Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 11 năm 2020 | 14:30

Để vốn chính sách “sinh lời”

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân...

t24.jpg
Gia đình anh Trần Văn Toản ở xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Ảnh: Đức Toàn

 

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân, tiếp thêm sức mạnh xóa nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn.

Phát huy hiệu quả đồng vốn

Được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, tạo điều kiện về thủ tục, gia đình anh Trần Văn Toản ở xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn đã vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Trực Ninh để đầu tư phát triển nghề thủ công sản xuất giỏ hoa, lẵng hoa cắm. Hiện tại xưởng của anh bình quân mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm các loại với đủ mọi kích cỡ. Chất liệu giỏ hoa, lẵng hoa khá đa dạng đáp ứng đầy đủ thị hiếu của khách hàng như: sắt phủ sơn tĩnh điện, gỗ, tre nứa, mây, cói, sợi nhựa giả mây ...

Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, sản xuất của gia đình anh cũng bị ảnh hưởng, lượng hàng tồn kho nhiều, trong khi đó vẫn phải duy trì sản xuất nên gặp khó khăn về vốn, nguyên liệu. Cũng nhờ nguốn vốn kịp thời của NHCSXH huyện, gia đình đã giải quyết được bài toán về nguyên liệu, đảm bảo việc làm cho người lao động. Xưởng sản xuất của anh Toản giải quyết việc làm cho 70 lao động với thu nhập bình quân 4-6 triệu người/tháng.

Tại huyện Giao Thủy, để đồng vốn đến tay hộ nghèo hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động triển khai cho vay đến từng địa bàn, tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức hội, đoàn thể; ký hợp đồng ủy thác với 4 tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Toàn huyện có 22 điểm giao dịch xã, với 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Có được đồng vốn đã khó, nhưng để đồng vốn “sinh lời” lại càng khó khăn hơn, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Vì vậy, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, thu nợ mà còn tư vấn hỗ trợ người nghèo sao cho đồng vốn sau khi được giải ngân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Cùng với đó, Phòng Giao dịch huyện còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Góp phần thoát nghèo

Chị Ngô Thị Phức (thôn 9 Sa Hạ, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng) trước đây gia đình chị chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và vườn rau là nguồn thu nhập chính, không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Năm 2017, chị được tư vấn vay vốn ưu đãi chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 45 triệu đồng để đầu tư mua 4 con bò giống sinh sản. Hiện đàn bò tăng lên 9 con, hàng năm cho thu nhập 80 - 90 triệu đồng.

 

t25.jpg
Giao dịch tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).

 

Với thu nhập ổn định, căn nhà lụp sụp trước đây giờ chị đã tu sửa khang trang, sạch đẹp; mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt. Cuộc sống của gia đình chị Phức được cải thiện nhiều và vươn lên trở thành hộ khá trong xóm.

Chị Phức tâm sự: “Có được như ngày hôm nay cũng nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện để gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục được vay thêm nguồn vốn ưu đãi để phát triển mô hình sản xuất chăn nuôi góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

Hoạt động cho vay của NHCSXH Nam Định thông qua phương thức ủy thác cho 4 tổ chức chính trị xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện với quy mô ngày càng mở rộng. Tại các điểm giao dịch đều công khai các chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, niêm yết đầy đủ danh sách hộ vay, hòm thư góp ý để kịp thời nắm bắt được thông tin, phản ánh từ bà con nông dân. NHCSXH các huyện thực hiện giao dịch vào ngày cố định trong tháng, cuối buổi giao dịch NHCSXH thực hiện giao ban với ban giảm nghèo, các tổ chức hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cách làm trên đã kịp thời đánh giá kết quả thực hiện trên cơ sở đó có giải pháp  đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình thiếu vốn sản xuất. Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Văn Định, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định, cho biết: Thông qua công tác giám sát từ phía ngân hàng và các tổ chức đoàn thể, hầu hết các hộ được vay đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn. Đây cũng chính là tiền đề để thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh việc quản lý nguồn vốn vay chất lượng hơn, tạo hướng đi đúng trong phát triển kinh tế với các hộ gia đình sau khi được vay vốn.

Dư nợ của NHCSXH tỉnh Nam Định đến 30/9/2020 đạt 3.165,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 141,9 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 116 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 3,8%), đạt 99,1% kế hoạch giao với 100.212 khách hàng còn dư nợ. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, 9 tháng qua đã có 611 hộ nghèo, 5.375 hộ cận nghèo, 3.065 hộ mới thoát nghèo và 15.811 đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 1.368 hộ thoát nghèo, 3.598 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 960 lao động; 1.705 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 29.478 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 05 căn nhà cho hộ nghèo, 40 căn nhà cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào an sinh xã hội.

Với trọng trách khởi nghiệp cùng người nghèo, NHCSXH Nam Định đã tăng cường nguồn vốn cho vay để người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và là địa chỉ đáng tin cậy giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

 

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH Nam Định tính đến ngày 30/9/2020 đạt 3.195 tỷ đồng, tăng 145 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong 9 tháng năm 2020, NHCSXH Nam Định đã giải ngân cho 26.506 lượt hộ (trong đó 1.644 hộ nhận nợ HSSV kỳ tiếp theo), số tiền 837,3 tỷ đồng, bằng 97,5% cùng kỳ năm trước, cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình: nước sạch & vệ sinh MTNT 294,5 tỷ đồng, hộ cận nghèo 278,1 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 160,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm 42 tỷ đồng...

 

 

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top