NHCSXH đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương (NHCSXH) đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phát huy hiệu quả đồng vốn ưu đãi
Chúng tôi đến thăm mô hình của hộ anh Tạ Văn Luyện ở thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa, gia đình được NHCSXH huyện Nam Sách giải ngân cho vay 120 triệu đồng (hộ thoát nghèo 50 triệu đồng, giải quyết việc làm 50 triệu đồng và nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn 20 triệu đồng).
Có được nguồn vốn ưu đãi, anh Luyện đầu tư trồng nhãn, bưởi, chanh, nuôi cá… Trong ba năm đầu, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Đất không phụ công người, bưởi, nhãn, chanh cho ra quả to đẹp, chất lượng, sai trĩu cành… Cá nuôi không mắc bệnh dịch, chất lượng thịt chắc, ngon …
Năm 2019, trừ chi phí, gia đình anh Luyện thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Có nguồn thu, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, thuê khu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, sau đó đào ao nuôi cá, lập vườn trồng cây ăn quả...
Hay như hộ bà Nguyễn Thị Hòa ở thôn Phượng Hoàng Thượng, thị trấn Thanh Miện. Được vay 50 triệu từ NHCSXH, bà đã chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng đinh lăng, ổi, nhãn, hồng xiêm, rau..., bước đầu có thu nhập ổn định.
Tổ trưởng Đào Thị Quyên cho hay, bà Hòa đã trên 60 tuổi nhưng vẫn đam mê làm việc. Ngày nào bà cũng ra vườn chăm sóc rau, cây ăn trái. Bình quân bà thu hoạch rau, hoa quả bán được vài trăm nghìn đồng/ngày.
Tổ vay vốn Hội Phụ nữ Phượng Hoàng Thượng có 46 hộ vay với dư nợ khoảng 2 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa có nợ xấu, các hộ vay hàng tháng trả lãi đều đặn; đến hạn trả nợ gốc đều trả đúng hạn.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác có thu nhập khá cao như: Chăn nuôi gà của hộ Phạm Thị Tươi vay vốn giải quyết việc làm ở thôn Hoàng Đường, thị trấn Lai Cách; hộ Nguyễn Đình Thản, thôn Nghĩa, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) vay 50 triệu từ chương trình hộ mới thoát nghèo để cải tạo ao thả cá; hộ Nguyễn Văn Thanh, thôn Chi Đan, xã Cộng Hòa (Nam Sách) đầu tư trên 300 triệu đồng nuôi cá lồng…
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Những năm qua, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã khắc phục mọi khó khăn, năng động tìm mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả theo từng địa bàn để nhân rộng. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện ủy thác vay vốn như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để người dân được tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Đồng thời, thông qua phương thức ủy thác cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Gia Lộc Hoàng Văn Đảo cho biết: Phòng duy trì các điểm giao dịch tại xã, thị trấn và Tổ tiết kiệm vay vốn tại các thôn xóm, tạo điều kiện để người dân nắm bắt về các chương trình cho vay. Có được vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời lại càng khó hơn, nhất là đối với các hộ nghèo. Chính vì vậy, NHCSXH huyện Gia Lộc không đơn thuần chỉ là cho vay mà cán bộ ở đây còn tư vấn, hỗ trợ tìm hiểu các hộ vay sao cho sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích. NHCSXH huyện còn tích cực phối hợp với các ban ngành tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, từng bước phát huy hiệu quả đồng vốn...
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Thành, thông qua công tác giám sát từ phía ngân hàng và các tổ chức đoàn thể, hầu hết các hộ được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đây chính là tiền đề để thời gian tới NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh quản lý nguồn vốn vay chất lượng hơn, tạo hướng đi đúng trong phát triển kinh tế đối với các hộ gia đình sau khi được vay vốn.
Tại Chi nhánh Hải Dương, tổng nguồn vốn tính đến 30/6/2020 đạt 3.743.312 triệu đồng, tăng so với đầu năm 97.494 triệu đồng. Doanh số cho vay đạt 605.219 triệu đồng, giảm 140.108 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh số thu nợ đạt 503.976 triệu đồng.
Đến 30/6/2020, tổng dư nợ còn 3.522.803 triệu đồng với 88.676 khách hàng còn dư nợ, tăng so với năm 2019 là 101.243 triệu đồng (+3%). Hết tháng 6/2020, toàn tỉnh có 3.061 tổ, giảm 40 tổ TK&VV so với đầu năm; trong đó có 2.923 tổ chất lượng tốt (chiếm 95,5%). Nợ quá hạn và nợ khoanh đến 30/6/2020 là 3.354 triệu đồng, chiếm 0,095% tổng dư nợ.
Đầu năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, trong đó nhấn mạnh: “Mỗi năm ngân sách tỉnh dành từ 20 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí cho NHCSXH tỉnh Hải Dương để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo”. |