Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2021 | 21:15

Phát triển vườn giống và trồng cây mắc ca bình ổn ở Tràng Định

Sau gần 3 năm phát triển cây giống và mở rộng vườn trồng, hiện, cây mắc ca đã khẳng định được vị thế của mình tại đất Tràng Định (Lạng Sơn).

Anh Dương Công Lương, Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Lạng Sơn (trực thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam), cho biết, địa điểm Công ty “cắm chốt” để phát triển cây mắc ca, từ vườn ươm cây giống chuẩn, đến vườn trồng là vùng núi sát biên giới Việt – Trung, vẫn còn khá nhiều đất đồi trống, thích hợp với cây mắc ca. Đi trước Việt Nam, ở bên kia biên giới, bà con Trung Quốc đã trồng ổn định từ nhiều năm nay.

 

g-31.jpg

 Vườn ươm cây giống mắc ca của Công ty Cổ phần Liên Việt Tràng Định.

 

Theo đó, người dân Tràng Định chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, mới biết đến cây mắc ca vài năm nay, và đang trồng manh mún, mỗi nhà từ 2 - 40 cây, khoảng 3,4 năm tuổi, có cây đã cho thu hoạch.  

Đặc biệt, từ khi Công ty Liên Việt có vườn cây giống chuẩn ở Tràng Định, người dân mới thấy được hiệu quả thực sự của cây mắc ca, và đã tự tin hơn khi đến với cây trồng này. Con số 21.000 cây giống chuẩn của Công ty xuất bán cho bà con trong vùng năm 2020 đã chứng minh điều đó.

Hiện, vườn ươm của Công ty có: 117.395 cây thực sinh, 24.068 cây ghép. Số cây còn tồn từ năm 2019 là 8.610 cây; số cây nhập trong năm 2020 là 36.577 cây.

Tổng số cây xuất ra trong năm 2020 là 21.104 cây, riêng Công ty đã có vườn trồng diện tích 2.7ha, trên 600 cây. Đồng thời, đang trồng thử nghiệm 300 cây của Viện nghiên cứu Lâm nghiệp, diện tích 1ha.

Theo đó, mắc ca là cây trồng mới, chưa được phổ biến đến đông đảo người dân Tràng Định. Song, theo đề nghị của xã Quốc Việt, Công ty đã mở 1 hội thảo tại địa bàn xã, nhưng do quy mô nhỏ nên chưa đến được với đông đảo người dân. Dự kiến, năm 2021, Công ty sẽ tổ chức lại bài bản hơn, tại trung tâm huyện Tràng Định,

Ngoài ra, Công ty còn có dự án 2.197ha tại xã Đào Viên, hiện đang tiến hành phát dọn phủ bì, để kịp trồng vào tháng 2 - 3 năm 2021.

Mặt khác, anh Lương còn cho biết thêm, nhu cầu về cây giống trên địa bàn Lạng Sơn nói riêng, khu vực Đông Bắc bộ nói chung đang rất lớn.

Nhất là sau Hội nghị tháng 9/2020 ở Đắk Lắk, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đánh giá về kết qủa bước đầu của cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua, và định hướng trong thời gian tới.

Do vậy, Công ty nhận định, năm 2021, nhu cầu cây giống trên địa bàn sẽ tăng mạnh, do người dân đã bước đầu nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca. “Vì vậy, dự kiến, năm 2021, Công ty sẽ tiêu thụ khoảng 30 - 40.000 cây giống. Đồng thời, sẽ phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, tổ chức hội thảo đầu vườn tại Lạng Sơn, để tuyên truyền, cung cấp những kiến thức cơ bản về cây mắc ca cho người dân, qua đó, mở thêm 3-4 đại lý phân phối cây giống trên địa bàn tỉnh.

 

cay1.jpg

 Sau vườn ươm, mắc ca của Công ty đã xanh tốt trên vườn đồi.

 

Tiếp tục chăm sóc cây thực sinh hiện có, để đạt tiêu chuẩn ghép. Dự kiến, năm 2021 sẽ ghép khoảng 60.000 cây thực sinh, cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn khoảng 20 – 30.000 cây. Tiến hành ươm cây thực sinh mới, khoảng 250.000 cây.

Tập chung chăm sóc vườn trồng 3,7ha tại thôn Bản Slào, xã Quốc Việt, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt; trồng mới 22ha tại xã Đào Viên, và những diện tích Công ty sẽ mở rộng trong năm 2021” – anh Lương cho biết thêm.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tràng Định, ông Chu Việt Hà, cho biết: “Một vài năm trước, bà con Tràng Định đã tự phát trồng cây mắc ca. 2 năm gần đây, khi Công ty Liên Việt đưa cây mắc ca về Tràng Định một cách bài bản, địa phương có thể khảo sát để mở rộng diện tích. Một mặt, do đất đai phù hợp, mặt khác, quỹ đất để mở rộng diện tích cây mắc ca ở Tràng Định vẫn còn khoảng 300 ha. Đây là hướng đi đúng, để bà con Tràng Định sử dụng quỹ đất đồi núi trọc hiệu quả hơn”.  

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
Top