Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 10 năm 2017 | 10:29

Hà Nội trong tuần: 1.000 tỷ đồng mở đường, 8 sở chuyển trụ sở

Hà Nội chi 1.000 tỷ mở đường nối đại lộ Thăng Long với quốc lộ 32, Chủ tịch Hà Nội bất ngờ kiểm tra việc đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, chuyển 8 sở, ngành về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công... là những tin đáng quan tâm trong tuần ở Thủ đô.

1.000 tỷ mở đường nối đại lộ Thăng Long với quốc lộ 32

Sáng 28/10, thành phố Hà Nội đã khởi công đoạn tuyến vành đai 3,5 nối Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 32 (đoạn tuyến đi qua địa phận huyện Hoài Đức).

Theo chủ đầu tư, việc xây dựng tuyến đường trên giúp kết nối 3 trục giao thông chính của thủ đô (Quốc lộ 32 – trục Hồ Tây - Ba Vì - Đại lộ Thăng Long) và góp phần khép kín vành đai 3,5.

Dự án có tổng chiều dài 5,5km, mặt cắt rộng 60m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, đáp ứng tốc độ lưu thông 80km/giờ; dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Ngoài diện tích dành cho lưu thông, đường còn cò dải phân cách giữa rộng 5,5m, trồng cây xanh để tạo cảnh quan và góp phần bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư cho biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 360 tỷ đồng và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Hà Nội bất ngờ kiểm tra việc đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng

Sáng 28/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đột xuất kiểm tra việc thi công mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long) và công tác cắt tỉa, đánh chuyển khoảng 1.200 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.

Trong quá trình trực tiếp kiểm tra tại công trường, lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung thi công đảm bảo tiến độ dự án, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo an toàn lao động; đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng giao thông hợp lý không để ảnh hướng đến đến người dân.

Quá trình thực tế tại công trường, đoàn kiểm tra phát hiện một số bất cập và yêu cầu các đơn vị thi công, tư vấn giám sát xem xét, xử lý ngay.

Cụ thể là việc cốt đường vành đai 3 mở rộng đang cao hơn các tuyến đường xung quanh dẫn đến khó kết nối với các tuyến đường khác. Bên cạnh đó, phải có biện pháp đồng bộ để kết nối hệ thống thoát nước trên tuyến đường vào hệ thống chung của thành phố, không để xảy ra úng ngập sau này…

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc BQL dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông Hà Nội – Chủ đầu tư dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long cho biết, hiện nay việc thi công đang chậm tiến độ so với yêu cầu của TP.

Lý giải nguyên nhân, ông Tuấn cho biết, dự án gặp nhiều khó khăn khi phải di chuyển các công trình ngầm nổi; cây xanh và giải phóng mặt bằng liên quan đến 885 hộ dân (trong đó còn gần 500 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng xong); đặc biệt việc thi công gặp nhiều khó khăn vì tuyến đường có mật độ giao thông rất đông.

“Dự kiến di chuyển cây xanh đến đâu, các đơn vị sẽ thi công ngay đến đó. Đến trước Tết Âm lịch, đoạn nào có mặt bằng, chúng tôi sẽ hoàn thành đoạn đó. Nếu công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi. Mục tiêu chung là cố gắng hoàn thành cơ bản dự án trong quý I -2018”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Vương Long – đơn vị thi công đánh chuyển, cắt tỉa hơn 1.200 cây xanh ở Phạm Văn Đồng cho biết, sau 10 ngày, đơn vị đã cắt tỉa đánh chuyển được 150 cây xanh.

Thực tế, nhiều cây xà cừ cong nghiêng rễ bị mục, hỏng lên tới trên 50% cần phải chặt hạ. Nhiều cây to nhìn bên ngoài thì khác, khi đào lên mới thấy nhiều cây bị sâu, thối rễ, nếu không kịp thời thi công, mùa mưa bão tới chắc chắn sẽ gãy đổ.

“Có nhiều cây xà cừ lâu năm muốn để đánh chuyển phải đào rộng ra từ 3-5m, sâu trên 2m. Trồng lại ở vườn ươm cần đến 25m vuông cho mỗi cây, chưa kể phải dùng hệ thống chống đỡ cao, tốn kém khi cây còn ít khả năng tăng trưởng, khó tái sử dụng và rất tốn kém”, ông Long cho hay.

Đối với việc đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, lãnh đạo thành phố yêu cầu công ty đánh chuyển cây xanh triển khai thêm các xe tự hành chuyên dụng, không để cành cây rơi ra đường; thi công chủ yếu vào đêm để tránh gây ùn tắc giao thông và đặc biệt là xem xét ký các phương án đánh chuyển, chặt hạ để đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí.

Chuyển 8 sở, ngành về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công

Theo ông Mai Xuân Vinh, dự kiến, giữa năm 2018, Hà Nội sẽ chuyển xong 8 sở, ngành về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ.

8 sở, ngành sẽ di dời về tòa nhà này bao gồm: Sở Tài chính, KH&ĐT, QH - KT, TN&MT, KH&CN, Xây dựng, GTVT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

Theo kế hoạch, sau khi xây dựng xong khu liên cơ quan thứ 2 tại 52 Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), Hà Nội sẽ tiếp tục di dời các sở, ngành còn lại về đây và tiếp tục bán đấu giá tiếp các trụ sở của các sở, ngành này lấy nguồn đầu tư vào các công trình dân sinh. Theo đại diện Sở Tài chính, việc xây dựng những tòa nhà liên cơ tập trung này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí khi dùng chung điện, nước, internet. Việc bảo trì, sửa chữa khu liên cơ cũng bớt tốn kém, đạt hiệu quả hơn so với việc bảo trì riêng 8 sở, ngành hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Mai Xuân Vinh cũng cho hay, phương án sử dụng các trụ sở được di dời của Hà Nội sẽ được TP sắp xếp lại. Trong đó, phương án được ưu tiên là đấu giá công khai các trụ sở cơ quan này. Được biết, con số dự kiến đấu giá các trụ sở hiện nay của 8 sở, ngành TP. sẽ thu được gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trường hợp là đất sản xuất, kinh doanh, đất phi nông nghiệp sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng. “Số tiền này là dự kiến được tính toán trên cơ sở khung giá đất ban hành hiện nay của TP. nhân với hệ số khu vực. Nó cũng có thể hiểu là giá khởi điểm, nếu đấu giá cao thì TP. sẽ thu được số tiền cao hơn so với giá dự kiến”- ông Vinh nói.

Hiện, 8 sở, ngành thuộc diện di dời của Hà Nội đều nằm tại vị trí đất vàng. Cụ thể, trụ sở Sở Tài chính nằm ở 38B Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Đây là vị trí “đắc địa” nhất trong 8 sở, ngành dự kiến di dời, gần hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm thương mại Tràng Tiền, Nhà hát Lớn… Trụ sở Sở QH - KT nằm ở 31B Tràng Thi cũng là khu vực giá bất động sản thuộc top đắt đỏ trên thị trường. Các khu đất khác là Sở KH&ĐT (16 Cát Linh, quận Đống Đa), Sở TN&MT ở 18 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa), Sở KH&CN (số 7 Nguyễn Trãi, Hà Đông), Sở GTVT ( số 2 Phùng Hưng - Hà Đông) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tại tòa chung cư B6A khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).

Việc tập trung 8 sở, ngành, cơ quan Hà Nội về địa điểm này sẽ tạo thuận lợi cho người dân, DN. Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt Đào Ngọc Nam cho hay, việc tập trung các cơ quan về một địa điểm càng sớm, càng thuận lợi cho DN. “Nếu các sở này tập trung về một nơi, DN có thể làm các thủ tục chỉ trong một buổi sáng, đỡ cảnh ngược xuôi, chạy đi chạy lại qua nhiều cơ quan. Việc giải quyết, trao đổi các vướng mắc nếu có giữa các cơ quan hành chính theo đó cũng nhanh hơn, tạo thuận lợi cho DN”- ông Nam nhấn mạnh.

Phát hiện kho tập kết số lượng lớn sụn gà, sụn lợn không rõ nguồn gốc

Ngày 27/10, CAQ Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị vừa tham gia đoàn kiểm tra liên ngành quận phát hiện, tạm giữ số lượng lớn các loại thực phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Số lượng lớn thực phẩm được thu giữ tại một kho hàng ở số 46 phố Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Kho hàng này nằm trong khuôn viên của Công viên Tuổi trẻ, do Phạm Thị Hiền (SN 1990) ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng làm chủ.

Có tổng cộng 24 mặt hàng, và trong đó đa số là sụn gà, sụn lợn, lòng non, chân gà, mực một nắng... các món phổ biến tại quán nướng bình dân giá rẻ. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như giấy tờ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ hàng khai nhận số thực phẩm này được được lấy buôn từ một số mối hàng từ Lào và các tỉnh lân cận, rồi được xé lẻ, đóng gói mang đi giao tận nhà hàng khi có điện thoại yêu cầu.

Ngoài số lượng lớn thực phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện 6 máy hàn miệng túi và 1 chiếc máy hút chân không, cùng gần 300kg bao bì các loại để cửa hàng đóng gói các mặt hàng.

Ghi nhận của PV, thực phẩm ở trong kho hàng có dấu hiệu bốc mùi khó chịu. Bên ngoài kho đông lạnh này không có bất kỳ biển hiệu nào để nhận biết. Hiện, lực lượng chức năng đã tạm giữ số hàng này để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

40 trường THPT đang chờ sửa chữa

Năm học 2016 – 2017, ở Hà Nội có gần 40 trường học đang bị xuống cấp và vẫn chưa được sửa chữa. Năm học 2017 – 2018 Sở GD-ĐT tiếp tục đề xuất xin kinh phí sửa chữa cho 40 trường cũng đang trong tình trạng xuống cấp.

Theo ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tình trạng của trường THPT Trần Nhân Tông đã được báo cáo tới thành phố. Hiện, UBND TP. đã phê duyệt kinh phí đầu tư xây mới hệ thống phòng học cho trường này nhưng do là kinh phí của năm 2018 nên sớm nhất cũng phải đến quý I-2018, trường mới có thể thi công.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Sơn, tại Hà Nội, không chỉ riêng trường THPT Trần Nhân Tông rơi vào tình trạng xuống cấp, chờ phê duyệt kinh phí cải tạo. Riêng trong khối THPT và các trường trực thuộc Sở hiện cũng có nhiều trường đang xuống cấp. Năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất xin kinh phí sửa chữa, nâng cấp 36 trường nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Các hạng mục cần được nâng cấp hiện nay như: mái, cửa bục mọt, tường nứt thấm, nhà vệ sinh xuống cấp… Năm học 2017-2018, đơn vị tiếp tục đề xuất xin kinh phí sửa chữa cho 40 trường vẫn đang chờ kinh phí.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top