Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2019 | 10:48

Giấc mơ xuất khẩu lao động: Phía sau những đồng ngoại tệ

Không thể phủ nhận yếu tố tích cực mà xuất khẩu (XKLĐ) mang lại cho nhiều miền quê ở Hà Tĩnh thời gian qua. Nhưng phía sau những đồng ngoại tệ có biết bao câu chuyện cười ra nước mắt chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.

tr15t.jpg
Những đứa trẻ ở những miền quê giàu lên nhờ xuất khẩu lao động không thiếu gì ngoại trừ vòng tay chăm sóc của bố mẹ.

Chịu tang qua mạng xã hội

Đám cưới “hai không”, chịu tang người thân qua mạng xã hội zalo, facebook, những ngôi nhà to cao nhất làng nhưng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, những đứa trẻ sống bên ông bà từ thuở lọt lòng thiếu thốn tình cảm của cha mẹ… là những câu chuyện chúng tôi được nghe nhiều nhất khi về các miền quê giàu lên nhờ xuất khẩu lao động.

Và sau những chuyến XKLĐ đó là cả trăm nỗi niềm cơ cực của kẻ ở, người đi. Thời gian biền biệt, không gian cách trở, xa xôi khiến nhiều người thậm chí không có cơ hội được nhìn người thân lúc cuối đời…Trường hợp của anh Đặng Văn H. (47 tuổi), thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) là một ví dụ.

Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là hưu trí, anh H. được ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, lớn lên lập gia đình, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng thêm nặng nề, anh buộc phải xa vợ và 3 đứa con đi XKLĐ Hàn Quốc vào năm 2007. Kết thúc hợp đồng 5 năm, trở về quê một thời gian, anh tiếp tục làm thủ tục xuất ngoại lần 2. Kể từ đó đến nay đã gần 10 năm, anh chưa về nước. Ở nhà tất tần tật mọi việc từ lớn đến bé, từ đối nội đến đối ngoại, từ hiếu đến hỷ…, một tay vợ lo toan hết.

Năm 2017, bố anh - ông Đặng Th.- qua đời ở tuổi 81. Anh H. dù đau đớn tột cùng nhưng không thể về chịu tang bố. Để thể hiện chữ hiếu, anh H. xin nghỉ làm, lập bàn thờ ở phòng trọ, đeo khăn tang, quỳ lạy, chống gậy… rồi phát qua Facebook để chịu tang bố. Đến năm 2018, con trai anh là Đặng Nhật H. lập gia đình, nhưng anh cũng không thể có mặt để chúc phúc cho con.

Anh H. cũng như hơn 250 lao động ở Thạch Kim khác đang sống lưu vong ở Hàn Quốc và hàng trăm người đang ở  Anh, Canada, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)… đều xác định chỉ khi bị cơ quan chức năng bắt hoặc không còn sức khỏe để làm việc nữa mới trở về.

Đám cưới “2 không”

Khi về xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, người dân vẫn nhắc đến chuyện đám cưới “2 không” của gia đình ông Phạm Văn H., bà Võ Thị C.. Hai ông bà sinh được 4 người con , 3 trai, 1 gái. Cô con gái Nguyễn Thị H. vốn là “con cưng” của gia đình, sau khi H. học hết phổ thông năm 2017, ông bà làm thủ tục cho H, đi du học Hàn Quốc với kỳ vọng H. sẽ đổi đời. Sang nhập học được 6 tháng thì H. vượt ra đi làm ngoài. Vì lưu trú bất hợp pháp nên mới đây đám cưới của H. tổ chức tại quê nhà vắng mặt cô dâu và không có luôn chú rể.

Ông Nguyễn Tiến Dần, Bí thư Đoàn xã Thạch Kim cho hay: Đám cưới “2 không” nay không còn lạ ở Thạch Kim. Riêng năm 2018, toàn xã có đến 15 cặp không có mặt ở địa phương vẫn tổ chức đám cưới, cứ mỗi lần nhận thiệp hồng, người dân làng trên xóm dưới cũng chỉ biết chép miệng cho qua.

Những mảnh ghép số phận

Đại bộ bận dân số ở Thạch Kim theo đạo Thiên chúa nên việc ly hôn là điều cấm kỵ. Thế nhưng, trên thực tế, bình quân mỗi năm toàn xã có đến hơn 20 cặp vợ chồng sống ly thân, sống với nhau không hạnh phúc khi chồng hoặc vợ đi XKLĐ trở về.

Ông Hoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân) nhẩm tính, riêng hai năm 2017 - 2018, toàn xã có khoảng 200 cặp vợ chồng ly thân và ly hôn. Số cặp ly hôn về mặt pháp luật không thể hiện nhiều trên hồ sơ nhưng sống với nhau không hạnh phúc, ly thân thời gian dài thì nhiều lắm. Khi ở nhà, đang nghèo khó, họ sống hạnh phúc. Nhưng khi đi XKLĐ về, có tiền, lại thường xuyên cãi nhau, dẫn đến kiện nhau ra tòa. Chỉ khổ mấy đứa trẻ.

Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Thạch Kim, hiện toàn xã có hơn 70 cặp vợ chồng đi XKLĐ gửi con về cho ông bà nuôi dưỡng. Đặc biệt, xã Cương gián (Nghi Xuân) có đến hàng trăm cháu ở với ông bà.

Ông Tiến cho biết thêm, ngoài thực trạng đổ vỡ hôn nhân, Cương Gián đang đau đầu vì vấn nạn kết hôn giả với người nước ngoài để hợp thức hóa con đường xuất ngoại. Phong trào này bắt đầu xuất hiện từ năm 2007, từ đó đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 10 - 15 trường hợp kết hôn theo hình thức này.

“Không ít lao động kết hôn xong bay sang Hàn Quốc “vượt” ra làm việc thì bị bắt, trục xuất về nước mà chưa hoàn thành thủ tục ly hôn. Bây giờ về địa phương vẫn lấy chồng, làm đám cưới nhưng không thể đăng ký kết hôn. Con cái sinh ra phải khai sinh họ mẹ”, một cán bộ tư pháp xã Cương Gián thông tin.

Một thực tế mà ông Tiến, anh Dần cũng nêu ra, việc lao động đi xuất khẩu các nước thời gian quá dài đang khiến cho vấn nạn đổ vỡ hôn nhân, mất an ninh trật tự, băng hoại đạo đức đáng báo động. Cha mẹ đi làm xa nên con cái nhờ hết ông bà.

Đứa nào tự ý thức, ngoan ngoãn thì cũng mừng nhưng cũng có những đứa ông bà không quản nổi, sinh ra hư hỏng. Tệ hại hơn, chúng nghĩ rằng nhà mình đã giàu, cha mẹ đi làm ở nước ngoài kiếm tiền tỷ mỗi năm, hơn hẳn những người khác nên chúng lười học, lười làm, tối ngày chỉ biết chơi bời, ham mê điện tử.

“Hai vợ chồng con tôi đi XKLĐ, bố thì đi Hàn Quốc, còn mẹ đi Đài Loan. Ngày rời Việt Nam, mẹ nó khóc hết nước mắt vì thương con còn quá nhỏ, nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận xa con, tha phương vì cuộc sống mưu sinh. Nó ở với tôi từ khi 3 tháng đến nay là 4 tuổi.Mặc dù ngày nào cũng nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại nhưng thấy con nhà người ta có bố mẹ dẫn đi chơi đây đó mà càng thương cháu mình hơn”, bà Nguyễn Thị M. (thôn Cầu Đá, xã Cương Gián) nghẹn ngào.

Theo bà M., trường hợp bố mẹ gửi con cho ông bà nuôi ở Cương Gián thì nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có người đi nước ngoài, nhà ít thì 1 - 2 người, nhà nhiều có khi 7 - 8 người. Ai có con cái thì gửi lại cho ông bà nuôi, cứ đến tháng là bố mẹ lại gửi tiền về cho bà cháu nên trẻ em nơi đây chẳng thiếu thứ gì ngoại trừ vòng tay chăm sóc của bố mẹ.

 

Bài 3: Giải pháp nào lập lại trật tự XKLĐ?

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top