Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 3 năm 2016 | 1:30

Doanh nghiệp bất động sản khổ sở vì thủ tục hành chính

Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất.

Theo HoREA, hiện nay, tiền sử dụng đất vẫn là một “gánh nặng”, là một “ẩn số, không minh bạch” đối với doanh nghiệp, tạo ra cơ chế "xin - cho", và cuối cùng chi phí tiền sử dụng đất cũng sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Hiệp hội kiến nghị sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh tại văn bản 196/BC-UBND ngày 08/11/2013, như sau: “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế “xin – cho”. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”.

Về khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng theo Điều 6 dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, HoREA kiến nghị bổ sung thêm Khoản 4 vào Điều 4 dự thảo Nghị định để xử lý trường hợp doanh nghiệp đã tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với giá thị trường, được UBND phường, xã, hoặc cơ quan công chứng chứng thực, được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích nhưng mức khấu trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp; khoản tiền tổ chức kinh tế trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại (nếu có) được tính vào chi phí dự án.

Theo HoREA, cần bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Về xử lý nghĩa vụ tài chính do chậm đưa đất vào sử dụng, HoREA phân tích, Khoản 1.i, Điều 64, Luật Đất đai 2013 đã quy định: "Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này". Nay Điều 8 dự thảo Nghị định quy định "mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định bằng tiền thuê đất hàng năm trong thời gian được gia hạn". Hiệp hội nhận thấy đối với dự án bất động sản nhà ở, doanh nghiệp đều đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Nhà nước. Khi chậm đưa đất vào sử dụng, trước hết doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều hậu quả rất lớn do bị đọng vốn, áp lực trả lãi vay, chưa có sản phẩm để kinh doanh đảm bảo tính thanh khoản... Do vậy, nếu thực hiện mức nộp như trên thì chưa hợp lý, hợp tình và sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, mà cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu chi phí này. Hiệp hội đề nghị Điều 8 dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp nộp bằng 50% tiền thuê đất hàng năm trong thời gian được gia hạn thì thỏa đáng hơn.

Một vấn đề nhức nhối khác được HoREA lưu ý là việc cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích đất dự án. HoREA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư trong trường hợp đã giải phóng mặt bằng dự án được từ 80% diện tích trở lên để sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, theo cơ chế: (i) Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng liền thửa thì cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch để thực hiện; (ii) Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng dạng “da báo” thì đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của người có đất và doanh nghiệp; hoặc giao cho tòa án xem xét quyết định.

Đình Triết

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top