Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 9:0

Dòng hồi ức mùa Xuân 1979

43 năm đã qua nhưng những ngày này, triệu triệu trái tim con dân nước Việt lại bồi hồi tưởng nhớ những người lính năm xưa đã ngã xuống nơi tuyến đầu Tổ quốc chiến đấu với kẻ thù xâm lược để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng trong những ngày tháng 2 lịch sử

- Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc - tháng 2 năm 1979.

Khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Tháng Hai. Những bông đào rừng bung nở khoe sắc dọc biên giới Việt-Trung. Dưới bầu trời vùng biên ải của Tổ quốc là màu xanh của bình yên, là cuộc sống hiền hòa, êm đềm của người dân.

Nhưng cũng tại vùng sơn cước này đang khắc khoải nỗi niềm của những người trong hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội đã hòa vào đất mẹ.

Đồng đội của họ là những người đã “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, hy sinh vì độc lập - tự do, vì một biên cương hòa bình.

 

a3-vxyyen.jpg
Nhiều cựu chiến binh trên khắp mọi miền Tổ quốc thắp hương tưởng niệm các đồng đội tại Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên điểm cao 468 nằm ở lưng chừng núi Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

 

Từ ngày 17/2, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) tấp nập người đến viếng, thắp nén tâm nhang tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tưởng nhớ những đồng bào đã ngã xuống bởi đạn pháo của quân xâm lược 43 năm trước.

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên có những cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và những đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc.

Lặng lẽ đặt bó hoa trước Đài Tổ quốc ghi công rồi thắp nén nhang thơm lên những phần mộ Anh hùng liệt sỹ, ông Vương Trung Thực, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 5 Vị Xuyên, đứng rất lâu như trò chuyện, nhắn nhủ với đồng đội của mình hãy yên lòng an nghỉ.

Mảnh đất này trở thành mặt trận trọng điểm, chiến trường khốc liệt nhất bởi các cuộc tiến công dai dẳng cho tới gần 10 năm sau đó của quân xâm lược.

“Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hiện có hơn 1.800 mộ liệt sỹ, trong đó có 1 ngôi mộ tập thể, hàng trăm mộ chưa xác định được thông tin. Hầu hết mộ Anh hùng liệt sỹ là những người đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ mảnh đất này”, ông Vương Trung Thực nói.

Thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, hàng chục năm qua, Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.900 hài cốt liệt sỹ, trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sỹ.

Chia sẻ suy nghĩ về những liệt sỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn chưa được quy tập, còn nằm lại đâu đó tại chiến trường năm xưa ở Hà Giang, Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, cho hay: Hà Giang là tỉnh ra khỏi chiến tranh sau cùng của đất nước. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới bắt đầu từ năm 1979 và kết thúc vào năm 1989. Ở Hà Giang, hậu quả của nó để lại rất to lớn. Diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn trên địa bàn tỉnh sau chiến tranh lên tới hơn 90.000ha.

Nhưng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang xác định, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ và cũng là mong muốn của những người lính nói riêng.

Lịch sử mãi gọi tên các anh

Hồi tưởng lại ngày này cách nay mấy chục năm về trước, tháng 3/1984, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kim, sinh ra và lớn lên tại Lào Cai (hiện ở phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) lên đường nhập ngũ, sau đó được vào biên chế của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 thuộc Sư đoàn 356. Đầu tháng 5/1984, Sư đoàn 356 được tăng cường lên chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, anh Kim được phân công nhiệm vụ làm chiến sỹ truyền đạt kiêm bảo vệ chỉ huy tiểu đoàn; đơn vị đóng tại xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).

Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim về những trận đánh ác liệt, địa danh Vị Xuyên được nhắc đến nhiều nhất. Trong số các trận đánh oai hùng phải kể đến trận chiếm lại Đ3, điểm cao 772 Bắc Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Lúc đó, vào tối 10/7/1984, đơn vị của chiến sỹ Kim hành quân đến chiếm lĩnh trận địa chân điểm cao 772.

Chuyến hành quân vô cùng khó khăn và vất vả, cả đội hình đi mò trong đêm tối, mang vác đủ cơ số đạn và các hàng hóa, quân tư trang bảo đảm khác, thi thoảng pháo binh địch lại bắn từng loạt dài vào các mục tiêu đã định vị sẵn. Trời vẫn mưa không ngớt cho dù được trang bị áo mưa, tăng võng, nhưng ai nấy đều ướt hết. Lúc hành quân, dù thèm thuốc lá nhưng không ai dám hút, không nói chuyện, đề phòng thám báo địch phát hiện.

Gần 5 giờ ngày 11/7, đơn vị vào đến chân điểm cao 772. Trời sương mù và mưa vẫn dày đặc, đứng cách nhau vài mét mà không nhìn thấy gì. Các chiến sỹ tranh thủ đào mỗi người một cái hầm, dùng tăng, áo mưa che tạm và chui vào đó chờ đợi...

Đến ngày 12/7/1984, đơn vị được lệnh tiến công đỉnh Đ3 hay còn gọi là “đồi thịt băm.”Trong trận đánh ác liệt này, nhiều cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh anh dũng. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh (quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị trúng đạn và hy sinh cách anh Kim chỉ 15m… Cùng đó, các trận đánh chiếm lại đồi E2 và E5, điểm cao 685 vào ngày 11/3/1985 cũng rất ác liệt. Khi đó, anh Kim nằm trong đội hình chiến đấu gồm 22 cán bộ, chiến sỹ do anh Phạm Khắc Mã, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 chỉ huy. Trận đánh này diễn ra vô cùng khốc liệt.

Anh Kim kể lại: “Chúng tôi vừa xuất hiện ở hang Suối Cụt thì bị địch phát hiện, chúng dội pháo cấp tập xuống hang, đất đá bay bụi mù. Theo phản xạ tự nhiên, tôi bật người lăn từ hang trên xuống hang dưới, người đau ê ẩm, bẹp cả bình tông đựng nước, rất may người không việc gì, nhưng 8 đồng đội của tôi người thì hy sinh, người thì bị thương”...

 

a4-vxuyen.jpg
Nhà cửa của đồng bào bản Hạ, xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên bị đạn pháo địch tàn phá. (Ảnh/Minh Lộc-TTXVN)

 

Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến năm 1989, đã có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt. Trong những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc, Vị Xuyên là một phần cuộc chiến tranh phá hoại mà Trung Quốc tiến hành từ sau thất bại của cuộc chiến xâm lược quy mô lớn trên các tỉnh biên giới phía Bắc tháng 2/1979. Đây là một dạng chiến tranh đặc biệt về phương thức tác chiến, vũ khí sử dụng, thời gian và không gian.

Chia sẻ ký ức về lửa đã cháy và máu đã đổ trên dải đất biên cương, ông Loan Thanh Lộc, dân tộc Dao, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm (Bình Liêu -Quảng Ninh) - người đã cầm súng giáng trả quân xâm lược trên mảnh đất Đông Bắc hồi tháng 2/1979 - xót xa nhắc tới những đồng đội người còn, người mất, người nằm ở bờ khe, thung sâu, sườn núi chưa được quy tập về các nghĩa trang.

Chia sẻ về những năm tháng đau thương đó, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316, người tham gia chiến đấu trực tiếp ở biên giới phía Bắc giai đoạn 1979 – 1989, cho biết: “Sau những năm tháng xung đột, ngày 13/3/1989, quân đội đối phương bắt đầu rút khỏi các vị trí chiếm đóng trên biên giới phía Bắc. Với những người lính chúng tôi, đó chính là ngày chiến thắng. Chúng tôi ngẩng cao đầu quay về phía Nam của Tổ quốc với niềm tự hào đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ với khát vọng im tiếng súng, khát vọng về một biên giới hòa bình, hữu nghị”.

43 năm đã trôi qua, nhiều câu chuyện đã thuộc về lịch sử. Màu xanh đã phủ lên “Lò vôi thế kỷ” cũng như các quả đồi, cánh rừng, hố đạn nơi biên thuỳ phía Bắc năm xưa. Nhưng những chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn vẹn nguyên đó, lịch sử mãi khắc ghi vang vọng tên của các anh hùng đất nước.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top