Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 2 năm 2017 | 9:48

Đắk Lắk: Nhiều hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Nhờ được tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã gầy dựng được gia sản, vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Anh Luận bên vườn tiêu chờ thu hoạch

Ông Ngô Trọng Vạn (57 tuổi) trú tại khối 4, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar là một trong những gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, nhưng không có đất và vốn để đầu tư vào sản xuất nên cuộc sống chật vật, quanh năm suốt tháng  chỉ trông chờ vào việc đi làm thuê làm mướn. Khó khăn càng chồng thêm khó khăn khi cùng lúc  vợ chồng ông Vạn phải nuôi 4 người con học đại học. Với sự giúp đỡ của chi hội Phụ nữ khối 4, năm 2007, gia đình ông Vạn được tổ tiết kiệm của khối tạo điều kiện cho vay 3 triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi...  Dần dần, gia đình ông có được ít vốn tích lũy, trả số tiền vay trước đó cho tổ và tiếp tục được chi hội Phụ nữ giới thiệu vay vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar từ 10 - 15 triệu đồng tăng dần theo các năm dùng để nuôi bò, gà, ngan... 

Ông Vạn chia sẻ trong niềm vui: “Để có được ngày hôm nay, chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Năm ngoái, gia đình tôi đã bán 2 con bò với giá 25 triệu đồng  và giữ lại 2 con bò sinh sản. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống của vợ chồng tôi cũng vì thế mà khấm khá hơn trước rất nhiều, có của ăn của để và mua được 1 sào rẫy tiêu hiện đã cho thu hoạch. Hơn hết, niềm vui lớn nhất hiện tại của vợ chồng tôi là lần lượt 4 người con ra trường đều có công ăn việc làm ổn định”.

Tương tự, cuộc sống gia đình anh Lê Văn Luận (40 tuổi) ngụ tại thôn 6B, thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar cũng khởi sắc nhờ nguồn vốn hỗ trợ. Cách đây 12 năm, anh cùng vợ xây dựng gia đình rồi lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Bản thân anh Luận vốn bị tật bẩm sinh nên việc lao động chân tay gặp nhiều khó khăn nhưng anh chưa bao giờ chịu khuất phục trước số phận. Nhờ chắt chiu dành dụm lại chịu thương chịu khó, gia đình anh Luận vay được nguồn vốn chính sách phát triển vườn tiêu xen ca cao và chăn nuôi thêm. Bên cạnh đó, anh Luận còn mở tiệm cắt tóc nam để tranh thủ kiếm thêm tiền những lúc rảnh rỗi. “Vợ chồng tôi có 3 sào đất trồng hồ tiêu xen cây ca cao, năm ngoái thu được hơn 1 tạ. Nguồn thu chính của gia đình trông chờ vào mảnh vườn này và nuôi bò sinh sản. Mới đây, vợ chồng tôi đã xây được một ngôi nhà khang trang từ số tiền vay mượn của người thân, bạn bè cùng với nguồn vốn vay hỗ trợ theo Nghị quyết 33 về nhà ở cho người nghèo để gia đình an cư lập nghiệp, giúp vợ chồng tôi có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”, anh Luận cho hay.

Vợ chồng anh Luận dọn cỏ vườn tiêu

Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiểu rõ các chính sách tín dụng ưu đãi, tiếp cận nhanh với nguồn vốn, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở khâu cho vay, thu nợ, giám sát sử dụng vốn, mà ngân hàng còn hướng dẫn, tư vấn người dân phương thức sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả.

Ông Phạm Văn Ánh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar cho biết: “Để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách luôn có vốn để chủ động sản xuất, chăn nuôi hiệu quả nhất sắp tới, ngân hàng tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò của mình. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn nhưng sẽ là động lực để các hộ nghèo có động lực để vươn lên vượt khó ổn định cuộc sống”.

Thu Sa

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top