Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 7 năm 2022 | 15:22

DN xuất khẩu rau quả phải thoát “sức ì” để tiến xa

Để nâng sản lượng rau quả chế biến và xuất khẩu tiến xa đến các thị trường lớn trong những năm tới, doanh nghiệp (DN) cần phải thoát “sức ì” và phải thực sự đổi mới với công nghệ chế biến phù hợp.

tap-nap-du-an-san-xuat-che-bien-rau-qua1619493139.jpg
Đa dạng sản phẩm rau quả chế biến gắn với nhu cầu thị trường. Nguồn: ITN

Không sản phẩm mới làm sao cạnh tranh?

Thách thức lớn cho xuất khẩu rau quả có thể đang nằm ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mảng chế biến. Đặc biệt là khi họ chưa thể vượt qua được những điểm yếu nội tại do nguồn lực hạn chế, thiếu đầu tư chế biến sâu, không đa dạng thị trường… và nỗi lo nhất chính là chấp nhận an phận với “sức ì” thay vì phải thay đổi để tốt hơn.

Khi được hỏi tình hình xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) từ đầu năm đến nay như thế nào, ông Lâm, giám đốc một công ty thuộc dạng nhỏ và vừa chuyên chế biến trái cây sấy ở TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương), than phiền không mấy khả quan và đang tính chuyện sẽ chuyển đổi sang ngành nghề khác.

Theo ông Lâm, công ty có hai thị trường XK chính yếu là Trung Quốc và Campuchia. Tuy nhiên, do Trung Quốc kéo dài chính sách “Zero Covid” nên XK gặp khó, còn với thị trường Campuchia thì "tàm tạm".

Vị giám đốc này cũng tỏ ra bi quan cho rằng ngành hàng trái cây sấy đã qua thời đỉnh cao, ở hai thị trường quen thuộc mà công ty thường xuất sang mỗi năm mỗi giảm nhu cầu tiêu thụ.

Thế nhưng, khi phóng viên hỏi rằng trong thời gian gần đây, công ty có chế biến sản phẩm mới hay áp dụng công mới nào hay không nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường XK, thì ông Lâm thú nhận là không có.

“Đó cũng cái dở của công ty chúng tôi, mặc dù biết trên thị trường trái cây sấy hiện giờ có rất nhiều sản phẩm mới từ nhiều DN tham gia vào thị trường này để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới”, ông Lâm chia sẻ.

Có thể thấy, đây là điểm yếu chung của nhiều DN nội địa thuộc dạng nhỏ và vừa trong ngành hàng chế biến trái cây khi họ không thể vượt qua được “sức ì” nội tại, cộng với nguồn lực hạn chế, thiếu đầu tư cho công nghệ chế biến sâu.

Hoặc như tình trạng XK dừa gặp khó trong thời gian gần đây cũng được lý giải là do thiếu năng lực chế biến sâu nên tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế không cao. Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm dừa XK vẫn thuộc nhóm hàng dừa tươi và sản phẩm sơ chế.

Không chỉ vậy, xu hướng tiêu dùng sản phẩm dừa trên thế giới đang thay đổi theo hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ để phục vụ cho các nhà máy chế biến còn rất khiêm tốn.

Như ở Bến Tre, diện tích dừa hữu cơ hiện chỉ chiếm có 19,8% tổng diện tích dừa. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn dừa hữu cơ để phục vụ chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường XK. Và do thiếu nguồn nguyên liệu như vậy dẫn đến giá thành chế biến sản phẩm dừa hữu cơ sẽ tăng cao, đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Bàn về chuyện này tại Diễn đàn trực tuyến về đa dạng hoá rau quả chế biến mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh  xu hướng tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều, nhất là sau đại dịch Covid-19. Chẳng hạn như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật được “tinh” hơn, chất lượng hơn, linh hoạt hơn, đa dạng hơn, đa dụng hơn và giá trị cao hơn.

Bắt buộc phải thay đổi

Theo ông Toản, do vậy, thời gian gần đây có những công nghệ mới như sấy đông khô của CTCP Vinamit. Hoặc những DN mới tham gia thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm mới rất đặc thù, rất nhẹ, rất “tinh”... nhưng giá trị rất cao. Đây là xu hướng mà các DN đang thay đổi. Và xu hướng thay đổi buộc DN phải có công nghệ nhằm đáp ứng sự thay đổi đó.

 

173527_ttxvn-nongsan.jpg
Chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu.

 

Còn theo PGs.Ts Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), với các DN có quy mô nhỏ và vừa trong ngành hàng chế biến rau quả thì công nghệ dù có hiện đại nhưng quy mô phải phù hợp.

Ông Tuấn cho biết sản lượng rau quả của Việt Nam hiện đã đạt 31 triệu tấn/năm, nhưng qua một báo cáo sơ bộ gần đây cho thấy tỷ lệ chế biến đạt được khoảng 18%, nhưng thực tế có thể chỉ đạt 12 - 13%. Không chỉ vậy, ở trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 6,39 triệu tấn/năm, lượng rau quả dư thừa còn lại rất cần đáp ứng được nhu cầu XK và chế biến để bảo quản lâu dài hơn.

Số liệu thống kê cho thấy ở Việt Nam hiện có 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và 150 nhà máy có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Tuy vậy, ngành chế biến mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% sản lượng rau quả mỗi năm.

Còn thực tế đến nay, hơn 76% rau quả XK chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao với khoảng 20%.

Cũng theo PGs.Ts Phạm Anh Tuấn, trong hoạt động chế biến rau quả thì 40% là sản phẩm đóng lon, 36% là sản phẩm đông lạnh, 10% là sấy khô, 14% còn lại là nước ép và các loại nguyên liệu.

“Để đáp ứng nhu cầu thị trường về đa dạng hoá sản phẩm chế biến đòi hỏi cần nâng cao tỷ lệ chế biến ở khối DN vừa và nhỏ cùng các hợp tác xã (HTX)”, ông Tuấn nói.

Trở lại câu chuyện ở công ty trái cây sấy của ông Lâm ở Bình Dương, điều hạn chế có thể thấy rõ chính là sự thụt lùi so với xu hướng của thị trường khi mà DN này có “sức ì” quá nặng, chậm thay đổi ở khâu chế biến và thiếu đi tính đa dạng thị trường.

Điều này là khó tránh khỏi khi đây là hạn chế chung của nhiều DN nhỏ và vừa, cùng các HTX trong mảng chế biến rau quả khi vẫn còn chậm thay đổi. Nhất là khi xét về thách thức nội tại, phần lớn trong số này vẫn đang gặp khó về nguồn vốn phục vụ cho sản xuất chế biến, từ đó dẫn đến những khó khăn khác, từ mặt bằng sản xuất, công nghệ bảo quản, máy móc thiết bị… cho đến nguồn nhân lực.

Công nghệ chế biến phải phù hợp với quy mô

Thông tin về lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện có 157 cơ sở chế biến với công suất đạt gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Nhìn chung quanh năm các nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu. Công suất đạt bình quân chỉ khoảng 56 - 60% do khó tập trung nguyên liệu, chế biến theo mùa vụ, chất lượng an toàn thực phẩm chưa đạt được như kích thước, mùi vị, màu sắc, độ đồng đều…

Bên cạnh đó, có hàng nghìn cơ sở sơ chế, chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình ở khắp mọi vùng miền với các loại rau quả khác nhau, hình thức khác nhau. Tuy nhiên, những cơ sở, doanh nghiệp chế biến này rất thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ, khó khăn về mặt bằng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.

 

85487d45-345b-489a-87b1-6fd8736d6dce.jpg
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình)

 

Về tỷ trọng sản phẩm chế biến: đồ hộp chiếm 50%, sản phẩm nước quả cô đặc 18%, chiên sấy (12%), nước giải khát (10%), sản phẩm đông lạnh (8%)… Tỷ trọng giá trị sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu so với giá trị xuất khẩu rau quả năm 2020 mới đạt 18%.

Trên cơ sở đó, ông Ngô Quang Tú cho rằng, để tổ chức lại sản xuất, địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu được kết nối theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về liên kết để có những chế tài xử phạt, có quy định điều phối các hoạt động liên kết…

Với phần lớn là cơ sở sơ chế, chế biến là nhỏ lẻ, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, việc định hướng cho phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Có 4 nhóm sản phẩm phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là rau quả tươi, rau quả sấy, rau quả đông lạnh và rau quả đồ hộp.

“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã thì có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau, quả chế biến”, ông Phạm Anh Tuấn chỉ ra.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần đầu tư và công nghệ phù hợp cho đối tượng này. Để lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến rau quả phù hợp với quy mô nhỏ, vừa, các đơn vị cần lưu ý các yêu cầu như: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cuối cùng mới đến đăng ký chất lượng, thương mại hóa sản phẩm.

Nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu

Cập nhật thông báo các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) liên quan đến rau quả chế biến của một số thị trường trọng điểm 6 tháng đầu năm 2022, ông Ngô Xuân Nam,  Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, trong nửa đầu năm 2022, các nước thành viên WTO đã có 504 thông báo, tăng 9% so với cùng kỳ.

Điển hình, Nhật Bản đã có 65 thông báo lấy ý kiến và có hiệu lực liên quan đến mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y (MRL) trong các sản phẩm thực phẩm.

Với thị trường Trung Quốc, nước này không có thông báo thay đổi biện pháp SPS liên quan đến sản phẩm rau quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm rau quả/chế biến sang thị trường Trung Quốc tuân thủ theo các quy định Lệnh 248 và Lệnh 249; các thỏa thuận đã ký giữa hai bên. Đến ngày 7/7, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam 2.213 mã sản phẩm của hơn 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023, ông Ngô Xuân Nam cho biết.

Về EU, thị trường này đã có 25 thông báo lấy ý kiến và có hiệu lực liên quan đến mức dư lượng tối đa cho phép MRL trong các sản phẩm thực phẩm; trong đó có Thông báo về tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với một số quốc gia, trong số đó có Việt Nam về sản phẩm rau gia vị, hạt tiêu và đậu bắp chịu tần suất kiểm tra là 50%, từ ngày 06/01/2022.

Bên cạnh đó, EU cũng đã có 2.251 cảnh báo trên Hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Trong số đó Việt Nam chỉ có 40 cảnh báo (chiếm 1,77%); riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam cho biết thêm, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. Bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO mới đây, Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi họp song phương với phía EU. Tại buổi làm việc, Việt Nam đã đề xuất giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra thanh long Việt Nam (hiện đang là 20%).

Hai bên đã thống nhất sẽ rà soát lại toàn bộ số liệu về xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường này và đánh giá sự cải thiện về an toàn thực phẩm. Dự kiến cuối năm hai bên sẽ họp đánh giá để giảm tần suất kiểm tra thanh long  xuất khẩu sang EU. EU cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản.

“Doanh nghiệp cần kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép trong sản phẩm. Đặc biệt lưu ý việc khai báo các chất phụ gia trong chế biến, hay những vấn đề tác động đến cảm quan sản phẩm như dập…”, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Chẳng hạn, thị trường Mỹ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.

Với EU, ví dụ sản phẩm mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại như: sâu đục lá, sâu đục cuống…

Các hợp tác xã, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là những trái cây, rau ăn lá nằm trong nhóm các thị trường yêu cầu, bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh./.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

    Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

    Với 455/465 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 94,99%), Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

  • Imperia Signature Cổ Loa: Dấu ấn cho hành trình thập kỷ của MIK Group

    Imperia Signature Cổ Loa: Dấu ấn cho hành trình thập kỷ của MIK Group

    “Chắt lọc” tinh hoa trong thiết kế, quy hoạch và tiêu chuẩn bàn giao hạng sang, sự hiện diện của The Continental – dự án đầu tiên thuộc tổ hợp Imperia Signature Cổ Loa, đánh dấu bước chuyển mình của nhà phát triển bất động sản MIK Group sau 10 năm tạo dựng dòng thương hiệu Imperia.

  • Bất động sản công nghiệp thu hút “làn sóng mới” về đầu tư giá trị cao

    Bất động sản công nghiệp thu hút “làn sóng mới” về đầu tư giá trị cao

    Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Top