Trước những ý kiến trái chiều về Thông tư số 33/2017/TT - TNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), trong đó có nội dung ghi tên các thành viên trong gia đình vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Bộ TN&MT đã báo cáo Chính phủ dời thời hạn áp dụng việc ghi tên thành viên trong gia đình vào GCNQSDĐ.
Thông tư số 33/2017/TT – BTNMT sẽ dời thời hạn áp dụng việc ghi tên thành viên trong gia đình vào GCNQSDĐ đến khi có quy định mới.
Lo ngại phát sinh thêm thủ tục hành chính
Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, dư luận và người dân có một sốbăn khoăn về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư. Cụ thể, những lo ngại về vấn đề sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện.
Trước lo ngại sẽ phát sinh thủ tục hành chính, Bộ TN&MT lý giải quy định này chỉ hướng dẫn kỹ thuật cách ghi tên của người sử dụng đất trên GCNQSDĐ nằm trong thủ tục đăng ký lần đầu hoặc đăng ký biến động đã và đang áp dụng theo Bộ thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai. Việc áp dụng Thông tư số 33 sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính. Cụ thể, việc xác định thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất trước hết sẽ do hộ gia đình có nhu cầu thông qua việc kê khai vào đơn đăng ký, cấp GCNQSDĐ và các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (nếu có). Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước thực hiện việc ghi thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền của người sử dụng đất, việc ghi tên hộ gia đình trên GCNQSDĐ như trên đã bộc lộ tồn tại, hạn chế. Cụ thể, Nhà nước còn gặp khó khăn khi thực hiện bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp của các thành viên hộ gia đình sử dụng đất khi có những rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể.
Phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, trong khi việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp lại rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và thường kéo dài.
Còn nhiều băn khoăn
Liên quan đến Thông tư số 33/2017/TT -BTNMT, nhiều ý kiến còn băn khoăn và vướng mắc có thể phát sinh khi áp dụng Thông tư. Cụ thể, quy định về tên các thành viên trong Sổ hộ khẩu và các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình được ghi trên GCNQSDĐ và lo ngại phải thực hiện cấp đổi giấy đã cấp trước đây ghi tên hộ gia đình.
Đối với quy định về tên các thành viên trong sổ hộ khẩu và các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình được ghi trên GCNQSDĐ, đối tượng áp dụng của quy định này chỉ điều chỉnh cho chủ thể sử dụng đất là “hộ gia đình” mà trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Các trường hợp khác như quyền sử dụng đất của cá nhân, của vợ và chồng, dòng họ… thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành (Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT).
Việc ghi tên người sử dụng đất trên GCNQSDĐ đối với quy định này chỉ áp dụng đối với thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình được quy định tại Điều 3 của Luật Đất đai. Cụ thể, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, không phải là nhân khẩu trong sổ hộ khẩu.
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận xã hội và mong muốn tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội trước khi Thông tư chính thức có hiệu lực, đồng thời, để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện chính xác và đầy đủ các quy định trong Thông tư, Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép lùi thời gian có hiệu lực của thông tư đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này.
Lại Hùng - Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.