Từ lâu, người cao tuổi được xem là “vốn quý” của gia đình, cộng đồng cũng như xã hội, bởi những trải nghiệm quý báu của họ sẽ giúp ích rất nhiều cho con cháu, thế hệ sau. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được điều này, và không phải người cao tuổi nào cũng đủ sức khỏe để “sống vui, sống có ích”. Vậy làm thế nào để chăm sóc tốt nhất cho những “cây cao bóng cả” để họ vui sống, tiếp tục đóng góp cho phát triển xã hội?
Ông Mậu cho bò ăn.
Tuổi cao gương sáng
Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hồng Mậu (68 tuổi) ở xã Tịnh Trà.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi ngay khi gặp ông là nụ cười phúc hậu. Ở địa phương này, ông được nhiều người yêu mến bởi lối sống giản dị, chất phác và sự cần cù, ham học hỏi. Sau khi nghỉ hưu (năm 2006), ông đầu tư vốn liếng để phát triển mô hình kinh tế gia trại: trồng tre lấy măng xen chuối, nuôi cá lóc, trồng thanh long ruột đỏ, quýt đường, keo, chăn nuôi bò, gà,... Hiện, ông nuôi 300 con gà mái đẻ, ấp bán con giống, hàng tháng trừ chi phí còn lãi 45-50 triệu đồng; còn tre lấy măng, chuối, quýt đường cho tổng thu nhập 120-150 triệu đồng.
Sau khi được tham quan các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, năm 2016, ông bàn với vợ đầu tư xây nhà nuôi chim yến. Đến nay, đàn yến về làm tổ ở nhà ông được 10 tổ. Cũng trong thời gian này, ông cải tạo 1ha trồng 1.000 gốc tiêu.
Rời nhà ông Mậu, chúng tôi đến nhà ông Phạm Tẩm (85 tuổi), ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh. Mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài lao động. Với những kiến thức về nông nghiệp được tiếp thu tại các lớp tập huấn kỹ thuật, ông Tẩm phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt. Hiện, ông có 1 máy xay xát, 1 xe tải, 4 kho chứa hàng hóa nông sản, với nguồn vốn cố định 750 triệu đồng, vốn lưu động khoảng 2 tỷ đồng. Đến mùa thu hoạch, ông sử dụng xe tải và 3 lao động đi thu mua lúa ở các xã trong và ngoài huyện. Ngoài ra, ông còn đi mua ngô, mì (sắn) để xay nghiền thức ăn gia súc, gia cầm cung cấp cho các chủ trang trại. Với nguồn thức ăn sẵn có của gia đình, ông nuôi trên 20 con heo, mỗi năm xuất chuồng 3 - 4 lần, trừ chi phí, lãi 90 triệu đồng. Kinh tế gia đình phát triển, ông có điều kiện chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định.
Người Việt Nam mất 10 năm sống không khoẻ
Ông Mậu, ông Tẩm chỉ là 2 trong số rất nhiều người cao tuổi Việt Nam đang tiếp tục đóng góp công sự, trí tuệ, khẳng định vai trò gương mẫu trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các mối lo về người cao tuổi đã chấm dứt.
Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế… “Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vì vậy, vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”, ông Tuấn nói.
Ở nước ta hiện nay, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Những năm qua, nhờ làm tốt chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là chúng ta có khoảng 10 năm sống không khỏe.
Người cao tuổi Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Đa số người cao tuổi gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi...
Phát biểu tại Lễ kỉ niệm 27 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2017 tổ chức sáng 28/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế theo nguyên tắc gắn kết giữa dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Đồng thời cần khuyến khích mạnh mẽ phát triển cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi.
Cần tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, từng bước mở rộng diện, điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công đối với người cao tuổi nhằm tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người cao tuổi.
Đặc biệt cần phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong xây dựng Đảng, chính quyền. Coi việc phát huy người cao tuổi cũng là giải pháp chăm sóc người cao tuổi. Coi già hóa dân số không chỉ là thách thức mà còn tạo điều kiện để phát triển một xã hội ấm no, nhân ái, hạnh phúc.
Danh Hùng
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.