Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 1 năm 2016 | 10:42

Điểm sáng trong dạy nghề, giới thiệu việc làm tại Hòa Bình

4.112 học viên được đào tạo nghề; 31.443 lượt lao động được tư vấn việc làm, trong đó có 1.978 lao động có việc làm và thu nhập ổn định từ 4,2 - 5 triệu đồng/tháng là kết quả mà 5 năm qua Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình) đạt được. Với kết quả này, Trung tâm đang là điểm sáng trong dạy và giới thiệu việc làm tại tỉnh Hòa Bình.

Điểm sáng

Từ năm 2010 - 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình, gọi tắt là Trung tâm) đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác đào tạo nghề hàng năm sát với tình hình thực tế và nhu cầu học nghề của bộ đội xuất ngũ, đồng thời tiến hành khảo sát, nghiên cứu nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng đào tạo các ngành nghề của các trung tâm, trường nghề trong và ngoài quân đội để thực hiện liên kết đào tạo.

Lễ đón nhận quân nhân xuất ngũ tại huyện Mai Châu.

Đến nay, Trung tâm đã tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề tại trung tâm, liên kết đào tạo ở 3 cấp trình độ nghề với tổng số 4.112 học viên, bao gồm: bộ đội xuất ngũ 3.619 học viên, lao động nông thôn và đối tượng chính sách xã hội 493 học viên.

Trong đó, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 72 lớp cho 2.139 học viên, gồm các nghề hàn điện, may công nghiệp, sửa chữa xe máy, tin học văn phòng. Liên kết với các trường dân lập đào tạo được 129 lớp cho 1.973 học viên với các nghề công nghệ ô tô, lái xe ô hạng B2, lái xe ô tô hạng C, vận hành máy công trình, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng...

Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ, từ năm 2010 đến nay đã tổ chức dạy nghề cho 360 học viên; dạy nghề cho 133 lao động là con thương binh, liệt sỹ, đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số. Học viên sau đào tạo nghề được cấp chứng chỉ và được giới thiệu việc làm, thu nhập ổn định, mức lương từ  4.500.000 - 5.500.000 đồng/tháng.

Thượng tá Tạ Ngọc Vũ, Giám đốc Trung tâm trao chứng chỉ học nghề cho học viên đào tạo theo Đề án 1956 của Chính phủ.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm còn phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tổ chức học và bảo vệ đồ án tốt nghiệp cho 42 sinh viên lớp kỹ sư CNTT hệ vừa học vừa làm, kết quả là 100% sinh viên tốt nghiệp. Phối hợp với Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức học và thi tốt nghiệp cho 422 sinh viên Đại học hệ từ xa ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế theo kế hoạch bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế của Bộ GD-ĐT, kết quả 100% số sinh viên đỗ tốt nghiệp.

Trong công tác tư vấn tuyển sinh bộ đội xuất ngũ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm đã thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp tuyển sinh bộ đội xuất ngũ học nghề giữa Trung tâm dạy nghề với các cơ quan thuộc Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS 11 huyện, thành phố. Từ năm 2010 đến 30/6/2015, Trung tâm đã tổ chức tư vấn tuyển sinh cho 16.066 lượt, gồm cả bộ đội xuất ngũ, quân nhân tại ngũ và tân binh nhập ngũ.

5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức tư vấn cho 31.443 lượt lao động ở 210 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp trong nước, trong đó có 1.978 lao động có việc làm và mức thu nhập ổn định từ 4.200.000 đến 5.000.000 đồng/tháng.

Trung tâm cũng tổ chức liên kết với các công ty trong tuyển lao động xuất khẩu; tổ chức tư vấn cho 1.870 lượt lao động, trong đó có 526 lượt lao động trúng tuyển.

Làm tốt công tác xã hội

Bên cạnh công tác dạy nghề - giới thiệu việc làm, Trung tâm còn thường xuyên thăm hỏi động viên các gia đình chính sách, người có công vào các dịp lễ, Tết. Tham gia đỡ đầu cho 26 học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học Sông Đà, Trường Trung học cơ sở xã Hòa Bình thuộc thành phố Hòa Bình, Trường Trung học cơ sở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) với mức trợ cấp 300.000 đồng/học sinh/tháng và tặng 4 xe đạp cho 4 học sinh nghèo vượt khó tại Trường Trung học cơ sở xã Mường Chiềng (Đà Bắc), 2 học sinh Trường Trung học cơ sở xã Hòa Bình (TP. Hòa Bình).

Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh giao  giúp đỡ xã Mường Chiềng (huyện Đà Bắc), Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai lớp dạy nghề cho 66 lao động nông thôn tại xã, giá trị đầu tư 235 triệu đồng, có 59/66 học viên sau đào tạo nghề được giới thiệu vào làm việc tại Công ty cổ phần Sông Đà Someco Chi nhánh miền Bắc với mức thu nhập từ 5.500.000 đồng trở lên. Năm 2015, Trung tâm hỗ trợ xã Mường Chiềng đổ 250m bê tông đường vào đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Việc làm trên đã góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và tích cực với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

100% tân bình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khi nhập ngũ đều được tặng sổ.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Quản lý doanh trại chính quy xanh - sạch - đẹp”, phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”, bằng khả năng và điều kiện thực tế, Trung tâm đã triển khai củng cố, sửa chữa doanh trại trị giá trên 14,5 tỷ đồng. Mua sắm mới trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề trị giá trên 1,6 tỷ đồng, mua sắm bổ sung bàn ghế, doanh cụ, bảng biển, chậu hoa cây cảnh ở Trung tâm trị giá trên 650 triệu đồng.

Quản lý và sử dụng nghiêm chế độ xe quân sự, duy trì hệ số kỹ thuật, hệ số an toàn các trang bị phương tiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thường xuyên lãnh đạo công tác bảo quản sửa chữa thường xuyên trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện xe quân sự. Kết quả là 100% cán bộ, nhân viên và các phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật giao thông, không có trường hợp nào vi phạm, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động  “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông".

Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu việc làm Bộ Chỉ huy Quân sự  tỉnh tặng quà cho học sinh tại xã Hòa Bình.

Trao đổi về những mục tiêu của Trung tâm trong công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách xã hội 5 năm 2015 - 2020, Thượng tá Tạ Ngọc Vũ, Giám đốc Trung tâm, cho biết,  Trung tâm sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đào tạo nghề cho 4.500 - 5.500 học viên, trong đó bộ đội xuất ngũ từ 3.800 - 4.800 học viên; Tư vấn học nghề cho 9.000 - 12.000 lượt học viên trong đó BĐXN từ  7.000 - 8.000 người.

"Tư vấn việc làm cho 18.000 - 30.000 lượt lao động, trong đó BĐXN từ 6.800 - 7.800 lượt; Giới thiệu việc làm cho 4.200 - 5.600 lượt lao động, trong đó BĐXN từ 3.500 - 4.200 người, xuất khẩu lao động từ 200 đến 300 lao động. Tặng sổ cho 100% tân bình nhập ngũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, mỗi năm từ 1.500  sổ đến 1.700 sổ", Thượng tá Vũ cho biết thêm.

Hoàng Văn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top