một thời gian, ông nhận thấy công việc này không hợp với mình. Khi thấy nghĩa trang liệt sỹ chưa có người chăm sóc, ông Bàng tự nguyện nhận công việc quản trang, chăm chút, hương khói cho phần mộ các anh hùng liệt sỹ.

Tận tụy với công việc, không quản nắng mưa, ông cần mẫn dọn dẹp, chăm sóc nơi yên nghỉ của những người lính. Cùng với sự đầu tư của chính quyền và sự kiên trì, hết mình vì đồng đội, đồng chí của ông, Nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Nỗ hôm nay đã khang trang hơn nhiều. Gắn bó với công việc này nhiều năm, ông Bàng đã nhớ vanh vách từng hàng, từng lối đi trong nghĩa trang. Trầm ngâm bên những ngôi mộ, ông Bàng kể: “Em trai và 4 đồng đội nhập ngũ cùng đợt với tôi, đã từng cùng ăn cùng ngủ trong một chiến hào nhưng rồi lại bị tách ra, mỗi người một chiến trường cho đến khi hòa bình lập lại, tôi mới biết mọi người đã hy sinh”.

Làm công việc bình dị bao năm, ông Bàng không nhớ mình đã bao lần đón tiếp các thân nhân liệt sĩ tới viếng thăm nghĩa trang. Có đoàn chỉ đi 1-2 người, đoàn đến 5-7 người. Những lúc như thế, ông cũng vui lây với các anh và không khí trở nên ấm cúng hơn. “Người ở nhà luôn trông ngóng người đi xa trở về. Sự lui tới thường xuyên của bạn bè, người thân hay các đoàn thăm viếng vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại cũng khiến các anh an lòng”, ông nghẹn ngào nói.

Nghĩa trang rộng lớn với hàng trăm ngôi mộ nhưng ông Bàng hiểu rõ hoàn cảnh hy sinh của các liệt sĩ, cũng như thuộc lòng từng vị trí phần mộ, gốc cây ngọn cỏ trong khuôn viên. Giữa ông và những người liệt sĩ ở đây dường như có sự gắn kết đặc biệt, chính vì thế một ngày không ra nghĩa trang, ông lại cảm thấy có lỗi. Nhiều đêm ông ra thắp hương, ngồi nói chuyện với các anh như nói chuyện với những người đồng đội của mình. “Làm mãi quen rồi, không ra lại thấy nhớ, thấy thương các anh. Cứ chạy ào ra, chỉ mở cổng rồi đi từ hàng mộ này sang hàng bên kia, rảnh thì ngồi lại trò chuyện cùng các anh”, ông giãi bày.

Ông Bàng chăm sóc, thắp hương cho từng phần mộ liệt sỹ.

165 ngôi mộ linh thiêng ở khắp mọi nơi quy tụ về đây được ông Bàng chăm sóc cẩn thận. Đường dẫn vào từng ngôi mộ được lát đá sạch sẽ, tường bao vững chãi, hai hàng cau cao vút, tán lá xanh um, thẳng tắp hai bên đường vào giống như hai hàng lính nghiêm nghị đón khách vào thăm nghĩa trang. Nằm xen giữa những ngôi mộ có tên là 32 ngôi mộ khuyết danh chưa có người thân đến chăm sóc.

Ngồi lau lại những tấm bia mộ khuyết danh, ông Bàng trải lòng: “Nhìn thấy mộ các anh nằm trong nghĩa trang nhưng người thân không hay biết, lòng tôi day dứt lắm. Làm được một việc tốt, lòng tôi cảm thấy thanh thản hơn. Chỉ mong một điều là những ngôi mộ chưa biết tên ở đây sớm xác định được danh tính, để có thể trở về quê nhà, được người thân chăm sóc”.

Làm công việc thân quen cả mấy chục năm nhưng chưa bao giờ ông Bàng có ý định từ bỏ. Trông coi nghĩa trang, ông thấy mình như khỏe ra. Trước kia, xung quanh đây không có nhà cửa, quán sá, đường đi vào cũng sình lầy. Nhưng sáng nào ông cũng đạp xe từ nhà đến đây chăm sóc, hương khói cho các liệt sĩ. Đã nhận chăm sóc, hương khói cho các anh hùng liệt sĩ thì chuyện riêng bao giờ cũng phải gác lại. Những ngày rằm mùng một, lễ lạt, ông đều có mặt tại nghĩa trang từ sớm để lau dọn, dâng hương hoa. Vào những ngày Tết, khi mọi người đã sum vầy bên gia đình thì ông lại túc trực thường xuyên ở đây để bàn thờ các anh lúc nào cũng tỏa khói hương thơm nồng. Nhiều người khuyên ông nghỉ ngơi, nhưng ông bảo: “Còn sức tôi còn làm, chỉ mong sao nơi yên nghỉ của các liệt sĩ luôn được ấm áp”.

Với mức hỗ trợ tượng trưng chỉ 200.000 đồng/tháng, nhưng ông Bàng không bao giờ than phiền, ngày ngày vẫn âm thầm, tận tụy với công việc. Dù cuộc sống riêng còn nhiều vất vả, thu nhập bấp bênh, tuổi cao, lại mang thương tật…, người lính già vẫn không nản mà quyết tâm “làm cho đến khi đồng đội đón tôi về thì thôi...”.

Ông Nguyễn Duy Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Kim Nỗ, cho biết: “Ông Hoàng Ngọc Bàng là cựu chiến binh, bệnh binh nhưng trong hơn 30 năm qua, ông đảm nhận việc chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ của xã. Việc chăm sóc này là hoàn toàn tự nguyện, là tình cảm của ông với đồng đội của mình, không yêu cầu Nhà nước hay tập thể phải có chính sách đãi ngộ. Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bàng thực sự là tấm gương sáng về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo”.

Với việc làm thầm lặng của mình, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bàng là một trong những tấm gương người tốt việc tốt được TP. Hà Nội khen thưởng năm 2017.

Công Minh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top