Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 9 năm 2017 | 9:57

Hà Nội trong tuần: Đề xuất xây 6 cầu mới, sốt xuất huyết giảm nhưng nguy cơ còn cao

Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây dựng 6 cây cầu mới, Số ca sốt xuất huyết giảm nhưng nguy cơ còn cao, công bố đường dây nóng phản ánh trường thu chi sai quy định... là những tin nóng trong tuần.

Đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây dựng 6 cây cầu

TP. Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây dựng 6 cây cầu (Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, Trần Hưng Đạo, Đuống 2 và Giang Biên) bắc qua sông Hồng, sông Đuống.

Theo TP. Hà Nội việc xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống ngoài việc khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5, 4, thì nó còn giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư xây dựng 6 cây cầu vượt kể trên lên đến gần 57.000 tỷ đồng, nên TP. Hà Nội đề xuất với Chính phủ có những cơ chế đặc thù nhằm thu hút nguồn lực xã hội.

Theo đề xuất của TP. Hà Nội và đường cầu Tứ Liên kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Cầu Tứ Liên có chiều dài 3km, rộng 29,5m. Địa điểm dự kiến xây dựng cầu nằm trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Thời gian hoàn thành cầu Tứ Liên được TP Hà Nội dự kiến trong năm 2021.

Cầu Thượng Cát nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Cầu Thượng Cát dự kiến có chiều dài 4,5km, rộng 60m. Thời gian TP Hà Nội dự kiến hoàn thành cầu vào năm 2021.

Cầu Trần Hưng Đạo đươc xây dựng trên địa bàn quận Long Biên và Hoàn Kiếm có tổng chiều dài khoảng 3km, rộng 20m, với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 3,5km, rộng 19,2m, với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Điểm đầu cầu chính vượt sông thuộc khu vực đê Hữu Hồng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); điểm cuối, nút giao với đường Cổ Linh, thuộc phường Long Biên – Quận Long Biên.

TP. Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cho cơ chế xây dựng cầu Đuống 2,nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Cây cầu và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Cầu Đuống 2 có chiều dài 0,5km, rộng 33m. TP. Hà Nội dự kiến thời gian hoàn thành cầu trong năm 2021.

Hà Nội dự kiến xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nội cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp) với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. TP Hà Nội dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành cây cầu này.

Số ca sốt xuất huyết giảm nhưng nguy cơ còn cao

Theo Sở Y tế Hà Nội, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết từ ngày 19/8 đến nay đã có xu hướng giảm, nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học, nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng.



Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương thời gian tới phải tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch để giảm số trường hợp mắc mới.

Cùng với tuyên truyền, lập kế hoạch cụ thể và tổ chức hiệu quả phun hóa chất, đảm bảo nguồn lực về tài chính cho phòng chống dịch sốt xuất huyết, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy...

Các xã, phường, thị trấn cần rà soát lại thành phần đội xung kích, đảm bảo đúng số lượng, thành phần, gia đình phụ trách, đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, tránh hình thức, phong trào.

Các thành viên đội xung kích vào từng gia đình hướng dẫn và trực tiếp tìm diệt bọ gậy trong dụng cụ chứa nước với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước.”

Bên cạnh đó, các quận, huyện, cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo chỉ đạo của thành phố; kiên quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị không phối hợp hoặc không tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Toàn thành phố đã thành lập 33.260 đội xung kích diệt bọ gậy, 4.911 tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết để thực hiện hiệu quả công tác diệt bọ gậy tại cộng đồng.

Tuy nhiên, qua giám sát của ngành y tế Hà Nội, đội xung kích hoạt động chưa hiệu quả.

Hiệu quả diệt bọ gậy của đội xung kích chưa triệt để, vẫn còn 17,9% gia đình còn bọ gậy sau khi đội xung kích làm việc.

Đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia Bộ Y tế cũng cho thấy việc phun hóa chất chưa triệt để, vẫn còn 10% nhà dân đóng cửa và không tiếp cận được; 35% gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, 50-60% gia đình chỉ cho phun tầng 1. Nhân lực phun hóa chất còn ít và lực lượng đội xung kích một số nơi chưa thực sự có sức khỏe tốt để đáp ứng nhiệm vụ.

Mới đây, tại hội nghị giao ban trực tuyến về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, tập trung lực lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, không thể chủ quan trước tình trạng số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng ở các huyện ngoại thành.

Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan

Từ ngày 6/9, Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan các giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống. Ngay trong ngày đầu mở cửa, rất nhiều người dân Hà Nội hồ hởi đến tham quan, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Khách tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ được tìm hiểu lịch sử quá trình xây dựng nhà hát, kiến trúc của nhà hát, tham quan sảnh chính, khu cầu thang di tích, khán phòng, tham quan ảo Nhà hát Lớn, các bản thiết kế gốc vẽ bằng tay của các kiến trúc sư người Pháp. 

Đồng thời, khách cũng được tiếp đón tại phòng Gương, tìm hiểu di tích vết đạn bắn vào tháng 12 năm 1946, các sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Quảng trường Cách mạng tháng Tám từ hồi đầu thế kỷ XX tới nay, trải nghiệm ngồi lô VIP dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn. 

Tầng 3 của nhà hát giới thiệu các vật liệu xây dựng và trang trí nhà hát từ hồi đầu thế kỷ XX, không gian giới thiệu quá trình trùng tu nhà hát năm 1995, không gian trưng bày các tư liệu, ảnh cổ chụp nhà hát và các sự kiện diễn ra bên trong và bên ngoài Nhà hát Lớn. 

Sau khi tham quan giá trị lịch sử, kiến trúc Nhà hát Lớn, du khách tiếp tục thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hồn Việt" với các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã được chọn lọc. 

Đó là màn múa “Việt Nam quê hương tôi”, độc tấu đàn bầu “Khúc vĩ thanh của đất”, trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, màn múa chầu văn “Cô bé Đông Cuông”, hòa tấu sáo “Tình trăng, tình núi”. 

Nhà hát Lớn mở cửa đón khách tham quan vào 10 giờ 30 thứ hai, thứ sáu hàng tuần. Từ tháng 10 sẽ tăng cường thêm các buổi đón khách. Thời lượng tham quan là 1 giờ 30 phút, giá vé là 400.000 đồng. 

Công bố đường dây nóng phản ánh trường thu chi sai quy định

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng để phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2017 - 2018 tại các trường học trên địa bàn.

Theo Sở GDĐT, việc công bố số điện thoại đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã để người học, cha mẹ người học và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2017-2018 tại các trường trên địa bàn.

Sở GDĐT lưu ý, để phản ánh thông tin về các hiện tượng thu chi không đúng quy định tại các trường thuộc địa bàn quận, huyện, thị xã nào thì phản ánh trực tiếp về số điện thoại đường dây nóng của quận, huyện, thị xã đó.

Bùng nổ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh trên mạng

Trong 8 tháng đầu năm, Hà Nội có khoảng 16.714 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 14%. Trong đó, có 93.600 hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, chiếm tỷ lệ 72%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền- GĐ Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội, trong tháng 8, TP có khoảng 1.936 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 16.855 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng đầu năm, toàn TP có 16.714 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14%, vốn đăng ký 129.266 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ; có 177 doanh nghiệp thực hiện giải thể, 2.497 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tính chung toàn Thành phố hiện có 223.905 doanh nghiệp. 

Đáng lưu ý, riêng tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng từ đầu năm đến nay chiếm 72%, đạt khoảng 93.600 hồ sơ.

Ông Quyền cho biết thêm, trong 114 dự án thu hút đầu tư có 22 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư hơn 60 nghìn tỷ đồng; thu hút 1,74 tỷ USD vốn FDI (trong đó, cấp mới 359 dự án, vốn đăng ký 965,2 triệu USD; điều chỉnh 119 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 630,7 triệu USD; góp vốn mua cổ phần của 323 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 152,1 triệu USD).

Như vậy, đến nay, trên toàn địa bàn Thành phố hiện đang triển khai 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó đã hoàn thành 8 dự án, tổng mức đầu tư 13.683 tỷ đồng; đang triển khai thực hiện 9 dự án, tổng mức đầu tư 15.960 tỷ đồng; đang thực hiện thủ tục 111 dự án, tổng mức đầu tư 302.387 tỷ đồng.

Theo ông Quyền, các đơn vị chức năng của Thành phố đã tư vấn miễn phí cho 49 nghìn lượt doanh nghiệp cá nhân trong và ngoài nước; triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trên địa bàn thành phố đến năm 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của Thành phố năm 2018.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top