“Trước đây, chất lượng tín dụng chưa được tốt, nhưng từ khi củng cố, chấn chỉnh với nhiều giải pháp đồng bộ, Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh triển khai hiệu quả chương trình này ở vùng Tây Nam Bộ”, Phó tổng giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp nhấn mạnh trong cuộc trao đổi một số vấn đề liên quan đến tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu giang Hậu Giang với các cơ quan báo chí trong chuyến công tác vừa qua.
Nông dân Hậu Giang đến làm thủ tục vay vốn tại các điểm giao dịch của NHCSXH.
Qua khảo sát thực tế từ cơ sở đến tỉnh, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng ở Hậu Giang?
Không chỉ theo dõi kết quả hoạt động hằng năm về tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đã trực tiếp làm việc ở cấp xã (xã Vị Thắng), cấp huyện (huyện Vị Thủy) và cấp tỉnh. 5 năm qua, khi Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được triển khai tại Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nam Bộ, trong đó tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển biến tích cực, tín dụng chính sách của Chính phủ đã được địa phương triển khai hiệu quả, các chương trình tín dụng chính sách đã hỗ trợ rất tích cực đến mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương, tỷ lệ người nghèo ngày càng giảm. Cùng với sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, nguồn vốn tập trung cho các đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn.
Ông có thể cho biết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án?
Để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng ở Hậu Giang nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực. Tuy nhiên, qua việc thực hiện Đề án ở một số tỉnh cũng bộc lộ một vài điểm cần được nghiên cứu, xem xét. Đặc biệt là vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phối hợp với trưởng ấp, khu vực để rà soát, bình xét cho vay đúng đối tượng.
Bà con chưa ổn định nơi ở, nơi sản xuất, vay vốn xong bỏ đi khỏi địa phương…, là một trong những tồn tại tuy đã được cải thiện nhưng chưa thực sự tốt.
Hiện nay, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện đã tham gia vào thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH, nhưng trong thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, các đơn vị có liên quan trong việc đẩy mạnh lồng ghép về việc đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phương thức làm ăn cho bà con để sử dụng vốn hiệu quả.
Trước một số khó khăn riêng của Hậu Giang đang gặp phải, ông thấy cần làm gì để khắc phục?
NHCSXH Việt Nam sẽ có trách nhiệm đầy đủ với các chương trình hoạt động, sẽ tăng cường chỉ đạo chi nhánh tỉnh Hậu Giang triển khai tốt hơn nữa các giải pháp một cách đồng bộ nhằm phục vụ tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân.
Chúng tôi sẽ căn cứ vào đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách của địa phương được rà soát hằng năm và đã điều tra giai đoạn 2016 - 2020 để có cơ sở bổ sung nguồn vốn cho Hậu Giang phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người dân. NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương để thường xuyên xử lý những tồn tại, vướng mắc của các chi nhánh, song song đó là chỉ đạo NHCSXH chi nhánh các tỉnh, thành phố có sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ chất lượng, hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Mỹ Xuyên (thực hiện)