Tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020 tại Hà Nội, tổng lượng bụi thải do hoạt động đốt rơm rạ ở các huyện là gần 350 tấn, cùng hơn 23.000 tấn CO2 vào thải không khí.
Những con số phát thải do hoạt động đốt rơm rạ
Vào những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 - thời điểm nông dân Hà Nội đang thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa chính trong năm, dọc một số tuyến đường thuộc quốc lộ 32 hay các khu vực tập trung sản xuất lúa tại Chương Mỹ, Thanh Oai... có những đám khói bốc lên từ cánh đồng mới gặt bên đường. Đó là do nhiều nông dân đã đốt rơm rạ tại ruộng, vừa nhanh vừa không tốn công để nhanh chóng giải phóng đất và gieo cấy vụ mùa tiếp sau.
Việc đốt mở rơm rạ ngoài đồng ruộng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Đốt rơm rạ đã được xác định là một trong 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM10, bụi PM2,5... Ảnh hưởng trực tiếp của các chất này là làm cay mắt, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.
Theo số liệu từ kết quả từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Vụ Đông Xuân năm 2020, tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỉ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông Xuân ở Hà Nội năm 2020 trung bình là 20%. Tổng lượng bụi thải ra là gần 350 tấn bụi PM10 và PM2,5 cùng hơn 23.000 tấn CO2 vào không khí.
Xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ô nhiễm
Trước tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ ở các vùng nông thôn gây ô nhiễm môi trường không khí tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ quan hữu quan kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Giải pháp đưa rơm rạ vào chuỗi cung ứng tuần hoàn
Theo bà Nguyễn Thị Yên, chuyên gia thuộc Phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rơm rạ còn chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Những dưỡng chất này hầu như bị phân hủy hoàn toàn sau quá trình đốt, trái với suy nghĩ “dùng tro rơm rạ để bón ruộng” của bà con nông dân.
Để hỗ trợ người nông dân xử lý hiệu quả rơm rạ, tránh hiện tượng đốt bỏ, bà Yên cùng nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra giải pháp dùng vi sinh để ủ rơm rạ thành phân bón.
Theo đó, việc đưa phân vi sinh vào rơm giúp bổ sung lượng vi sinh có lợi vào trong đất, hạn chế được mầm bệnh và vi sinh gây hại, đồng thời biến rơm rạ thành loại phân hữu cơ đầy đủ dinh dưỡng, có lợi cho canh tác.
Phương pháp sử dụng vi sinh có thể được thực hiện ngay tại cánh đồng, chỉ cần khoảng 0,5kg vi sinh cho diện tích 3 sào ruộng, qua đó tiết kiệm chi phí cũng như nhân lực, dễ dàng ứng dụng trong thực tế.
Thông qua thực nghiệm trên nhiều địa phương, tiến hành ủ phân bằng vi sinh giúp tiết giảm được 30% lượng phân bón, giảm lượng thuốc báo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nông sản.
Như vậy, sáng kiến này ngoài việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp, còn có thể góp phần giúp chuẩn hóa quy trình canh tác, tạo ra luồng nông sản sạch, có sức cạnh tranh cao, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường.
Bên cạnh ủ thành phân bón, rơm rạ có có thể sử dụng làm đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng như sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi hay làm đệm lót cho hàng hóa.
Thực tế, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ, rơm rạ đã trở thành một loại hàng hóa được buôn bán phổ biến, tạo ra thu nhập cho nông dân.
Để hỗ trợ người nông dân thu gom, vận chuyển rơm rạ một cách hiệu quả, ông Nguyễn Tường Hưng, Giám đốc công ty TNHH Máy Phố Hiến giới thiệu giải pháp sử dụng máy thu cuốn rơm.
Máy thu cuốn rơm là thiết bị có thể được gắn với máy cày, có thể cuốn rơm thành từng bó gọn với tốc độ nhanh. Qua đó, rơm có thể dễ dàng vận chuyển, dự trữ để sử dụng.
Hiện tại, công ty Máy Phố Hiến triển khai giải pháp máy thu cuốn rơm bằng cách trả tiền cho người nông dân để thu gom rơm trên đồng ruộng hoặc bán máy và chuyển giao kỹ thuật sử dụng máy cho người nông dân.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.