Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch như mít, xoài, sầu riêng... và có các phương án tiêu thụ trái cây mùa cao điểm.
Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng cây ăn quả chính tại Nam Bộ trong quý II/2022 đạt gần 1,5 triệu tấn, cao hơn quý I khoảng 137.000 tấn do một số loại quả vào mùa như: thanh long, chuối, nhãn, chôm chôm, sầu riêng,…
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định sản lượng trái cây năm nay không có yếu tố đột biến về sản lượng hay chất lượng. Tuy nhiên, về tiêu thụ dự báo sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero Covid", các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, lúc đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.
Lãnh đạo nhiều sở NN-PTNT cũng thông tin về việc nhiều loại trái cây như: mít, xoài, chuối,… đang có mức giá rất thấp, tiêu thụ khó khăn, như: mít từ 20.000-30.000 đồng/kg rớt xuống còn 4.000-6.000 đồng/kg; xoài từ vài chục ngàn đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg… Chỉ có sầu riêng đang vào vụ, dù giá có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao do tổng sản lượng thu hoạch không nhiều. Điều này đã ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống, kế hoạch sản xuất của nhà nông.
Còn ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho hay 2 tháng qua, các cửa khẩu chính tại Quảng Ninh, Lào Cai đóng cửa do Trung Quốc phát hiện Covid-19 đã gây áp lực lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chưa kể, những đợt phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến về công tác kiểm soát Covid-19 cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam còn chủ quan, chưa tuân thủ quy định về phòng dịch khi đưa hàng sang nước bạn. Việc ách tắc trong xuất khẩu rau quả cũng nằm ở khâu kiểm tra Covid-19, không phải do kiểm dịch thực vật nên DN cần phải kiểm soát chặt quy trình sản xuất, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trên bao bì, sản phẩm, thành container,…
Với thị trường Liên minh châu Âu (EU), dù rau quả Việt Nam đang được hưởng lợi do ưu đãi thuế quan nên tăng trưởng tốt trong năm qua nhưng gần đây phát sinh vấn đề EU tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% khiến lượng xuất khẩu sụt giảm. "Các cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm nông sản vào EU và đàm phán với phía EU giảm tần suất kiểm tra để tạo điều kiện cho xuất khẩu" - ông Hòa chia sẻ.
Giá xoài giảm mạnh, người trồng thua lỗ
Nhiều nhà vườn tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đang đứng ngồi không yên khi giá xoài xuống thấp nhưng không thể tiêu thụ.
Hơn 12 năm trồng xoài, nhưng chưa vụ nào gia đình chị Huỳnh Thị Thương ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lại rơi vào khó khăn như năm nay. Chị cho biết, hơn 4 ha xoài đang vào vụ thu hoạch, dự kiến khoảng 20 tấn quả mà chị mới chỉ bán lẻ được vài tạ.
“Năm nay, xoài được mùa nhưng lại mất giá, giá thị trường rẻ quá. Để thu hoạch hết vườn này giá mà dưới 5.000 đồng/kg là lỗ vốn bỏ ra mua thuốc. 4 ha này phải thu được 200 triệu đồng thì mới đạt mà giá hạ như thế này nữa thì tôi phải bù lỗ hơn 30 triệu đồng” - chị Huỳnh Thị Thương chia sẻ.
Giá xoài xuống thấp cũng khiến ông Lê Thôi, ở thôn 8, xã Ea Lê lo lắng thu không đủ bù chi, nguy cơ phải thay thế vườn cây.
Ông Thôi cho biết: “Giá bữa nay còn 2.500 đồng/kg, mấy năm trước còn 18.000 đồng, 19.000 đồng/kg. Mấy năm rồi tôi bán vườn này được 200 triệu đồng, năm nay từ bữa giờ bán chưa được 1,5 triệu đồng vì bán có ai mua đâu. Nếu đổ thuốc nữa phải mất hơn 20 triệu đồng nhưng không có đầu ra thì đành phải bỏ. Tôi dự tính rồi, nếu trường hợp như thế này tôi cắt bỏ thay cây trồng khác hoặc tôi đưa xoài vào nhưng loại xoài khác”.
Tương tự, anh Trần Hữu Lợi ở thôn 6, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp có hơn 30 ha xoài cũng đang lâm vào cảnh thua lỗ. Anh cho biết, những năm trước, khi chưa đến mùa thu hoạch, thương lái đã tới đặt cọc tiền mua cả vườn. Còn năm nay anh phải tìm mọi cách kết nối các bạn hàng với hy vọng vớt vát lại ít vốn đầu tư. “Với giá xoài như hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất, thuê nhân công hái thì nhà vườn thất thu, không có lãi”.
Theo ông Trần Doãn Sáng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp, toàn huyện có gần 560 ha xoài các loại, sản lượng khoảng gần 14.000 tấn, tập trung nhiều tại thị trấn Ea Súp và các xã Ea Bung, Cư M’lan, Ea Rốk, Ya Tờ Mốt, Ia Rvê. Đây là loại cây đã khẳng định được sự phù hợp với vùng đất cát khô cằn Ea Súp. Tuy nhiên, do phát triển tự phát nên đầu ra cho xoài vẫn bấp bênh. Địa phương đang định hướng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi để phát triển bền vững.
“Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ trồng xoài để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất ổn định. Đại diện là các hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Huyện đề nghị sở nông nghiệp tiếp tục có những chương trình hỗ trợ liên kết theo chuỗi, xây dựng các chuỗi sản xuất ổn định hỗ trợ cho huyện. Đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm có thể hướng đến xuất khẩu lâu dài, ổn định” - ông Trần Doãn Sáng nêu rõ.
Tìm giải pháp thay vì than vãn
Giải pháp được ông Lê Thanh Tùng nêu ra là tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả để tăng cường quản lý vùng trồng, nắm sát sản lượng, chất lượng từng loại quả; chỉ đạo rải vụ trái cây (thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng) linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục kết nối DN thu mua trái cây; phát triển mảng bảo quản và chế biến.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa lưu ý các địa phương cũng như DN chú ý thông tin về hoạt động của các cửa khẩu để điều chuyển hàng hóa hợp lý. "Hiện tại, cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Lào Cai) và Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phía Trung Quốc đã mở cửa thông quan nhưng chưa có xe trái cây nào chuyển đến trong khi tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) lại đang tồn đến 372 xe trái cây", ông Hòa nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương không "than vãn" mà cần tìm giải pháp để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân. "Cần tổ chức lại sản xuất để thích ứng với những thay đổi của thị trường, đừng để khi cửa khẩu với Trung Quốc thông thì mọi việc lại quay về như cũ.
Hiện nay, nhiều DN vẫn còn tư duy nước đến chân mới nhảy, vẫn suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính nên không chịu thay đổi để thích ứng. Cần nhìn vào cách ngành rau quả Thái Lan thích ứng với chính sách "zero Covid" của Trung Quốc nên xuất khẩu của họ ít bị ảnh hưởng. Họ tìm cách đáp ứng được quy định để kiểm soát Covid-19 trong chuỗi sản xuất trái cây trong khi Việt Nam chỉ có thể hy vọng đàm phán để Trung Quốc nới lỏng quy định" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nói rằng dù luôn mong muốn nông dân sản xuất có lãi nhưng quy luật kinh tế thị trường, không phải lúc nào cũng được như vậy. "Hiện nay có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiết giảm được chi phí, giúp tăng hiệu quả kinh doanh và cần được lan tỏa, nhân rộng.
Nông dân cũng cần sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường, truy xuất được nguồn gốc thì mới thuận lợi đầu ra. Năm ngoái, trong những ngày khó khăn do Covid-19 thì các sản phẩm nông sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,… vẫn kết nối tiêu thụ dễ dàng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Chợ đầu mối sẵn sàng
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết là chợ đầu mối tiêu thụ trái cây lớn nhất cả nước, đơn vị đã có các phương án tiêu thụ trái cây mùa cao điểm. "Hiện trái cây nhiệt đới đang vào mùa với một số mặt hàng đặc trưng như: vải Tây Nguyên, măng cụt, chôm chôm,…
Lượng hàng sẽ lên đến mức cao điểm vào dịp Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch, tức 3-6 tới) nên chúng tôi đang chuẩn bị về bến bãi, bốc xếp. Các thương nhân tại chợ cũng đã làm việc với các đầu mối tại Hải Dương, Bắc Giang để chuẩn bị tiêu thụ vải thiều miền Bắc. Điểm sáng của năm nay là một số nhà cung cấp trái cây nội địa đã chỉn chu hơn về bao bì, nhãn mác thay vì chỉ đóng gói sơ sài như trước" - ông Phương nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết ông đang là trưởng ban vận động thành lập Hội Xoài Việt Nam thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bước đi nhằm chuyên nghiệp hóa một loại trái cây Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. "Quả xoài có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ, Hàn Quốc,… với nhiều dạng tươi, chế biến.
Nhưng muốn xuất khẩu được phải tuân thủ nhiều quy định nước nhập khẩu về quy trình canh tác, xử lý sau thu hoạch, về thương mại cần tiêu chuẩn về giống xoài, lứa tuổi, kích cỡ, giá cả,… nên cần phải tổ chức lại sản xuất mới khai thác hết lợi thế. Hội Xoài Việt Nam với các thành viên là những DN dẫn đầu ngành hàng, các HTX, chuyên gia trong ngành sẽ thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu thị trường để nâng cao giá trị, thương hiệu xoài Việt Nam" - ông Tùng nói.
Về việc quả xoài liên tục "dội chợ" thời gian qua, ông Tùng nhấn mạnh đây là một trong những lý do cấp thiết để thành lập hội ngành hàng xoài nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên việc kiểm tra bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc vẫn còn siết chặt. Dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường này thời gian tới vẫn còn rất khó khăn.
Trước tình trạng hàng triệu tấn rau quả bí đầu ra, Bộ NN&PTNT vừa họp khẩn với các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, đây là giai đoạn mà cả ngành nông nghiệp lẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản.
Theo ông Hoan, mỗi cán bộ ngành Nông nghiệp sớm hình thành tư duy “tiếp thị chính sách”. Thay vì để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đi hỏi, tìm hiểu về các văn bản, quy định, các cán bộ, địa phương cần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chủ động cập nhật các phương thức để phổ biến cho người dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch như mít, xoài, sầu riêng. Các địa phương cần thống kê chi tiết số lượng, diện tích các loại, lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp.
“Các đơn vị liên quan, doanh nghiệp sớm tổ chức hội nghị xúc tiến trái cây trước mùa vụ mới. Những đơn vị cấp mới mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu cần tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng chậm trễ để hàng hư hỏng, ùn tắc xảy ra trong đợt này”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.