Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, học sinh nhiều địa phương phải tạm dừng đến trường, để tránh dịch bệnh lây lan.
Dạy học trực tuyến được cho là phù hợp với tình hình giãn cách xã hội, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong học tập, rất cần áp dụng áp dụng nhiều hình thức dạy học khác.
Không hiệu quả nếu chỉ dạy một phương pháp
Trao đổi với phóng viên về việc dạy học trực tuyến cho học sinh hiện nay, cô giáo Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội), cho biết, khác với đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020, khi phát hiện khả năng lây nhiễm trong cộng đồng cao, Chính phủ đã tổ chức thực hiện ngay giãn cách xã hội. Do vậy, không chỉ có học sinh phải tạm dừng đến trường mà các đơn vị, cơ quan cũng khuyến khích cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà nên việc học qua hình thức online của các con được giám sát hiệu quả hơn với sự kèm cặp của phụ huynh.
Là giáo viên có kinh nghiệm, cô giáo Hoàng Thị Quyên, Trường Tiểu học Ái Mộ A, cho biết, đợt dịch lần này các con tạm dừng đến trường, ở nhà học trực tuyến, các thiết bị phục vụ cho việc học này chưa đầy đủ. Hơn nữa, do nhiều phụ huynh không giám sát được các con trong quá trình học tập, nên chúng tôi phải bố trí dạy vào buổi tối, nhưng lại bị nghẽn mạng do có quá nhiều người truy cập, vì vậy, hiệu quả không cao. Đây là một trong những khó khăn khi thực hiện dạy trực tuyến.
“Với những khó khăn và hạn chế như vậy, nếu chúng ta chỉ áp dụng mỗi hình thức dạy học trực tuyến đơn thuần hay học trên truyền hình, thì hiệu quả và chất lượng học tập khó đảm bảo. Bởi vậy, cần phải áp dụng nhiều hình thức dạy học khác, làm sao cho sự tương tác giữa cô và trò được tăng cường, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập”, cô Bích Huyền chia sẻ.
Áp dụng nhiều hình thức dạy học
Muốn phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học” đạt kết quả, thầy cô giáo cũng cần phải chuẩn bị tốt những điều kiện về phương tiện để phục vụ cho công việc dạy học trực tuyến tốt nhất.
Trước hết, trong mỗi bài giảng, giáo viên phải xác định mục tiêu cần đạt trong bài giảng, xác định trọng tâm kiến thức hay kiến thức cơ bản cần truyền đạt đến học sinh. Cần chú trọng đến kiến thức trọng tâm và lược bỏ những phần không nhất thiết phải dạy trong bài.
Từ đó thầy cô giáo cần lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến sao cho phù hợp với đặc thù và điều kiện của học sinh, việc lựa chọn phần mềm cũng thế. Giáo viên cần hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách khai thác bài giảng, tài liệu, câu hỏi, bài tập gửi qua e-mail, zalo... để sau mỗi bài giảng, học sinh có được tài liệu để thực hành ở nhà.
Cô Nguyễn Thị Bích Huyền cho biết, xác định việc dạy học trực tuyến thời điểm này khó khăn hơn lần trước, do vậy, chúng tôi khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ sử dụng các hình thức dạy học online như Lồng tiếng thuyết trình vào bài trình chiếu Powerpoint (Clip); Dạy học trên phần mềm Zoom, Meet, video bài dạy truyền hình năm học 2019 - 2020; Giao phiếu học tập trên Zalo (Olm.vn,…). Các bài dạy thực hiện quay clip chuyển đường link gửi Ban giám hiệu duyệt nội dung trước khi gửi cho phụ huynh. Căn cứ vào ý kiến phụ huynh học sinh, Ban giám hiệu khuyến khích giáo viên dạy học trực tuyến qua các phần mềm dạy học do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giới thiệu.
“Chúng tôi quy định mỗi tuần tối thiểu mỗi giáo viên thực hiện dạy từ 1 đến 3 tiết dạy qua Zoom, Meet…để cô trò được gặp mặt trực tuyến, thông qua đó cô giáo hỏi thăm sức khỏe của học sinh, những vấn đề cần hỗ trợ, giúp học sinh trong quá trình học trực tuyến; còn lại giáo viên phải sử dụng nhiều hình thức dạy khác để tạo điều kiện cho phụ huynh giám sát việc học tập của con em mình”, cô Huyền nói.
Phụ huynh phải đồng hành cùng học sinh
Trong quá trình học trực tuyến bắt buộc phải có sự giám sát của phụ huynh học sinh, nhất là các cháu bậc tiểu học, đặc biệt là các cháu lớp 1. Khi cha mẹ ở nhà cùng con thì những phương tiện, thiết bị phục vụ cho công việc học trực tuyến đều được cha mẹ ưu tiên dành cho con.
Anh Nguyễn Thúc Định (Long Biên, Hà Nội), có 2 con đang học tiểu học và THCS, cho biết, mặc dù đã lắp đặt các thiết bị để phục vụ cho các con học trực tuyến khi đến giờ, nhưng nếu không có sự giám sát và cùng ngồi học thì các con sẽ không tập trung học, không những giúp cho con em mình thao tác nhanh hơn trên máy tính, điện thoại thông minh mà còn giúp con em mình có kỷ luật nghiêm túc trong học trực tuyến tại nhà.
Anh Định nói: “Việc cha mẹ giám sát cùng con em của mình khi học trực tuyến tại nhà là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, nếu không thì mọi công sức của thầy cô sẽ không thu được kết quả như mong muốn bởi sự không tập trung, chú ý học tập của các con”.
Phụ huynh Nguyễn Mạnh Cương, có con đang theo học lớp 3 tại Trường Tiểu học Ái Mộ A, cho biết, anh có cách quản lý con học tập trực tuyến ở nhà khá hiệu quả. Trong phòng học, gia đình anh lắp đặt camera, mặc dù không ở nhà nhưng đến giò học anh gọi điện thoại nhắc nhở con ngồi vào bàn học, xem lại các clip mà cô giáo đã gửi trước cho phụ huynh để sẵn trên màn hình, các con tự mở ra xem nội dung của bài giảng. Tối anh chị đi làm về sẽ cùng con xem lại clip đó và mang bài tập được cô giáo gửi ra làm. Sau khi hoàn thành bài tập, cha mẹ chụp lại và gửi Zalo cho cô giáo, cô giáo sẽ chấm và gửi kết quả lại để phụ huynh nắm được mức độ tiếp thu từng buổi học của con.
Anh Cương cho biết, nhờ có kinh nghiệm dạy học trực tuyến từ năm trước, nên các cô giáo Trường Tiểu học Ái Mộ A có nhiều hình thức dạy học để tăng cường sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, giáo viên với phụ huynh học sinh, thông qua đó các hoạt động dạy học trực tiếp trước kia được thay thế gián tiếp bằng công nghệ, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.
“Nhưng nói gì thì nói, phụ huynh phải đồng hành cùng con em mình trong học tập trực tuyến tại nhà, nếu không hiệu quả học tập sẽ không thể nào cao được”, anh Cương nói.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, năm học này hoặc có thể những năm học sau vẫn phải áp dụng những hình thức học tập trực tuyến. Với công nghệ hiện đại, các thiết bị để áp dụng vào học tập từ xa đang phát huy được hiệu quả, lựa chọn nhiều hình thức dạy học đang được giáo viên áp dụng để nâng cao chất lượng dạy học là việc rất cần thực hiện trong thời gian này.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.