Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 3 năm 2021 | 7:7

Đất sử dụng “ngay tình”, cần sự nhìn nhận khách quan của cơ quan tư pháp.

Đất Nhà nước giao trồng rừng vào năm 1986, đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, đóng thuế nên đến năm 2003, được Nhà nước cấp “sổ đỏ” cho các thửa đất. Sử dụng hợp pháp nhưng vẫn bị yêu cầu trả lại cho người khác.

Việc tặng đất cho bà Nguyễn Ngọc Thu không có căn cứ pháp lý

Theo đó, Toà Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đang xét xử vụ án liên quan đến việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Ngọc Thu và bị đơn là ông Ngô Văn Lộc và bà Huỳnh Thị Lệ Thu.

Cụ thể, Theo hồ sơ vụ việc, 3 thửa đất số 1060, 1061,1062 tờ bản đồ số 39 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là 3 thửa đất) được gia đình bà Huỳnh Thị Lệ Thu và ông Ngô Văn Lộc (đã mất) cùng ngụ tại huyện Trảng Bom sử dụng ổn định từ năm 1986 đến nay. Với 3 thửa đất này, gia đình bà Lệ Thu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, đóng thuế nên đến năm 2003, gia đình bà đã được UBND huyện Trảng Bom cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 3 thửa đất trên và được cấp lại GCN QSDĐ vào năm 2011 với nguồn gốc đất là do Nhà nước giao trồng rừng vào năm 1986.

Dư luận trông chờ sự nhìn nhận khách quan từ phía các cơ quan tư pháp trong vụ việc
Dư luận trông chờ sự nhìn nhận khách quan từ phía các cơ quan tư pháp trong vụ việc

Tuy nhiên, phần đất của gia đình ông Lộc bà Lệ Thu được giao, cấp sổ, sử dụng suốt 34 năm qua nhưng vẫn bị yêu cầu trả lại cho người khác. Cụ thể, năm 2015 gia đình bà Lệ Thu bị bà Nguyễn Ngọc Thu (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khởi kiện với yêu cầu buộc gia đình bà Lệ Thu trả lại cho bà Ngọc Thu 3 thửa đất nêu trên.

Lý do bà Ngọc Thu đưa ra, phần đất tranh chấp trên do bà Phạm Thị Phương (mẹ chồng bà Ngọc Thu)khai phá năm 1977. Đến năm 1982 thì bà Phương cho vợ chồng bà Ngọc Thu để canh tác hoa mầu. Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp luật và căn cứ vào các chứng cứ, lời khai thì việc bà Ngọc Thu khai được cho tặng hoàn toàn không có tính xác thực và căn cứ pháp lý.

Cụ thể, tại Quyết định số 272-CP ngày 03/10/1977 của Hội đồng đồng chính phủ quy định “Đất đồi núi, rừng và đất đai chưa khai phá đều thuộc quốc gia công thổ, không ai được chiếm làm của riêng…”; Phần I Thông tư số 20-TT/LB ngày 11/5/1978 của Bộ Nông nghiệp – Bộ Lâm nghiệp quy định: “Đất và rừng trên lãnh thổ cả nước đều là tài sản chung của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, không một đơn vị hoặc cá nhân nào được chiếm làm của riêng. Chỉ Nhà nước mới có thẩm quyền giao đất, giao rừng cho các đơn vị quốc doanh và các hợp tác xã quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật và chấp hành đúng chính sách, luật lệ của Nhà nước”.

Rõ ràng, pháp luật thời điểm này quy định rõ đất hoang, đất rừng là công sản quốc gia, không cho phép cá nhân tự khai phá, khai hoang đất để sử dụng vào bất cứ mục đích gì. Cá nhân, hộ gia đình chỉ được quyền khai thác, sử dụng đất khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất theo đúng quy định, trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định. Do đó, việc bà Ngọc Thu khai bà Phương khai phá 1,40 ha đất rừng thuộc tập đoàn 39 quản lý để canh tác ở thời điểm 1977 – 1985 là không có căn cứ pháp lý (Luật không cho phép), không được công nhận quyền sử dụng đất.

Mặt khác, trong suốt quá trình tố tụng bà Phương và bà Ngọc Thu không cung cấp được bất cứ một tài liệu chứng cứ nào chứng minh được là bà Phương đã khai phá đất từ năm 1976-1977 và đã thực hiện các quy định của pháp luật ở thời điểm đó để được công nhận quyền sử dụng đất. Hồ sơ vụ án cũng không có bất cứ một mục kê nào do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ghi nhận thời điểm 1976-1977 đến 1982 bà Phạm Thị Phương đã khai phá đất, đăng ký sử dụng đất, được ghi tên vào sổ địa chính nhà nước những năm đó.

Hộ ông Ngô Văn Lộc được giao đất đúng Luật và theo kế hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai

Căn cứ vào các bản án, hồ sơ vụ việc cũng như các luận cứ có trong vụ án dễ thấy việc giao đất cho hộ ông Ngô Văn Lộc được cho hợp pháp theo đúng trình tự thủ tục Luật định, đúng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của Tỉnh Đồng Nai thời điểm đó và hoàn toàn không lấn chiếm, cướp đất của gia đình bà Nguyễn Ngọc Thu.

Cụ thể, năm 1986 UBND huyện Thống Nhất đã giao đất trồng rừng cho hộ ông Nguyễn Văn Lộc và Cấp sổ Giao đất trồng rừng theo đúng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa phương và theo quy định của pháp luật, tuân thủ chặt chẽ về trình tự thủ tục giao đất, giao rừng. Qua các tài liệu xác minh thực tế, văn bản trả lời của các cơ quan quản lý đất đai của huyện Trảng Bom dễ dàng nhận thấy không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào chứng minh được gia đình bà Nguyễn Ngọc Thu đã khai phá và sử dụng đất từ năm 1976-1977 đến năm 1985.

Mặt khác, căn cứ vào phương án giao đất, giao rừng của tỉnh Đồng Nai và Quy định 242/QĐ-UBT ngày 07/5/1984 về việc hướng dẫn chính sách và khuyến khích trồng cây gây rừng, xét đề nghị của UBND xã Trảng Bom 1 và ông Trang Xài Nhu ngày 01/7/1986 thì ngày 09/7/1986 Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-GĐ-GR để giao đất, giao rừng cho ông Trang Xài Nhu và 7 hộ gia đình có danh sách kèm theo, với diện tích được giao là 50ha đất trồng rừng, trong đó hộ ông Ngô Văn Lộc được giao 3ha.

tại Quyết định số 27/QĐ-GĐ-GR, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất còn uỷ quyền cho Hạt lâm nghiệp phối hợp với UBND xã Trảng Bom 1 tiến hành giao nhận đất cho các hộ có tên trong danh sách kèm theo. Sau đó hộ ông Ngô Văn Lộc đã được chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cấp Sổ giao đất trồng rừng số 114/LN theo chính sách pháp luật thời điểm đó (Bút lục 640, 641).

Từ những luận cứ trong suốt quá trình tố tụng, rõ ràng hộ gia đình ông Ngô văn Lộc và bà Huỳnh Thị Lệ Thu đã sử dụng hợp pháp khu đất trên, được Nhà nước công nhận, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ với cơ quan Nhà nước. Thiết nghĩ, việc cơ quan Tư pháp chấp thuận kháng án của bà Huỳnh Thị Lệ Thu cùng các thừa kế của ông Ngô Văn Lộc, công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho gia đình ông Lộc thiết nghĩ cũng là điều “ngay tình” và có căn cứ pháp luật.

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top