Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2017 | 4:36

Đất đồi cho trái ngọt

Giữa vùng đất ven sông bạt ngàn mía, lọt thỏm một trang trại cây ăn quả lúc lỉu trái ngọt của anh Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh (Yên Sơn - Tuyên Quang).

Anh Giàu bên vườn bưởi của gia đình.

Với doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng/năm, trang trại anh Giàu đạt giải A trong Hội thi các trang trại của huyện Yên Sơn năm 2016.

Tiếp khách bên chén trà, anh Giàu bảo, để có được cơ ngơi này, mình đã từng bôn ba qua nhiều nghề: Từ chạy thuyền máy đến lái xe ô tô, trồng cây mía, nuôi bò, lợn... không nghèo, nhưng cũng chẳng dư dật. Bố mẹ đặt tên mình là Giàu, nên mình nghĩ, phải làm mọi cách để không giàu thì cũng phải khá. 

Năm 1999, sau một lần về thăm quê ở Cầu Diễn (Hà Nội) anh Giàu nhận thấy cây bưởi Diễn là một trong những giống cây ăn quả cho thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác. Trong khi nguồn quỹ đất của gia đình rất dồi dào, có khả năng trồng hàng nghìn gốc bưởi nên anh mua 20 cành bưởi Diễn về trồng thí điểm. Những ngày đầu thấy anh Giàu trồng bưởi trên đất gò đồi, xưa nay chỉ trồng chè và keo, nhiều người đã cho rằng anh Giàu là người “khó hiểu” - “khó hiểu” bởi trước đó ở chính mảnh đất này đã có không ít người trắng tay từ trồng cây ăn quả. Nhắc về quãng thời gian đó, anh ví mình như người “cô đơn”, đám hiếu đám hỉ, những người trồng cùng một loại cây, nuôi cùng một loại con ngồi túm lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, mình anh trồng cây ăn quả, ngồi ở đâu cũng thấy mình thừa thãi. Càng “cô đơn”, anh càng quyết làm cho bằng được! 

Anh Giàu vốn xuất thân từ dân buôn bán, nên bắt tay vào việc gì anh cũng có thói quen hạch toán, lên kế hoạch lâu dài về vốn - lãi. Anh tính toán, chục năm trước, 1 quả bưởi Diễn chỉ có giá khoảng 2.000 đồng, cứ 100 gốc bưởi cho quả, vốn đầu tư của anh chỉ mất hơn 1 gốc, phần còn lại là lãi nên anh không ngần ngại gì không nhân rộng. Từ 20 gốc bưởi Diễn đầu tiên, anh nhân dần lên thành 700 gốc trồng quanh nhà. Làm đất trồng đến đâu, anh đào ngầm hệ thống ống dẫn nước, xây trụ bơm nước đến đấy. Theo anh Giàu, bưởi Diễn không phải là thứ cây quá khó tính đối với vùng đồi đất ở Phúc Ninh; nhưng để đem lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật hãm lộc kích thích đậu quả khi bưởi ra hoa. Không tập trung bán vào thời điểm đầu vụ, vườn bưởi của gia đình anh thường bán vào thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán, giá thời điểm này thường cao hơn so với thời điểm đầu năm 4-5 giá. 

Nổi danh từ cây bưởi Diễn, anh Giàu tham gia vào Hội Làm vườn tỉnh Tuyên Quang, là thành viên của Hội Làm vườn Việt Nam. Cái hay của việc được tham gia vào HLV là được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, được đi tham quan, học hỏi nhiều nơi. Anh Giàu bảo, khi chưa đến đâu, mình nghĩ cơ ngơi của mình đã là hiệu quả, tiên tiến nhất nhưng “đi một ngày đàng” mới thấy nhiều nơi người làm vườn áp dụng hệ thống tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm được chi phí, nhân công, từ đó anh bắt đầu nghiên cứu, xây dựng tại gia đình. 

Sau khi mở rộng diện tích cây ăn quả lên 16ha, bao gồm 10ha bưởi Diễn, 0,5ha thanh long ruột đỏ, 3ha cam Vinh, 2,5ha cam Canh, anh đưa máy cuốc vào làm đất để đảm bảo đất có đủ độ tươi xốp, ngầm hóa ống dẫn nước và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho trang trại theo quy mô mỗi khoảnh 1 cây tưới. Ngay cả việc phun thuốc cho vườn, anh cũng đưa lên máy cuốc, đến khoảnh nào phun thuốc đến đấy. Anh bảo, trước đây tất cả đều do mình mày mò làm, nhưng giờ nông dân cũng phải chuyên nghiệp, làm gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có như thế mới làm được việc lớn. 

“Làm đến đâu chắc đến đấy”, phương châm này đã giúp anh Nguyễn Văn Giàu vươn lên, có thu tiền tỷ mỗi năm. Sau mỗi vụ thu hoạch, vợ chồng anh lại dồn tiền mua đất tiếp tục mở rộng trang trại. Giờ anh đã có 16ha cây ăn quả, 17ha rừng, 2 máy cuốc trị giá 700 triệu đồng. Doanh thu từ cây ăn quả mỗi năm đạt trên 2,5 tỷ đồng, doanh thu từ rừng trên 1 tỷ đồng. Mỗi năm, vườn bưởi của gia đình anh cung cấp cho thị trường trên 110 tấn quả, thị trường chủ yếu ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Việt Trì... Hai năm nay, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được Hội Làm vườn tỉnh hướng dẫn đã đem lại cho anh lợi nhuận cao hơn.

Nhận thấy năng suất quả cao hơn, chất lượng tốt hơn, giá bán cao hơn và ổn định hơn, anh Giàu mong muốn địa phương có một hợp tác xã hoặc tổ hợp tác đứng ra làm chứng nhận VietGAP, xây dựng nhãn hiệu bưởi Diễn Phúc Ninh, để đảm bảo có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường, tạo ra mối liên kết cả về đầu tư lẫn tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Trần Liên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top