Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 8 năm 2021 | 14:19

Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở miền núi phía Bắc

Dịch bệnh tả lợn châu Phi (DTLCP) ở miền núi phía Bắc sau một thời gian dài yên ắng, nay đã có địa phương dịch bùng phát trở lại khiến nhiều hộ lo ngại khi tái đàn.

Dịch bùng phát ở Phong Thổ

Sau hơn nửa năm tích cực phòng, chống DTLCP, từ cuối tháng 6 đến nay ở các xã: Mường So, Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu) tái bùng phát dịch và có xu hướng gia tăng. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch lây lan.

 

dtlcp-lai-chau.jpg

Các hộ chăn nuôi lợn ở xã Mường So (huyện Phong Thổ) chủ động phun khử khuẩn phòng, chống DTLCP. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Cùng với cán bộ xã Mường So đến thăm gia đình anh Vàng Văn Vinh ở bản Huổi Én - một trong những hộ bị tiêu hủy lợn đầu tiên của xã do DTLCP. Nhìn chuồng trống không, anh Vinh không khỏi xót xa: “Gia đình tôi có 12 con lợn đang phát triển khỏe mạnh. Cuối tháng 6 vừa qua, lợn bắt đầu có biểu hiện nổi mụn đỏ toàn thân, bỏ ăn, tím tái phần bụng, được vài hôm rồi chết. Ngay sau đó, vợ chồng tôi đã báo cáo với chính quyền xã, thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn chuồng trại và tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Cứ nghĩ dịch đã ổn định, ai ngờ, đàn lợn lại bị dịch bệnh chết; bao nhiêu vốn liếng đổ sông, đổ bể”.

Cùng như gia đình anh Vinh, anh Giàng A Sử ở bản Nà Vàng (xã Bản Lang) cũng vừa mới tiêu hủy 13 con lợn bị mắc bệnh với tổng trọng lượng 480kg. Theo lời chia sẻ của anh Sử, năm trước, trong bản không có hộ nuôi lợn nào bị nhiễm DTLCP, năm nay trong bản đã có 6 hộ bị tiêu hủy lợn do bị bệnh. Nguyên nhân xác định ban đầu là do người dân đi chợ mua thịt ở Mường So mang về ăn.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ cung cấp, DTLCP xuất hiện tại xã Mường So vào ngày 30/6, tại xã Bản Lang ngày 11/7. Đến nay, 2 xã đã công bố tái bùng phát DTLCP. Tính từ khi xuất hiện dịch cho đến thời điểm này, đã có 28 hộ chăn nuôi ở 9 bản thuộc 2 xã bị tiêu hủy lợn với tổng số 209 con (trọng lượng gần 11 tấn).

Trước đó, từ tháng 6-8/2020, tại huyện Phong Thổ, DTLCP bùng phát và lây lan tại 85 hộ chăn nuôi thuộc 22 bản, của 7 xã gồm: Bản Lang, Mường So, Huổi Luông, Khổng Lào, Nậm Xe, Ma Li Pho và thị trấn Phong Thổ. Tổng số lợn chết và tiêu hủy trên 520 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 12 tấn. Đến cuối tháng 9/2020, huyện cơ bản đã ngăn chặn được dịch.

Trước tình hình DTLCP tái bùng phát, có diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm giao mùa hiện nay, dễ lây lan trên diện rộng; gây nguy cơ ảnh hưởng đến tổng đàn lợn trên 24 nghìn con, huyện Phong Thổ đã và đang triển khai các giải pháp cấp bách nhằm khống chế, ngăn chặn dịch.

Ông Trần Bảo Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của Nhân dân về các biện pháp phòng DTLCP. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, siết chặt công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển, lưu thông, sản phẩm thịt lợn trên địa bàn. Cấp phát hóa chất, vôi bột để các hộ chăn nuôi chủ động phun khử khuẩn. Yêu cầu đối với các hộ, cơ sở giết mổ, buôn bán thịt lợn phải được kiểm dịch trước khi đưa hàng hóa ra thị trường tiêu thụ; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các nơi có nguy cơ bị nhiễm cao, tránh dịch bệnh lây lan sang các địa phương lân cận. Lập danh sách để hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại khắc phục khó khăn, ổn định kinh tế.

Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã, thị trấn cũng chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống DTLCP. Chị Hồ Thị Hồng - bản Huổi Én (xã Mường So) cho hay: “Gia đình tôi hiện có 11 con lợn. Ngay khi thấy một số hộ trong bản có lợn bị ốm chết, hàng ngày tôi dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; hàng tuần phun khử trùng; duy trì chế độ đảm bảo dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho đàn lợn”.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn cẩn thận hơn trong công tác phòng dịch bằng cách không cho người lạ đến khu vực chăn nuôi lợn nhằm tránh mầm bệnh có thể ẩn náu trên quần áo, thiết bị đồ dùng cá nhân lây lan sang.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Phong Thổ, công tác phối hợp giữa các phòng, cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn và sự chủ động của Nhân dân trên địa bàn, DTLCP sẽ được ngăn chặn trong thời gian sớm nhất.

TP. Điện Biên Phủ: Dịch tả lợn châu Phi tái phát

Sau thời gian tạm lắng, DTLCP đã tái phát tại TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên Phủ), gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đàn lợn. Để kiểm soát dịch, bên cạnh sự nỗ lực dập dịch của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp thì việc tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn trong chăn nuôi vẫn là giải pháp hiệu quả nhất.

 

dien-bien.jpg

Cán bộ thú y xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) phun thuốc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi trên địa bàn.

 

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ, tính từ ngày 20/4 đến ngày 27/7, thành phố có 142 hộ tại 28 thôn, bản của 7 xã, phường tái phát DTLCP. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 276 con, với tổng trọng lượng hơn 14 tấn; tập trung tại các xã: Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan là do tác động của bệnh DTLCP trong các năm 2019 và 2020, khiến đàn lợn bị sụt giảm nghiêm trọng; khi dịch bệnh xảy ra người chăn nuôi không khai báo dịch, bán chạy, tự ý giết mổ lợn ốm đưa ra thị trường tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, người dân đã tái đàn, sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học làm lây lan dịch bệnh…

Xã Nà Tấu hiện có tổng đàn lợn là 4.350 con và là địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi khi DTLCP tái phát lây lan khá nhanh. Từ ngày 27/4 đến nay, dịch xảy ra tại 5 bản, 43 hộ chăn nuôi, tiêu hủy 78 con lợn mắc bệnh, trọng lượng tiêu hủy 4.785kg. Anh Lò Văn Thiện, cán bộ thú y xã Nà Tấu cho biết: DTLCP xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng yêu cầu chăn nuôi theo quy định, một số hộ tận dụng thức ăn thừa cho lợn mà không qua xử lý nhiệt và ý thức chăn nuôi của một số hộ dân kém nên dẫn đến dịch bệnh.

Ngay sau khi xuất hiện dịch, trong Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc vừa qua, Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố đã cấp 170 lít hóa chất cho UBND xã Nà Tấu chỉ đạo lực lượng tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch và khu vực xung quanh theo quy định, đồng thời triển khai điều tra, giám sát, kịp thời xử lý khi đàn lợn của các hộ nuôi có dấu hiệu dịch bệnh.

Còn tại xã Thanh Minh, nơi có ổ dịch tái phát đầu tiên tại bản Phiêng Lơi vào ngày 20/4, chính quyền xã đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khoanh vùng, dập dịch. Đặc biệt là đẩy mạnh vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường; khẩn trương tiêu hủy lợn chết, xử lý các ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống DTLCP. Nhờ sự chủ động, tích cực vào cuộc, DTLCP xảy ra trên địa bàn xã đã cơ bản được kiểm soát. Hiện xã Thanh Minh là 1 trong 3 địa bàn có khối lượng lợn tiêu hủy thấp nhất trong 7 xã, phường bị tái dịch.

Bà Chu Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố cho biết: Trước diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Trung tâm đã và đang phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các ổ dịch để đưa ra biện pháp khoanh vùng dập dịch; cung cấp hóa chất cho các địa phương để tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền đến người dân tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch.

Hộ chăn nuôi lo ngại khi tái đàn

Mặc dù DTLCP đã cơ bản được kiểm soát, nhưng các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn phường Dân Chủ (TP. Hòa Bình, Hòa Bình) vẫn còn tâm lý lo sợ, chưa mạnh dạn tái đàn, nhất là trong bối cảnh giá lợn hơi đang giảm mạnh do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bà Bùi Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết, chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của phường. Hiện, tổng đàn lợn của phường khoảng hơn 1.300 con. Phần lớn các hộ nuôi với số lượng 10 - 30 con/hộ. Tại phường, HTX chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn lợn sau dịch, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa số tâm lý e dè, chưa dám tái đàn.

 

hoa-binh.jpg

Gia đình anh Nguyễn Thành Tâm, tổ 2 là một trong những hộ bị thiệt hại do DTLCP. Anh Tâm cho biết: Nhà tôi có 3 chuồng lợn với tổng số 12 con, trong đó có 1 con lợn nái. Năm ngoái, do DTLCP, gia đình đã thiệt hại 2 con. Do sợ dịch có thể quay trở lại nên gia đình chỉ duy trì 10 con lợn còn lại, giảm còn 2 chuồng và không tái đàn. DTLCP chưa có vắc xin phòng bệnh nên gia đình tôi cố gắng phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại hàng ngày.

Tương tự như hộ anh Tâm, hộ ông Nguyễn Văn Bon, tổ 4 cũng e ngại tái đàn lợn vì lo sợ DTLCP có thể quay trở lại. Theo chia sẻ của ông, gia đình rất may mắn khi trải qua đợt dịch không bị chết con lợn nào. Nhờ khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại tốt cũng như xây tường bao cao, vững chắc nên nhà ông vẫn giữ nguyên được đàn lợn 15 con. Tuy nhiên, thấy hàng xóm bị dịch bệnh làm mất sạch cả đàn 30 con, khiến gia đình ông cảm thấy lo ngại tái đàn thời điểm sau dịch.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Bùi Thị Nhung cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn tới các hộ có tâm lý ái ngại việc tái đàn là do lo sợ DTLCP quay trở lại. DTLCP đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị, virus tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn giống đang ở mức khá cao cũng là nguyên nhân khiến hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn còn tâm lý e ngại trong việc tái đàn. Mặt khác, hầu hết chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân đều chưa đảm bảo an toàn sinh học.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, trong thời gian tới cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; quản lý chặt khâu ra vào, cách ly, khử khuẩn, khử trùng, tiêu độc. Kiểm tra, kiểm soát những hộ đảm bảo điều kiện mới được tái đàn. Khi tái đàn các hộ chăn nuôi cần tuân thủ đầy đủ khâu vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hà Tĩnh: Trao tặng nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam

    Hà Tĩnh: Trao tặng nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam

    Vừa qua, CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương đã phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Hà Tĩnh trao tặng ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chị Lê Thị Tú Anh – nạn nhân chất độc da cam tại Thôn Đông Xá, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

  • Thanh Hoá ủng hộ hơn 4,6 tỷ đồng làm nhà cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn

    Thanh Hoá ủng hộ hơn 4,6 tỷ đồng làm nhà cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn

    Sau 1,5 tháng kêu gọi ủng hộ chung tay vì người nghèo, tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá đã tiếp nhận hơn 4,6 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ.

  • “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    Chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, trong tháng 5 này, các cấp hội Chữ thập đỏ trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương.

  • Hà Nội sẽ có Lễ hội Sen đầu tiên diễn ra tại quận Tây Hồ

    Hà Nội sẽ có Lễ hội Sen đầu tiên diễn ra tại quận Tây Hồ

    Lãnnh đạo quận Tây Hồ cho biết, sẽ tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội).

  • Vịnh ngọc Nha Trang bừng sáng

    Vịnh ngọc Nha Trang bừng sáng

    Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang là chương trình tổ chức hai năm một lần với nhiều hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa, lễ hội, thể thao, ẩm thực quy mô, phong phú, đa dạng, đặc sắc.

  • Trải nghiệm hái mận chín ở Bắc Hà

    Trải nghiệm hái mận chín ở Bắc Hà

    Tháng 6, những đồi mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai) chín rộ, quả mọng, ngọt đậm khiến nhiều du khách thích thú với trải nghiệm tự tay thu hoạch mận tại vườn.

Top