Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 6 năm 2016 | 9:30

Đồng bào DTTS ở Phú Yên thoát nghèo nhờ vốn chính sách

Phú Yên có 9 huyện, thị xã và thành phố, trong đó có 3 huyện miền núi là Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân với hơn 50 nghìn người DTTS sinh sống. Người dân tộc chiếm 24% dân số vùng miền núi và 6,6% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo 3 huyện này chiếm gần 29% tổng số hộ toàn vùng, với hơn 16.500 hộ nghèo; trong đó có gần 6.000 hộ là đồng bào DTTS.

Thời gian qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, những chính sách tín dụng ưu đãi như nâng mức vay chương trình cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, giảm lãi suất cho vay một số chương trình có tỷ trọng dư nợ lớn, mở rộng đối tượng cho vay là hộ mới thoát nghèo, cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn... tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cho người nghèo, gia đình chính sách, đặc biệt là người nghèo là DTTS có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống. Đến nay, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân đạt 690 tỷ đồng, chiếm hơn 34% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Phú Yên, với hơn 15.100 hộ còn dư nợ, trong đó có gần 1/3 là hộ người đồng bào.

Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thay đổi cách thức làm ăn, góp phần cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ còn biết dùng nước sạch, xây nhà vệ sinh, con em được học hành...

Phóng sự ảnh vừa được phóng viên LÊ HẢO thực hiện sẽ giúp bạn đọc cảm nhận rõ hơn về những đổi thay trong cuộc sống của người đồng bào nơi đây.

Hộ anh Sô Minh Cải ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa vay 15 triệu đồng cải tạo đất trồng mía

Là người khuyết tật nhưng anh Sô Lan Xuân ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa luôn nỗ lực vượt khó, gia đình anh được vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo để đầu tư trồng 3,5ha mía. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Xuân lãi khoảng 70 triệu đồng

Cán bộ NHCSXH huyện Sơn Hòa thường xuyên xuống cơ sở thăm hỏi hộ vay

Năm 2013, NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo, cùng với vốn dành dụm, gia đình chị Mí Dan (phải) ở buôn Khăm, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa đã mua chiếc máy cày này để phục vụ cho việc sản xuất phát triển kinh tế gia đình và nhận cày thuê

Vợ chồng Mí Dan còn khai hoang, cải tạo đất để trồng sắn, tăng thêm thu nhập. Cuối năm 2014, Mí Dan đã thoát khỏi diện nghèo

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Sông Hinh đã đầu tư xây dựng công trình nước tập trung tại xã Ea Bia. Để có nước sạch cho gia đình sử dụng, Mí Dành ở xã Ea Bia đã vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để làm đường ống đưa nước về bể chứa

Tương tự, hộ Kpá Y Nam ở Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ NHCSXH để làm công trình nước sạch cho gia đình. Nhờ vậy, hàng ngày, vợ con Y Nam không phải đi hơn 1km để lấy nước về dùng như trước nữa

Qua kiểm tra, hầu hết hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, biết động viên nhau trong làm ăn, trả nợ ngân hàng (Trong ảnh: Già làng Ma Tin ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa đến thăm hỏi, động viên người dân cố gắng làm ăn, chăn nuôi hiệu quả để thoát nghèo)

Cũng được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH cộng với tiền hỗ trợ của địa phương, gia đình bà La Lan Thị Thảo ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa cải tạo hơn 1ha đất để trồng mía, giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế trên vùng đất khó

Còn hộ nghèo Lan O Hờ Đẹt ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa nhờ có chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, năm 2011, được vay 8 triệu đồng, giờ đây gia đình bà đã được ở trong căn nhà khang trang

Ngoài ra, gia đình chị Lan O Hờ Đẹt còn được vay vốn hộ nghèo đầu tư nuôi bò. Chị tâm sự: “Nhờ vốn chính sách mà nay gia đình được ở nhà khang trang, có tiền nuôi bò. Lúc nông nhàn thì đi chặt mía thuê kiếm thêm thu nhập và gom đọt mía làm thức ăn nuôi bò. Cuộc sống đã bớt vất vả đi rất nhiều”

Được vay 30 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, chị Hờ Mai (phải) ở xã Phước Sơn, huyện Sơn Hòa có điều kiện mở hàng tạp hóa

Lê Hảo

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top