Đầu tư tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã được UBND tỉnh Nam Định đánh giá khá toàn diện.
Nhiều dấu ấn đậm nét được thể hiện với những thành tích nổi bật và đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Phát huy hiệu quả nguồn lực
Cùng với Đồng Nai, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau gần 9 năm triển khai xây dựng, đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM, về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Thành tích này có được là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong toàn tỉnh. Bằng những chỉ đạo cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch về tổ chức phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2020” và chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, triển khai thực hiện kế hoạch.
Định hướng đã có nhưng với tỉnh có nguồn thu không lớn (thời điểm năm 2008, thu ngân sách tỉnh chỉ hơn 1.000 tỷ đồng) nên nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước thì rất khó hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Đây được xem là bài toán nan giải ở Nam Định khi bắt đầu triển khai Nghị quyết của Trung ương về xây dựng NTM. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, chính quyền các cấp đã nỗ lực tìm cách huy động vốn từ nhiều nguồn lực, và tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực được sử dụng khá hiệu quả.
Theo NHCSXH tỉnh Nam Định, thời gian qua, ngân hàng đã triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, đảm bảo 100% vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn từ các cấp. Ngoài việc đưa đồng vốn kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, còn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, làm ăn có hiệu quả, nhằm từng bước cải thiện đời sống và nâng cao trình độ dân trí.
Từ năm 2010 đến nay, NHCSXH tỉnh Nam Định đã giải ngân cho 348.106 lượt khách hàng với số tiền 7.395,6 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.023,3 tỷ đồng với 104.120 hộ vay.
Trong đó, một số chương trình trọng điểm như cho vay hộ nghèo 326 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 893,5 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 428,5 tỷ đồng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 206,9 tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT 1.010,6 tỷ đồng…
Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội
Đầu tư tín dụng của NHCSXH góp phần thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, mà nổi bật nhất là giúp tỉnh Nam Định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, đời sống người dân tại khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt là người nghèo. Tín dụng chính sách thông qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho người nghèo lao động ở nông thôn.
Cùng với đó, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cũng góp phần thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội. Thực tiễn những năm qua tại Nam Định cho thấy, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. NHCSXH đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ nguồn vốn vay NHCSXH, 10 năm qua, 67.504 lượt hộ nghèo, 45.118 lượt hộ cận nghèo, 14.432 hộ mới thoát nghèo và 221.052 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 30.106 hộ thoát nghèo, 8.662 hộ thoát cận nghèo. Qua đó góp phần thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng NTM. Cụ thể: Hộ nghèo giảm dần qua các năm cả về số lượng và tỷ lệ (năm 2011, số hộ nghèo là 54.646 hộ, tỷ lệ 9,95%; đến năm 2019, số hộ nghèo còn 13.106 hộ, tỷ lệ 2,15%).
Về phát triển giáo dục ở nông thôn, đến nay, chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/QĐ-TTg do NHCSXH thực hiện đã giải ngân cho 52.119 HSSV được vay vốn để học tập. Đây được coi là chương trình tín dụng chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, nâng cao dân trí, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội đối với đất nước nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng.
Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội còn giúp Nam Định giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, tăng nhanh tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và số hộ gia đình có công trình hợp vệ sinh theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Tín dụng chính sách cũng được ghi nhận là giúp nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM.
“Các chương trình tín dụng chính sách đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn được nâng cao rõ rệt, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM về nhà ở, môi trường, thu nhập ở địa phương nói riêng và toàn tỉnh Nam Định nói chung.
Đến nay, Nam Định đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM trên toàn tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định Trần Văn Chung cho biết.
Mặc dù là một trong hai tỉnh đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM nhưng theo định hướng, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong giai đoạn mới. Để đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đề nghị Chính phủ, NHCSXH Việt Nam quan tâm bổ sung nguồn vốn từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Tỉnh cũng mong muốn mở rộng đối tượng cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực thị trấn của các huyện; cho vay đối với các hộ có thu nhập trung bình. Kiến nghị Chính phủ và NHCSXH xem xét cho phép kéo dài thời gian thụ hưởng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ từ 3 năm lên 5 năm kể từ khi hộ mới thoát nghèo ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo thoát nghèo bền vững.