Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 2 năm 2017 | 10:59

Đồng vốn góp mùa xuân thêm ấm

Trong không khí đón năm mới, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH TP.Cần Thơ dường như vui hơn, khi những cống hiến của họ trong năm qua đã giúp hàng chục nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nhờ đồng vốn chính sách, nhiều hộ nghèo ở TP.Cần Thơ có thêm vốn để mở rộng sản xuất.

Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi

Tết này, chị Huỳnh Thị Huệ, ngụ ấp Thới Trường 1 (xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ) đã có căn nhà mới. Nhìn căn nhà khang trang, vững chãi vừa được hoàn thiện, chị Huệ không giấu được xúc động, chị nói: “Đó là mơ ước cháy bỏng từ bao năm nay của gia đình. Trải qua bao vất vả, nhờ sự đồng hành của NHCSXH, gia đình tôi vượt qua khó khăn, có được cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Gia đình chị Huệ là hộ nghèo của xã Thới Xuân, không có ruộng đất sản xuất, từng phải chạy ăn từng bữa. Chị kể, với quyết tâm thoát nghèo, năm 2012, chị vay 10 triệu đồng mua 8 con lợn về nuôi để có thêm thu nhập. Nhưng chẳng may, khi lứa lợn đạt trọng lượng chừng 50 - 60kg thì chết đột ngột, vậy là mất trắng cả vốn lẫn lãi. Để trả nợ, lãi đúng hạn cho ngân hàng, vợ chồng chị vừa tranh thủ mua bán đồ rẫy ở chợ huyện mỗi sáng, vừa đi làm thuê. Chí thú làm ăn, không ngại vất vả, cực nhọc nên khó khăn cũng dần qua. Năm 2015, chị tiếp tục được Hội Phụ nữ bình xét, đề nghị NHCSXH cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Toàn bộ số vốn này chị đầu tư mua lợn giống về nuôi lại và lần này công sức của chị được đền đáp. Đàn lợn nái có 7 con lớn nhanh, xuất bán đều đặn, chị Huệ lo đủ cho con lớn học Đại học Sư phạm và trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong nhà. Nhờ vậy, thu nhập từ mua bán đồ rẫy của chị và nghề thợ hồ của chồng được dành dụm để xây cất nhà cửa.

Niềm vui khi kinh tế được ổn định, hướng đến thoát nghèo bền vững của chị Huệ cũng là niềm vui của gia đình chị Trương Thị Hương, ngụ ấp Quy Lân 1 (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh). Với mô hình chăn nuôi lợn thịt được phát triển nhờ đồng vốn vay ưu đãi, gia đình chị Hương là một trong 440 hộ thoát nghèo trong năm 2016, góp phần đưa xã Thạnh Quới về đích nông thôn mới sớm hơn như kế hoạch. Chị Hương chia sẻ: “Nhà nghèo nên nhiều năm qua dù mê nghề nuôi lợn nhưng tôi không thực hiện được. Trong năm 2016, được Hội Phụ nữ xã bình xét hỗ trợ vay vốn chính sách với số tiền 50 triệu đồng, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi 2 chuồng lợn thịt trên 100 con. Đàn lợn phát triển tốt, bán có giá, đem về nguồn lợi nhuận khá. Vậy là, Tết này gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, ông Đoàn Trung Kiên cho biết: “Năm 2016, huyện tập trung nguồn lực xây dựng 3 xã nông thôn mới. Trong đó,  Thạnh Tiến và Thạnh An được công nhận xã nông thôn mới lần lượt trong quý III/2016. Riêng xã Thạnh Qưới gặp nhiều khó khăn. Trong các vấn đề nan giải nhất có mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 15,9% với 577 hộ. Mục tiêu cần đạt được là giảm trên 400 hộ nghèo, để tỷ lệ này giảm còn dưới 4% vào cuối năm, huyện đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt, đề nghị NHCSXH hỗ trợ bổ sung vốn vay 6 tỷ đồng cho hộ nghèo của xã. Nhờ điều tra nhu cầu vay vốn chính xác, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đến nay, xã đã có 440 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,95%. Xã đã về đích nông thôn mới vào tháng 12/2016”.

Giữ vững chất lượng tín dụng

Cuối năm 2015, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH TP.Cần Thơ chiếm 0,49% tổng dư nợ thì đến cuối năm 2016, tỷ lệ này chỉ còn 0,42% - mức thấp nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, doanh số cho vay trong năm 2016 đạt 661 tỷ đồng, với 31.052 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 386 tỷ đồng, tăng 15,58% so với năm 2015. Để đạt được kết quả này, theo ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc NHCSXH TP.Cần Thơ là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Trung ương, địa phương và nỗ lực của các hộ vay vốn. Tất cả các mặt công tác như củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét công khai đối với các khoản vay mới, giám sát việc sử dụng vốn vay, đánh giá, phân tích nợ đều được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và trưởng ấp trực tiếp tham gia giám sát từ khâu bình xét cho vay đến kiểm tra sử dụng vốn vay và xử lý thu hồi nợ. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày một nâng lên. Nhiều quận, huyện có tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn chi nhánh.Trong đó, quận Bình Thủy liên tục tăng trưởng dư nợ, đồng thời giảm tỷ lệ nợ quá hạn qua từng năm. Cụ thể, năm 2014, dư nợ của quận đạt 117 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm 0,31%; năm 2015, dư nợ đạt 141 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm 0,15%; đến cuối năm 2016, dư nợ của quận là 174 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,07%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng của quận.

Đánh giá về kết quả hoạt động nổi bật của NHCSXH TP.Cần Thơ trong năm 2016, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Văn Tâm cho biết, chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể so với năm 2015. Dư nợ tăng hơn 283 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Thành phố cũng đã và đang tập trung cho vay hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, cho vay phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng,… Điều đặc biệt nữa là, đến nay thành phố và 9/9 quận, huyện đã chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH tranh thủ nguồn vốn Trung ương, ngân sách quận, huyện, thành phố và các khoản thu nợ đến hạn để tập trung cho vay, đáp ứng đủ nhu cầu vốn của bà con, phấn đấu năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt trên 10% so với năm 2016; đồng thời chú trọng đến nhiệm vụ xuyên suốt là củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên tất cả các địa bàn. 

Mỹ Tú

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top