Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2017 | 4:40

Góp gió lay chuyển xóa nghèo

Không phải ngẫu nhiên trong các hội nghị liên quan đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội gần đây, cái tên NHCSXH luôn được xướng lên với sự ghi nhận, yêu mến của người dân  và lãnh đạo Trung ương, địa phương.

Đồng vốn tín dụng của NHCSXH đã tác động đến nhiều mặt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông càng thấu hiểu những nỗ lực và thành quả của NHCSXH sau nhiều năm gắn bó với hệ thống từ ngày còn làm kiêm nhiệm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam. “Nơi nào có khó khăn, gian khổ thì nơi đó có NHCSXH. Chúng ta đang nói đến một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì cũng có nghĩa đối tượng người nghèo được chúng ta trực tiếp quan tâm. Và để hỗ trợ người nghèo thì vai trò của NHCSXH là vô cùng quan trọng”.

Từ chủ trương đúng

Những lời tâm sự của ông Nguyễn Xuân Phúc trong ngày đầu xuân Bính Thân 2016 tại NHCSXH trên cương vị Phó thủ tướng lúc đó và tại các hội nghị sau đó khi ông đảm đương nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ càng hun đúc thêm ý chí quyết tâm vượt khó của cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống thực hiện các chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tiến đến làm bệ đỡ cho chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với những kỳ vọng lớn hơn từ Đảng, Chính phủ…

Bản Nghèo - cái địa danh chỉ cần nói đến thôi đã có thể mường tượng về quá khứ khó khăn của một bản nghèo nhất xã Hồi Xuân, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hoá). Ấy thế mà, Lường Văn Biêng còn là một hộ nghèo trong bản. Căn nhà sàn đầu tiên của anh được dựng lên năm 1989 nhờ sự hỗ trợ của anh em và bà con dân bản. Hạnh phúc gia đình trên bờ vực lung lay khi hai vợ chồng đôn đáo vay mượn tiền khắp nơi cho con đi học chuyên nghiệp.

Cho đến tháng 5/2011, gia đình anh được vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Quan Hóa. Từ nguồn vốn vay 25 triệu đồng, trong đó có 10 triệu đồng vốn vay hộ nghèo thuộc vùng 30a đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản và bắt mối buôn bán hàng nông sản, anh Biêng đã bước qua ngưỡng cửa của hộ nghèo đầu năm 2014. Con anh cũng đã học xong chuyên nghiệp và có việc làm từ vốn chương trình tín dụng HSSV. Kinh tế gia đình anh thêm lực đẩy khi được tiếp ứng vốn vay hộ cận nghèo mua thêm bò sinh sản và 1 xe ô tô tải nhỏ. Chỉ sau hai năm, gia đình Biêng đã có đàn bò 8 con và 2 xe ô tô tải nhỏ, đảm bảo việc làm cho 6 nhân khẩu đang trong độ tuổi lao động có thu nhập ổn định.

Ghi nhận từ Hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cho những điển hình thoát nghèo như anh Biêng, giờ có thể tìm thấy trên mọi miền Tổ quốc. Chỉ riêng giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% vào cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 30a đã giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% vào cuối năm 2015, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra trong giai đoạn 2010 - 2015.

Các chính sách giảm nghèo mỗi ngày một đan dày phủ màu xanh lên các bản, làng, nhân rộng những mô hình sản xuất kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn giúp người dân bước qua cái nghèo một cách bền vững. Ví như ông Lại Hợp Thơi, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1, phường Thống Nhất, TP.Lào Cai (Lào Cai).  Không chỉ chăn nuôi riêng lẻ, ông đã hợp lại cùng các hộ lân cận là hộ Vũ Thị Lan Hương và hộ Lại Nam Giang, đầu tư mô hình VAC. Với 85 triệu đồng của 3 hộ từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, đến nay họ đã có chuồng lợn tới 90 con, 1.400m2 ao cá. Hiện, cả 3 gia đình đã có thu để tái đầu tư mở rộng mô hình và trả nợ cho ngân hàng.

Không chỉ giúp đối tượng chính sách

Cộng hưởng lại những hiệu quả tín dụng ấy là hộ nghèo và các đối tượng chính sách không chỉ thoát nghèo về vật chất mà cả tinh thần theo tiêu chí nghèo đa chiều, trở thành bàn đạp phát triển kinh tế địa phương, tiến nhanh hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới, mà Hoa Lư là một điển hình.

Theo chân cán bộ tín dụng về với huyện Hoa Lư những ngày đầu Xuân trong không khí cả huyện nô nức chào đón danh hiệu huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Thành quả ấy có góp công của NHCSXH thông qua dòng vốn và chương trình tín dụng mang tính cộng hưởng lớn. Với trên 230 tỷ đồng, NHCSXH huyện đã cho hơn 7.000 hộ gia đình vay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 12,7% (năm 2011) xuống còn dưới 3% (năm 2015), giảm 8,7%. Đời sống của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng cao, không chỉ về thu nhập mà còn là điều kiện sống từ nhà ở đến nguồn nước sạch và cả vệ sinh môi trường,… Đặc biệt, Hoa Lư đang trong thời kỳ phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ, địa hình núi đá vôi với nhiều làng nghề nên NHCSXH đã tập trung cho vay nước sạch và xử lý vệ sinh môi trường nông thôn. Có thể kể, năm 2014, NHCSXH đã dồn lực cho người dân vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực kênh Sào Khê nhằm khắc phục tình trạng nước đọng tù do quá trình khai thác du lịch bị ô nhiễm. Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay của NHCSXH huyện đạt 151 tỷ đồng, trong đó cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt 41,2 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 39,37 tỷ đồng. Những nỗ lực này cũng góp phần tạo nên một bức tranh nông thôn mới với 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 80% cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Cứ như thế, từ các chính sách tín dụng tưởng chừng chỉ riêng cho đối tượng chính sách, song thực tế cho thấy, hiệu quả của nó đã có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào thành công chung của cả nước với gần 2.100 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hoạt động thiết thực

Đáng nói là, các chương trình tín dụng của NHCSXH từ cho vay đến thu nợ không chạy theo thành tích mà gắn chặt với những diễn biến đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân. Nơi nào bị thiên tai, hạn hán, hay sự cố môi trường biển xảy ra, lãnh đạo NHCSXH có mặt ngay tức khắc để phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới và cho vay bổ sung nguồn vốn kịp thời để khôi phục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề.

Bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như các tiêu chí về giảm nghèo thay đổi cũng được NHCSXH phân tích, từ đó rà soát lại tính thích ứng của từng chương trình tín dụng để có những thay đổi cho phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn. Sau Hội nghị tổng kết 3 năm (2012 - 2014) thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ vào đầu năm 2015, Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 02 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên cuối năm 2015, NHCSXH đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Bắc. Từ những hội nghị này và thực tế triển khai công tác tín dụng, những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được đưa ra phân tích, từ đó kịp thời đề xuất với HĐQT và Chính phủ để đồng vốn tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và phát huy được hiệu quả cao nhất có thể, góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ triển khai những ngày cuối năm 2016.

Cũng qua những hội nghị đó, NHCSXH kéo gần hơn các đầu mối kết nối hệ thống chính trị vào cuộc, mà việc thực hiện Chỉ thị số số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 được coi là “cao trào” của sự đồng thuận trong công tác giảm nghèo với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong vùng đối với tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai thực hiện. Thực chứng sau gần 2 năm triển khai đã phát huy hiệu lực, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được quan tâm tăng cường. Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 của NHCSXH lên 10%. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đã nhận được sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm từ 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trong việc duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động, góp phần tạo lập nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Cùng với việc triển khai bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, NHCSXH đã kết nối được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đã nhận thức rõ rệt hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của địa phương. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về nguồn lực, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đã tăng thêm được 2.891 tỷ đồng.

Đây sẽ là những điểm tựa để NHCSXH nâng cao hơn nữa hiệu quả dòng vốn tín dụng chính sách, cộng hưởng chung trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của từng người dân cho đến các cơ quan đầu não ở Trung ương. Những mô hình kinh tế mới, những xã, huyện nông thôn mới có thêm điểm tựa nhân rộng và phát triển hoà mình vào các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, người giàu - người nghèo mỗi ngày một gần lại, hướng tới mục tiêu cao cả của một đất nước XHCN do dân và vì dân.

Minh Ngọc

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top