Những du khách đầu tiên có mặt ở Fansipan Legend trong ngày mùng 3 Tết đã không dấu nổi niềm phấn khích khi hòa mình vào Lễ hội khèn, hoa – Không gian văn hoá Tây Bắc 2017. Những điệu khèn, tiếng sáo mang âm hưởng vùng cao vang vọng mãi trong không gian mờ lạnh hơi sương ở Fansipan Legend trong sự háo hức và cổ vũ nhiệt tình của những du khách.
Lễ hội khèn, hoa – Không gian văn hoá Tây Bắc mở đầu chuỗi Lễ hội tưng bừng, rộn rã tại khu du lịch Fansipan Legend ngay trong sáng mùng 3 Tết (ngày 30/1/2017) đã thu hút đông đảo du khách. Đến từ Đà Nẵng cùng gia đình, anh Phạm Quốc Minh chia sẻ: “Lên Sa Pa tận hưởng không khí mùa đông miền Bắc và check in Nóc nhà Đông Dương, ai ngờ lại được tham gia một sự kiện văn hóa đặc sắc, ý nghĩa mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc ngay tại khu cáp treo Fansipan. Bọn trẻ nhà tôi rất hứng thú”.
Tham dự Lễ hội lần này, các du khách đã trải nghiệm những điệu múa khèn đặc sắc của các chàng trai, cô gái trong Hội thi múa khèn dân tộc H’mông lần thứ nhất. “Đã rất lâu rồi, mới được thấy lại những điệu múa khèn của người H’mông nơi vùng cao này. Những vũ điệu tuyệt vời của nghệ sĩ dân gian trong thanh âm réo rắt của tiếng khèn khiến cái Tết trên dẻo cao này đặc biệt ấm áp và đượm hương vị tự hào” – bác Trần Nhất Linh du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ.
Trong mắt vẫn lấp lánh những niềm vui, chân nhún nhẩy theo điệu khèn réo rắt, bác Linh chia sẻ, thú vị nhất là đến đây, hai đứa cháu vừa đi du học ở Úc về nghỉ Tết có cơ hội tham gia những trò chơi dân gian lâu nay chỉ nhìn thấy trên…phim. “Chúng nó đã chơi đầy đủ các trò chơi dân gian trong lễ hội này từ Bịt mắt bắt dê, Đánh còn, Đánh yến, Khèn lá, Nhảy sạp... Chơi thì dở tệ nhưng đứa nào cũng hào hứng. Tự hào quá những nét đẹp dân tộc người vùng cao”.
…Nhiều du khách dõi theo bàn tay khéo léo ở chòi dệt vải của các cô gái người H’mông. Những khung cửi gỗ nặng nề, những sợi tơ, tấm chỉ nhỏ xíu qua bàn tay tinh tế của các cô gái H’mông đã hình thành nên những tấm vải rực rỡ sắc màu.
Ngoài ra, du khách còn có thể mua về làm quà cho bạn bè, người thân của mình những sản phẩm truyền thống độc đáo của người dân tộc vùng Tây Bắc như: túi, khăn thổ cẩm, những chiếc khèn, thậm chí cả những sản vật như: nấm hương rừng, măng tre rừng, rượu Sán Lùng…
Giữa hương sắc đặc trưng Tây Bắc ấy những tạo hình của sản xuất nông nghiệp vùng cao cùng bóng dáng các thiếu nữ H’mông đeo gùi mây trên lưng mang theo sắc hồng thắm của sen và những loài hoa ở vùng Tây Bắc cũng vẽ lên một bố cục tuyệt đẹp nơi Fansipan Legend.
Bước đi trong Triển lãm hoa và Không gian văn hóa Tây Bắc, ai cũng ngỡ mình lạc giữa rừng xuân. Những nụ đào bật lên trên cành khô giá rét, mận trắng ngời sức xuân, cúc đại đóa rực một góc nắng vàng, và nhiều loài lan biểu trưng của vùng núi rừng đua nhau khoe sắc…
Sau khi đã trải nghiệm những sắc màu văn hóa đặc sắc trong lễ hội, du khách tiếp tục lướt mây, băng qua đại ngàn để đón xuân trên đỉnh cao Fansipan.
Đến Fansipan Legend để say văn hóa miền cao đặc sắc, say hương rượu cần, rượu ngô nồng ấm, say ánh mắt trong veo của những cô gái Thái, Mường,… để thêm yêu quê hương, đất nước.
PV
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.