Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021 | 9:28

Giải pháp chặn đứng “tín dụng đen”: Đẩy mạnh tín dụng chính thức

Thời gian qua, các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đã ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự tại nhiều địa phương. Nhiều người lỡ rơi vào bẫy “tín dụng đen” đã tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ được cộng dồn mỗi ngày.

NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”.

“Tín dụng đen” biến tướng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, yêu cầu  các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án (Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an) cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chỉ thị 12, đã đạt được một số kết quả nhất định. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao.

Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng.

 

123.JPG
Hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH.

 

Phân tích thêm một số nguyên nhân khiến người dân tìm đến “tín dụng đen”, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, một số trường hợp các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát  thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ....

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước,  cho biết, hiện nay, các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, vay tiền qua website, vay tiền qua app ứng dụng đã làm cản trở công tác đấu tranh với “tín dụng đen”.

Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng, phức tạp. Trong khi đó, các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn. Có hiện tượng người có tiền nhàn rỗi sử dụng vào việc cho vay nặng lãi do việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý.

Đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức

Theo ông Đào Minh Tú, mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên, một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ “tín dụng đen” do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp, như cờ bạc, kinh doanh phi pháp,... hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.

 

ông-phan-cử-nhân-giám-đốc-ban-hợp-tác-quốc-tế-và-truyền-thông-ngân-hàng-chính-sách-xã-hội-nhcsxh.jpg
Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).

 

Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền Thông NHCSXH, cho hay, trong 19 năm qua (từ khi thành lập đến 30/9/2021), đã có hơn 40 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn..., góp phần giúp hơn 6,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 4,7 triệu lao động; giúp gần 134.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 15,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 744.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”; qua đó đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 242.291 tỉ đồng với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ. NHCSXH đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Chất lượng tín dụng luôn được chú trọng nâng cao. Tỉ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 1%/tổng dư nợ. NHCSXH không thu phí khi làm thủ tục vay vốn. NHCSXH thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể, cũng là những người hàng xóm láng giềng sẽ giúp họ tiếp cận nhanh và vững tin vào NHCSXH.

Trước tình hình “tín dụng đen” diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, HĐQT NHCSXH đã chỉ đạo tiến hành khảo sát về tình hình vay tín dụng đen của các đối tượng chính sách xã hội là khách hàng vay vốn của NHCSXH. Qua khảo sát nhanh thực tế một số địa phương, vùng miền trên cả nước và thống kê của các chi nhánh NHCSXH trong toàn hệ thống, chưa phát hiện được khách hàng nào của NHCSXH có vay vốn trực tiếp từ hoạt động này, chỉ có khoảng 150 hộ vay vốn có ảnh hưởng gián tiếp từ “tín dụng đen” (gia đình có con em dính líu tới “tín dụng đen”). Trên cơ sở đó, ngân hàng dự kiến sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Ngoài ra, NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen” như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Khách hàng khi nắm được những quy định về dịch vụ ngân hàng thì sẽ hiểu biết và sử dụng ngân hàng tránh được tín dụng đen. NHCSXH có app trên Zalo để khách hàng có thể tìm hiểu, tiếp cận một cách dễ dàng.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top