Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2019 | 16:45

Gian lận thi cử: Nỗi nhục không thể gột rửa…!

Thời gian qua, chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã trở thành câu chuyện khiến nhiều người sửng sốt. Chuyện không phải diễn ra theo cách cục bộ mà được thực hiện trong cả một hệ thống bởi những cán bộ mất đạo đức, vô liêm sỉ.

Chuyện gian lận thi cử ở những địa phương vừa nêu trên như một cái ung nhọt, khiến mỗi người dân ai cũng thấy nhức nhối. Khi cái ung nhọt đó không được cắt bỏ thì hệ lụy sẽ rất nặng nề. Qua chyện này cho chúng ta cảm nhận rất đau lòng. Đầu tiên là chuyện “cười ra nước mắt” mà lịch sử thi cử của nhân loại khó có thể lặp lại lần thứ hai. Có lẽ thế giới cần ghi nhận một kỷ Guinness cho việc một thí sinh ở Hòa Bình thi 3 môn được 1 điểm (trong đó có 2 môn bị điểm 0) vẫn ngang nhiên trở thành thủ khoa của một trường uy tín. Đây là kỷ lục nhưng không lấy gì làm tự hào. Ngược lại, đó là nỗi ô nhục không thể gột rửa của ngành giáo dục.

Chúng ta thử đặt ra câu hỏi là vấn nạn gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La liệu diễn ra từ các kỳ thi trước hay chỉ mới đây. Có chắc rằng việc gian lận thi cử chỉ xảy ra ở 3 tỉnh trên, còn các địa phương khác thì sao? Điều dễ nhận ra là việc gian lận thi cử cho các thí sinh phần lớn là vào những ngành của trường có uy tín như: an ninh, quân sự, sư phạm, y khoa… Đó là những ngành nghề có sự chi phối lớn trong cuộc sống đòi hỏi người học phải có những khả năng, kiến thức nhất định. Những thí sinh không có thực tài và đạo đức để theo học các ngành “khó” thì khi ra trường liệu có trở thành những cán bộ, công dân tốt hay lại là những “sâu mọt của xã hội” làm đâu sai đấy.

Cần nhìn nhận, việc gian lận thi cử như chuyện tổ mối và bờ đê. Khi tổ mối mất kiểm soát thì nó sẽ khiến bờ đê dù có chắc chắn cũng phải sụp đổ. Gian lận thi cử cũng vậy, nếu không có những biện pháp ngăn chặn rồi sẽ có lúc đưa cả một nền giáo dục xuống vực thẳm. Gian lận thi cử từ cổ chí kim đã xảy ra nhưng mỗi thời kỳ lại có tính chất, động cơ khác nhau. Cái tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” luôn đúng trong bất kỳ thể chế nào. Thế nhưng hiện nay, nhiều người vì những động cơ thấp hèn đang coi nhẹ tìm nhân tài cho đất nước. Thay vào đó, họ sẵn sàng tước đoạt một cách không thương tiếc khả năng của biết bao học sinh có thực tài.

Cao Bá Quát sửa bài thi vì tiếc cho nhân tài

Cao Bá Quát sống dưới triều Nguyễn của nước ta. Không chỉ nổi tiếng là người thẳng thắn, chính trực, Cao Bá Quát còn là nhà văn hóa lớn trong thế kỷ XIX. Ông có một sự nghiệp văn chương lừng lẫy, danh tiếng với hàng nghìn bài thơ và văn xuôi vẫn lưu giữ cho đến ngày nay. Còn nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, can đảm, giỏi thơ văn, cương trực. Năm 1831, dưới đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á nguyên tại trường thi Hà Nội. Năm 1841, đời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với đồng sự là Phan Thời Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại 24 bài.

Khi sự việc bại lộ, Cao Bá Quát nhận tất cả lỗi về mình. Sau khi án được dâng lên vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Sau này, thấu hiểu nỗi lòng của cao Bá Quát, vua Thiệu Trị ra lệnh tha tội chết cho ông với lời phán rằng “chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử…". Nhờ đó, Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” (chém chết ngay) thành “giảo giam hậu” (giam lại, xử chết sau) và ông bị tống vào ngục.

74209154_716399608878966_3537346562613051392_n.jpg
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” luôn đúng trong bất kỳ giai đoạn nào

Có thể thấy việc làm của tiền nhân Cao Bá Quát là sai nhưng hậu thế ít người có thể trách ông, bởi ông quý trọng nhân tài, thấy tiếc nuối nhân tài. Trong việc làm của mình, ông không hề có một động cơ vụ lợi gì. Trên hết, ông đặt lương tâm lên hàng đầu, ông cũng không biết những thí sinh có thân thế như thế nào. Là người có tài, ông hiểu được giá trị của những hiền tài, hiểu được nhân tài quan trọng như thế nào đối với đất nước. Ông luôn đau đáu nỗi lòng khi những hiền tài bị đánh rớt với những lỗi ngây thơ không đáng có. Đó là sự trân trọng nhân tài và trách nhiệm tìm những người có thực tài cho triều đình của một con người có nhân cách.

Nói vậy để thấy rằng, chuyện gian lận thi cử ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La khác hẳn hoàn toàn với chuyện sửa bài thi của Cao Bá Quát. Họ không phải vì lương tâm, động cơ cũng hoàn toàn không trong sáng như Cao Bá Quát. Họ sửa điểm, nâng điểm không có tính xây dựng với nhân cách đáng bỏ đi. Điều đau đớn và gây bức xúc cho xã hội là họ sửa điểm, nâng điểm với những điều bất thường. Từ chỗ thí sinh dốt nát lại trở thành những thủ khoa trong sự khinh bỉ của xã hội. Công lý ở đâu, lương tri ở đâu hay trong mắt họ chỉ là vật chất và các mối quan hệ. Họ chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi lợi ích lớn của xã hội.

Toàn sửa điểm cho những con em gia đình “có điều kiện”

Trong vấn đề gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang xuất hiện một tình trạng rất phổ biến. Việc nâng điểm cho thí sinh lại toàn rơi vào các gia đình quan chức “có điều kiện”, con của ông này bà kia, con của giám đốc này trưởng phòng nọ… mà hầu như không có thí sinh nào là con em của nông dân, công nhân. Cũng đúng thôi, những người nông dân, công nhân họ cật lực lao động với mong muốn nuôi con ăn học bằng thực tài của chính con họ chứ không phải làm ra vật chất để đi xin điểm hay mua điểm. Đồng tiền họ làm ra đâu có đủ để nâng điểm cho con cháu. Cái suy nghĩ chính đáng của bậc phụ huynh nông dân, công nhân lại chỉ đúng được một phần nhỏ. Họ đâu biết được rằng nỗ lực đèn sách của con em họ đang bị những gia đình có điều kiện tước bỏ không thương tiếc.

0ee4f1e25ea5b7fbeeb4.jpg
Cần công bằng với thi cử để chọn những nhân tài cho đất nước. Ảnh tư liệu

Nâng điểm không đúng là một tội ác, bởi đó là việc tước đi cơ hội của nhiều thí sinh khác xứng đáng được công nhận. Cũng cần nói đến chuyện cung và cầu. Không phải ngẫu nhiên mà toàn là con em các gia đình quan chức “có điều kiện” mới được sửa điểm, nâng điểm. Cần biết rằng, quy trình kiểm soát thi cử có nhiều khâu. Các cán bộ liên quan đến gian lận thi cử phải được cung cấp đầy đủ thông tin của thí sinh (tên, năm sinh, CMND, số báo danh, phòng thi, hội đồng thi…) chứ không phải tự nhiên mà có. Không thể có chuyện vô tình nâng điểm cho con em nhà giàu. Đó là một quy trình rất chặt chẽ. Thông tin thí sinh không phải từ trên trời rơi xuống, ở đây đã có sự tính toán rất chu đáo và kỹ lưỡng. Suy cho cùng không nói ai cũng biết thông tin của thí sinh nằm trong danh sách sửa điểm, nâng điểm đã được gửi gắm một cách có tính toán.

Điều nực cười khi chuyện gian lận thi cử ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La được phanh phui thì những ông nọ bà kia liên quan đến việc con em mình được nâng điểm lại chối bỏ trách nhiệm, đại loại như: “tôi không biết, không liên quan” hay “con tôi học giỏi lắm, cần gì phải nâng điểm”… Họ cứ nghĩ người khác biết được thông tin thi cử của con em dễ như bóc một quả chuối ra ăn. Nếu việc nâng điểm “trong sáng” của các cán bộ tha hóa biến chất vô tình rơi vào toàn là con nhà “có máu mặt” thì ly kỳ như trúng giải đặc biệt trong xổ số. Như đã nói ở trên, có cầu ắt có cung. Cán bộ liên quan đến gian lận thi cử có lẽ sẽ không sửa điểm cho con nhà “có điều kiện” khi chưa được nhận hay hứa một điều gì. Chúng ta ngầm hiểu phải có gì đó để họ bất chấp luật pháp làm chuyện tày đình như vậy. Giả sử vụ việc không bị phơi bày ra, những thí sinh dốt nát vẫn là thủ khoa, những thí sinh cần điểm để vào những trường mong muốn thì lúc này các bậc phụ huynh và cán bộ mất đạo đức biết đâu lại đang nâng chén chúc mừng. Ở nhiều nước, chính quyền xử phạt rất nặng những phụ huynh liên quan đến nâng điểm cho con, thậm chí họ sẽ bỏ tù. Vậy chúng ta có làm được không hay lại bất lực trước sự chối bỏ trách nhiệm của đấng phụ huynh có con em được nâng điểm. Thực tế thì chuyện gian lận đã đưa ra xét xử nhưng chưa có ai bị buộc tội đưa hối lộ. Điều đó khiến rất nhiều người khó hiểu.

Những lời giải thích hồn nhiên đến mức ngớ ngẩn

Đến nay, việc gian lận thi cử ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã và đang được các cấp có thẩm quyền đưa ra xử lý. Xung quanh việc này có không ít chuyện bi hài. Bên cạnh đó là những lời bao biện hồn nhiên đến mức “khó nghe”. Trước hết là các bậc phụ huynh của thí sinh được sửa và nâng điểm. Nhiều quan chức và gia đình "có điều kiện" phủ nhận việc nhờ nâng điểm cho con em mình. Nếu vậy, không lẽ các cán bộ liên quan đến gian lận thi cử lại tự tiện “gắp điểm bỏ tay con quan chức” để hại họ. Tại sao không gắp điểm cho các thí sinh nghèo? Lời bao biện hay sự phủ nhận liên quan trong chừng mực nào đó là để chứng minh vô tội. Thế nhưng miệng lưỡi không lấp được cái nhìn của xã hội. Liệu có ai tin việc con em quan chức vô tình được nâng điểm? Họ là những cán bộ, khi người dân mất niềm tin thì đứng trước dân những cán bộ có con em được nâng điểm cũng không còn tư cách, giá trị gì.

Còn các cán bộ không có đạo đức nghề nghiệp liên quan đến thi cử, bất chấp luật pháp để làm sai thì vẫn cố níu kéo vào hai chữ “lương tâm”. Gây ra chuyện hệ trọng như vậy nhưng họ vẫn bình tĩnh buông ra những lời thật “sâu lắng”. Nhiều câu nói hết sức thâm tình: “Nâng điểm tự nguyện không có điều kiện gì”, “nâng điểm cho con cháu lãnh đạo không yêu cầu gì”, "nâng điểm vì lương tâm", “tự nâng điểm thi chứ không ai tác động”, “nâng điểm để trả ơn, tạo phúc”... Không hiểu sao họ lại thốt ra được những lời “hồn nhiên đến mức ngớ ngẩn” như vậy. Họ không biết được những lời biện hộ của mình vô tình làm trò cười cho nhiều người. Những lời nói đó như một gánh xiếc rẻ tiền mà ai nghe cũng lắc đầu ngao ngán, mất niềm tin. Nếu họ có “lương tâm” tốt như vậy thì xã hội đâu có lên án? Cái lương tâm lệch chuẩn đó lại bị nguyền rủa bởi nó đặt không đúng chỗ. Nó đẩy bao thí sinh chính đáng ngày đêm đèn sách phải uất nghẹn vì bị tước đi cơ hội mà phải bỏ ra bao công sức mới có được, nó mở cơ hội cho những thí sinh không đủ điều kiện vẫn đàng hoàng ngồi vào chỗ mà các em không xứng đáng. Nói cách khác thứ lương tâm đó nó đáng ném vào sọt rác vì nhiều người cho rằng “lương tâm” đó chỉ dành cho nhà giàu.  

Gian lận thi cử là một nổi nhục khó mà gột rửa bởi có tác động lớn với xã hội. Sẽ rất lâu nữa xã hội mới quên đi gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.

Lê Khắc Niên
Ý kiến bạn đọc
Top