Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 2:5

Giúp người nghèo Pác Nặm vươn lên

Huyện Pác Nặm nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn, có diện tích đất tự nhiên rộng nhưng đất sản xuất nông nghiệp lại ít bởi địa hình nhiều núi cao, giao thông đi lại cách trở. Toàn huyện có 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 84%, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 56,4%. Tuy được các cấp ngành chú trọng đầu tư giúp đỡ nhưng hạ tầng cơ sở của huyện vẫn thiếu thốn, mức sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn thấp. Do vậy, việc đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với vùng đất khó, người dân nghèo đã khó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng “cam go” hơn.

Nhiều hộ nghèo ở Pác Nặm đầu tư mở rộng chăn nuôi từ nguồn vốn của NHCSXH.

Với nguồn vốn vay ưu đãi, người nghèo ở Pác Nặm chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi. Xác định rõ điều đó, NHCSXH huyện Pác Nặm theo phương châm “đánh nghèo” ngay tại chỗ đã chú trọng công tác phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Trong suốt quá trình thực hiện chuyển tải các chương trình tín dụng ưu đãi tới các đối tượng thụ hưởng, thông qua công tác phối hợp, NHCSXH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi, cũng như bình xét công khai, dân chủ, khách quan, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát từ quá trình sử dụng vốn vay đến việc xử lý các trường hợp nợ xấu, lãi tồn đọng, duy trì tốt lịch giao dịch ở các điểm giao dịch xã và tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt từ đầu năm 2015, NHCSXH huyện Pác Nặm đã đề xuất, tham mưu cho Huyện ủy ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội; đồng thời lập kế hoạch cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác tín dụng chính sách từ huyện đến xã để thống nhất việc phân bổ nguồn vốn, thu hồi nợ, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng tín dụng chính sách và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở đối với chính sách tín dụng.

Từ những cố gắng trên, đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Pác Nặm đã đạt 165 tỷ đồng, với trên 5.200 khách hàng vay vốn thông qua 147 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách. Nhiều gia đình người dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Tày… ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện đã biết cách sử dụng vốn vay và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, thoát được nghèo, tăng thêm thu nhập.

Tại bản Khuổi Ô, xã Nhạn Môn thời gian qua đã có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc nghèo vay trên 3 tỷ đồng của NHCSXH huyện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rừng, chăm lo việc học hành cho con em. Điển hình như gia đình ông Dương Văn Chung vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản, thu lãi 30 - 40 triệu đồng/năm, thoát được nghèo, trả đủ tiền vay cho ngân hàng đúng hạn. Cùng với hộ ông Chung, gia đình ông Sầm Văn Dy, dân tộc Mông, đã sử dụng gần 100 triệu đồng vốn HSSV cho cả 3 con theo học đại học, trung học chuyên nghiệp. Hiện con trai cả của ông đã tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định ở Công ty Samsung Thái Nguyên và đang cùng giúp bố mẹ trả nợ cho Nhà nước.

Phó bí thư Thường trực huyện ủy Pác Nặm Trần Văn Hùng cho biết: Thời gian tới, huyện cùng các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Chỉ thị 40 về tín dụng chính sách xã hội, vào cuộc sâu sát hơn nữa để giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn chính sách kịp thời, thuận tiện, phát huy được hiệu quả trong sản xuất, xóa nghèo nhanh, bền vững.

Trần Việt

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top