Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 3 năm 2018 | 21:34

Hà Nội trong tuần: Nông dân trồng bưởi tự tin vào vụ mới

Tiếp nối thành công của mô hình thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật tăng tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi Diễn, năm 2018, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình tại huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ trên tổng diện tích 2ha.

 

buoi.jpg

Năm 2017, kết hợp với chương trình tập huấn cho các điểm trong vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo Nghị quyết 25 HĐND TP, Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội đã phối hợp với phòng kinh tế huyện Chương Mỹ tập huấn cho các hộ xã viên trong và ngoài mô hình các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Diễn sau khi thu hoạch vụ trước đến khi cây ra hoa, đậu quả, các biện pháp tăng đậu quả, tăng chất lượng quả bưởi Diễn trong các mô hình theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

Trung tâm đã cử cán bộ xuống trực tiếp mô hình phối hợp với xã viên các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, thụ phấn bổ sung giúp cây tăng khả năng ra hoa, đậu quả; Làm thực nghiệm phân bón kali để xác định liều lượng phân bón kali phù hợp cho từng vùng tăng chất lượng quả bưởi Diễn trong mô hình. Kết quả, cây bưởi trong mô hình có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, chủ yếu là chùm quả đơn, chắc, bóng, mã quả đẹp. Số quả trên cây từ 70 – 150 quả. Năng suất của 3 vườn thực nghiệm cao hơn so với những năm trước từ 5 – 7 lần, tăng từ 7 tấn lên 35 – 50 tấn/ha/năm. Thu nhập tăng từ 280 triệu đồng lên thành 655 triệu đồng/ha/năm. Chất lượng quả bưởi Diễn trong các mô hình đều nâng cao rõ rệt, độ brix trung bình từ 13 – 15%. Thành công của mô hình thực nghiệm này đã lan tỏa tới cán bộ, nông dân trồng bưởi. Các hộ dân tham gia nhận thức được giá trị, hiệu quả kinh tế của cây bưởi Diễn nên tích cực chăm sóc, áp dụng các biện pháp theo sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo, phòng trừ sâu bệnh cho cây đảm bảo cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt, cây sai quả.

Trong năm 2018, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình tại 2 huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ với tổng diện tích 2ha. Thời điểm này, các vườn bưởi trong mô hình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Lê Văn Lanh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho biết: Qua các lớp tập huấn đã giúp xã viên chủ động chăm sóc, quản lý vườn bưởi theo từng giai đoạn sinh trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng, thâm canh cây ăn quả trên đơn vị ha canh tác. Nhờ nắm được các biện pháp kỹ thuật, nông dân đang tự tin bước vào vụ mới với niềm tin vào một vụ mùa bội thu.

Lập hội đồng, đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 26/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Quyết định số 892/QĐ-UBND thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới TP. Hà Nội.

 

chuan-nong-thon-moi.jpg

Theo Quyết định 892, Chủ tịch Hội đồng thẩm định là ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố; Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định là ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố và các Ủy viên Hội đồng thẩm định.

Quyết định này thay thế các Quyết định số 6651/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 và Quyết định số 4390/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã ký ban hành Quyết định số 893/QĐ-UBND thành lập Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội. Theo Quyết đinh, đoàn thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới có nhiệm vụ tiến hành thẩm định mức độ đạt từng tiêu chí nông thôn mới của từng xã thuộc các huyện, thị xã; thẩm tra mức độ đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, kết quả thị xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Đoàn thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới hoạt động theo chế độ tập thể; theo sự phân công của Trưởng đoàn, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Trưởng Đoàn thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới phải báo cáo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt từng tiêu chí nông thôn mới cho từng xã của từng huyện để tổng hợp, đề xuất UBND TP xem xét, chỉ đạo giao Hội đồng thẩm định tổ chức họp, thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn theo quy định.

Báo cáo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, kết quả thị xã xây dựng nông thôn mới của từng huyện, thị xã để tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND TP xem xét, tổ chức họp (gồm các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia TP Hà Nội) thảo luận, bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận theo quy định.

Trưởng Đoàn thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới sử dụng con dấu của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP trong thực hiện nhiệm vụ. Thành viên Đoàn thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới tham mưu lãnh đạo đơn vị văn bản đánh giá, xác nhận mức độ đạt các tiêu chí được giao phụ trách, gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố tổng họp.

Kinh phí hoạt động của Đoàn thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (nếu có) thực hiện theo quy định và được bố trí thông qua Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.

Kinh tế Hà Nội khởi đầu khả quan, hứa hẹn bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018

Hai tháng đầu năm 2018, kinh tế Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, lạc quan, các chỉ số như xuất khẩu, vốn đầu tư, sản xuất công nghiệp… duy trì được mức tăng trưởng khá.

 

kinh-te-hn-khoi-dau.jpg

Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư tăng lên, môi trường đầu tư được cải thiện. Nguồn sinh lực mới, với khí thế mới, quyết tâm mới ngay từ đầu năm sẽ đưa kinh tế Thủ đô vươn lên bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, lũy kế 2 tháng đầu năm 2018 các lĩnh vực đạt được đều tăng cao hơn so với mức tăng của 2 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) công nghiệp tăng 9,9% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 8,3% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ hàng hóa 2 tháng đạt 432.174 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 103.359 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,09 tỷ USD, tăng 25,1%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa và vận tải hành khách tăng, với tổng doanh thu đạt gần 7.500 tỷ đồng. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 759.000 lượt khách, tăng 32,7% so với cùng kỳ. 

Thu ngân sách Nhà nước đạt 35.875 tỷ đồng, tăng 16,9%, đạt 16,4% dự toán năm 2018. Hoạt động tín dụng tăng đều với tổng dư nợ đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và 1,2% so với tháng 12/2017. Vốn đầu tư thực hiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện được 3.494 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ, đạt 9,2% kế hoạch năm. 

Trong tháng 3/2018, TP. Hà Nội sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ sau Tết. Đôn đốc người lao động bắt tay ngay vào làm việc sau đợt nghỉ Tết để bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tổ chức, quản lý tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội; tổ chức thanh, kiểm tra các loại hình dịch vụ, sắp xếp hàng quán, dịch vụ trông giữ xe, bảo đảm an toàn giao thông... Các cấp, ngành cũng phát động các phong trào thi đua, tạo khí thế phấn đấu sôi nổi trong toàn TP, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hà Nội tăng cường tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế các bon thấp

 

kt-cac-bon.JPG
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên.

 

Tại lễ phát động Chiến dịch Giờ Trái đất 2018, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Hà Nội sẽ tăng cường tiết kiệm điện, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các bon thấp.

Với thông điệp “Go More Green – Hôm nay tôi sống xanh hơn” của chương trình, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, Chiến dịch là sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc và tác động lớn đến việc nâng cao ý thức người dân, cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.  Là một trong những thành phố đi đầu cả nước về việc triển khai, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất từ năm 2012 – 2017, Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thành công sự kiện này. Năm 2018, Hà Nội tiếp tục tham gia hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội, góp phần vào những nỗ lực chung của thế giới trong vấn đề tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, nguyên liệu, tài nguyên…

Hiện, toàn cầu đang đứng trước nguy cơ nguồn tài nguyên bị sử dụng ngày một cạn kiệt, thế giới đnag phải đối mặt với những thách thức của sự biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất, sự dâng lên của mặt nước biển, sự thiếu hụt của nguồn năng lượng và những cơn bão lũ, cháy rừng bất thường ngày càng nhiều hơn…

Do đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải khẳng định, Hà Nội sẽ tăng cường tiết kiệm điện, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các bon thấp. Đặc biệt, vận động sự tự nguyện tham gia của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp thực hiện trong suốt các thời gian tiếp theo. Nhất là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại các điểm tiến hành tắt điện và tổ chức sự kiện một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí…

Để thực hiện, Thành phố sẽ tiến hành các hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ quan tổ chức, các trường học, doanh nghiệp, các khu dân cư tham gia Chiến dịch. Bên cạnh đó, khởi động Chiến dịch lồng ghép với phát động phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn; Tham gia tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một tiếng từ 20 giờ 30 – 21 giờ 30 ngày 24/3, duy trì ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong suốt cả năm. “Với sự vào cuộc của cả các cấp, các ngành và người dân Thủ đô, Chiến dịch năm 2018 không những tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hướng tới nền kinh tế các bon thấp theo mô hình tăng trưởng xanh, mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay”, vị này nhấn mạnh.

Hà Nội làm 23km đường từ Hà Đông đi Xuân Mai, có đoạn rộng tới 60m

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường Hà Đông - Xuân Mai (đoạn ngoài đường Vành đai 4), tỷ lệ 1/500 trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và Chương Mỹ.

 

 lam-dg.jpg

Đoạn nằm trong đô thị vệ tinh Xuân Mai, mặt cắt ngang 60m; đoạn nằm ngoài đô thị vệ tinh Xuân Mai mặt cắt ngang 40m.

 

Theo quyết định, quy mô nghiên cứu tuyến đường trên: Điểm đầu giao với đường Vành đai 4, điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; chiều dài tuyến khoảng 23km.

Đoạn nằm trong đô thị vệ tinh Xuân Mai, mặt cắt ngang 60m; đoạn nằm ngoài đô thị vệ tinh Xuân Mai mặt cắt ngang 40m. Đoạn trong đô thị vệ tinh Xuân Mai là tuyến đường chính đô thị, đoạn nằm ngoài đô thị vệ tinh Xuân Mai là đường cấp 1 đồng bằng. Đây là trục có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông đô thị Xuân Mai với đô thị trung tâm.

Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La (Hà Đông) - Xuân Mai được đề xuất có tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 4.349 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác. Đề xuất dự án của nhà đầu tư cũng nêu rõ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km.

Tuy nhiên, sau đó TP. Hà Nội khẳng định tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định trên cơ sở thiết kế sơ bộ và phương án giải phóng mặt bằng tạm xác định (thực hiện sau đàm phán hợp đồng BT). Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (lập dự án), tổng vốn đầu tư dự án sẽ được chuẩn xác lại dựa trên phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Luật Đất đai và các quy định khác liên quan. Đồng thời, tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác lập theo Luật Xây dựng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phương án tài chính dự án bao gồm cả lãi vay cũng được xác định theo quy định.

 

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top