Hà Nội: Mở rộng thanh tra chuyên ngành về ATTP trên 30 quận, huyện
Tính đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) với tổng số cơ sở được thanh tra là 487 cơ sở, qua đó xử phạt 149 cơ sở, số tiền phạt hơn 550 triệu đồng.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, TP đã xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Tổ chức phối hợp với các tỉnh giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ. Tổ chức gắn kết thu mua sản phẩm, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt...
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được coi trọng kết hợp với công tác tuyên truyền hướng dẫn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm được các quy định và thực hiện đúng theo quy định về ATTP. Trong năm 2018, TP đã tổ chức tổng số 876 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong 9 tháng năm 2019, TP đã tổ chức 651 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả, kiểm tra được 83.240 lượt cơ sở
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác thanh, kiểm tra đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều tồn tại do số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều. Phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Vì vậy, từ ngày 10/7, TP Hà Nội đã mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Trước đó, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra Chính phủ triển khai 35 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho gần 4.000 công chức, viên chức, phó chủ tịch/chủ tịch xã/phường thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Đồng thời phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia khai giảng 25 lớp đào tạo cấp chứng lấy mẫu thực phẩm cho 1.240 người.
Về công tác thanh tra, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP với tổng số cơ sở được thanh tra là 487 cơ sở, qua đó xử phạt 149 cơ sở với số tiền phạt hơn 550 triệu đồng. Ngoài ra, có 323/584 xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP với tổng số 1,516 cơ sở được thanh tra, qua đó xử phạt 327 cơ sở với số tiền phạt hơn 519 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn Hà Nội có nhiều thuận lợi nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của UBND TP. Lãnh đạo các đơn vị đều xác định sự cần thiết của thanh tra chuyên ngành tuyến quận, huyện, xã, phường và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP theo quy định do Trường cán bộ Thanh tra - Thanh tra Chính phủ cấp.
Đồng thời, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thanh tra cho các cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các tuyến, đặc biệt là tuyến xã, phường.
Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBNDTP. Hà Nội về mở rộng thanh tra về ATTP, UBND quận đã ban hành kế hoạch để thực hiện chỉ đạo này.
Long Biên là quận trẻ của thành phố Hà Nội, tuy nhiên vấn đề ATTP cũng là một trong những vấn đề bức xúc. Để bảo đảm ATTP, quận đã thường xuyên tổ chức kiểm tra ATTP, đặc biệt là ATTP trong các nhà trường, các cơ sở tập trung ăn tập thể. Nhờ kiểm tra thường xuyên nên đã hạn chế rất nhiều những sai sót dễ dẫn đến mất ATTP.
Ông Vương Hồng Phong, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh cho biết, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một nội dung quan trọng trong quá trình thanh, kiểm tra ATTP tại các cơ sở thực phẩm. Tùy từng cơ sở và loại thực phẩm, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP đơn vị chức năng yêu cầu các cơ sở xuất trình các loại hồ sơ, tài liệu cụ thể.
Thông qua việc kiểm soát chặt chẽ chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nhà hàng… đây là giải pháp rất quan trọng, nhất là khi xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.
TS Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) – cho rằng, hiện nay không có cán bộ chuyên trách trong ATTP mà vẫn đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Thời gian tới, các ngành sẽ đánh giá lại việc sử dụng cán bộ như vậy có đáp ứng được đủ nhu cầu địa phương hay không? Nếu cho rằng, cán bộ kiêm nhiệm chưa đủ thì sẽ có kiến nghị, đề xuất đào tạo cán bộ chuyên trách.
Ông Tuấn đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có thanh tra y tế, thanh tra nông nghiệp. Cục ATTP cũng đề xuất cần thực hiện thanh tra ở các khu vực khác nhau. Cụ thể, ở nội thành tập trung thanh tra thức ăn đường phố, còn ở ngoại thành quan tâm vấn đề liên quan đến nông nghiệp. Về việc thanh tra chồng chéo, ông Đỗ Hữu Tuấn đề xuất, mỗi cơ sở chỉ thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm. Trong trường hợp vi phạm thì đề xuất thanh tra đột xuất. Ngoài ra, việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đề xuất xem xét, sửa đổi lại để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Đặng Văn Được, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội, chia sẻ, hiện nay, ngành Công Thương đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành lập 4 đội liên ngành, tăng cường kiểm tra từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời, yêu cầu cơ sở xã, phường, thị trấn, quận, huyện tập trung thanh kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, bánh mứt kẹo, rau củ quả; đặc biệt lưu ý các nhà hàng ăn uống, các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể ở trường học, cơ quan doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tại các chợ dân sinh, trong các dịp lễ hội… là những nơi có nguy cơ cao xảy ra mất ATTP.
Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để bảo đảm ATTP. Do đó, ông Trần Văn Chung cho rằng, việc đưa ra các tiêu chí đánh giá khen thưởng, thi đua cũng như tiêu chí trong việc xử phạt góp phần nâng cao nhận thức và sự chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc khen thưởng và xử phạt, cần nâng cao công tác tuyên truyền, cùng với đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ATTP.
“Mục tiêu của mô hình thí điểm là xem xét việc triển khai có hữu hiệu trong quản lý ATTP hay không để áp dụng mở rộng và sẽ áp dụng những ưu điểm nào. Tôi mong rằng sau đợt thanh tra thí điểm về ATTP, 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã phường đều triển khai công tác bảo đảm ATTP tích cực và hiệu quả”, ông Được nói.