Tôi còn nhớ như in, năm 2010, khi mới chập chững vào nghề, tôi rất chăm chỉ viết bài cộng tác. Ngày ấy điều kiện còn khó khăn nên tôi không có laptop, cứ cặm cụi viết tay rồi ra hàng internet đánh máy lại, bởi thế với riêng bản thân tôi, sự cố gắng với nghề gấp đôi người khác… Ấy thế mà cũng đã 6 năm trôi qua, thời gian chưa dài nhưng cũng không hề ngắn, đem lại cho tôi biết bao trải nghiệm, bao kỷ niệm vui buồn.
Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong một lần tác nghiệp.
Giống như một đứa trẻ khi bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên trong đời, từng bước, từng bước một – tôi cũng vậy. Bắt đầu cầm bút bằng những tin giao thông, bài nhân ái (viết về những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội), rồi đến những chuyện lạ mắt nhặt nhạnh sau những lần đi chơi nhà bạn hay trên đường tác nghiệp…
Cứ thế rồi tôi “thử bút” viết bài phản ánh mang tính phản biện xã hội từ bài “Bí hiểm làng ung thư Hòa Hậu”, “Sát hại bà nội vì người trong mộng” đăng trên Báo Gia đình và Xã hội. Rồi loạt bài về chiếc cầu Phao Hòa Hậu – Mỹ Phúc (chiếc cầu nối liền xã Hòa Hậu, Lý Nhân (Hà Nam) với xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc (Nam Định) đăng trên Báo Kinh tế nông thôn, Báo Dân trí… với bao vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến tính mạng người dân và những “khuất tất” trong việc quản lý.
Ngay sau loạt bài đăng tải, chính quyền sở tại đã cho tu sửa, lắp đặt lan can, đèn điện chiếu sáng…, tạo điều kiện an toàn cho người dân qua lại và đặc biệt đã điều chỉnh cách quản lý cũng như thu phí qua cầu khiến ai ai cũng vui mừng, phấn khởi. Chính bản thân tôi cũng thấy phấn chấn khi được ông Trần Bá Sơn, người dân xã Hòa Hậu gọi điện chia sẻ những vui mừng của người dân khi chính quyền vào cuộc sau loạt bài của tôi, cảm giác đó sẽ không bao giờ tôi quên.
Từ đây, tôi thấy “hợp bút” với những bài phản ánh, đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, cũng không ít lần tôi gặp rắc rối từ chính những đối tượng mình phản ánh gây ra, thậm chí loạt bài về cây cầu phao này, tôi còn bị đe dọa hành hung tính mạng…, đôi lúc gặp sự bất hợp tác của chính quyền hay phải “đấu trí” hàng giờ với họ về những tồn tại mà người dân phản ánh, thú thực không ít lần tôi thấy mất tinh thần. Thế nhưng, với mong muốn mang lại cái nhìn đa chiều, khách quan, phản ánh đúng thực tế, tôi đã cố gắng để vượt qua chính mình, vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cứ thế, dần già tôi “rắn mặt” hơn trong những lần tiếp cận hiện trường, đặc biệt, sau khi về công tác tại Báo Kinh tế nông thôn, tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, lại được tạo điều kiện tốt nhất để có thể làm tốt mảng điều tra - bạn đọc, nhờ đó tôi trưởng thành hơn. Tôi vẫn bị hăm dọa, gây cản trở nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi đã bình tĩnh xử lý tình huống và nhờ người dân gần hiện trường giúp đỡ, đó chính là sự trưởng thành mà có lẽ nếu làm nghề khác, tôi không có được. Đó là những lần “thử lửa” tại thực địa hiện trường, nhưng có lẽ với phóng viên điều tra, ngoài nguy hiểm luôn rình rập trong quá trình tác nghiệp thì việc phải “đấu trí” trực diện với những bên liên quan đến vụ việc cũng khó khăn không kém. Bởi, nếu bản lĩnh mình không đủ mạnh và không nắm chắc thông tin, chứng cứ thì có thể bị “hạ gục” bất cứ lúc nào trong quá trình phỏng vấn, khai thác thông tin… Thế rồi hàng loạt bài viết của tôi được đăng tải, liên quan đến các vấn đề tiêu cực như: “Kinh hoàng cơ sở chế biến chân gà ở Lạng Sơn”, “Chí Linh, công trình không phép “độn thổ” trên đất Di tích Côn Sơn”, “Khuất tất trong dự án làng nghề Mai Trung”… và gần đây là loạt bài về những “khuất tất” ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, tôi thấy vui vì mình đã đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tự bảo vệ mình, bảo vệ nguồn tin, đấu tranh đến cùng cho lẽ phải.
Thiết nghĩ, với phóng viên điều tra, để hoàn thành tốt đề tài của mình, ngoài sự giúp đỡ, định hướng của cơ quan, gia đình, bạn bè, trình độ, năng lực toàn diện và niềm hạnh phúc, động viên khi bài viết của mình có tác động tích cực cho xã hội… Còn một điều không thể thiếu trong mỗi người cầm bút là sự “dấn thân” và “bản lĩnh” – chính những điều đó đã thôi thúc tôi “chắc bút” hơn trong những bài điều tra của mình, vững tin hơn trên con đường đấu tranh bằng ngòi bút.
Nhất Nam
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.