Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2017 | 2:5

Hiệu quả tín dụng ở vùng đất “rừng cọ, đồi chè”

Ngay từ đầu năm 2017, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ và các phòng giao dịch đã bám sát chỉ tiêu, kế hoạch, chủ động báo cáo UBND, Ban đại diện HĐQT các cấp để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm, gắn kế hoạch tín dụng ưu đãi với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong công tác kế hoạch hóa tín dụng.

Nhờ tập trung mọi nguồn lực, điều hành linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình theo kế hoạch mà Chi nhánh NHCSXH Phú Thọ đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt là sử dụng tốt nguồn vốn Trung ương chuyển về, kể cả nguồn vốn thu hồi nợ và nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, không để tồn đọng lãng phí vốn. Thực hiện định mức quỹ an toàn chi trả theo quy định của NHCSXH. Chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động NHCSXH, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoạt động Tổ giao dịch lưu động, tăng cường hoạt động ủy nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội.

Theo đó, tổng nguồn vốn đến 31/03/2017 của NHCSXH Chi nhánh Phú Thọ đạt 3.607 tỷ đồng; tăng 140,9 tỷ đồng so với năm 2016 (tăng trưởng 4%). Trong đó nguồn vốn Trung ương cấp là 3.248 tỷ đồng, chiếm 90% tổng nguồn vốn; tăng 118,4 tỷ đồng (tương đương 3,7%) so với năm 2016. Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 328,5 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng nguồn vốn; tăng 19,7 tỷ đồng; đạt 85,3% kế hoạch. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến 31/03/2017 là 30 tỷ 583 triệu đồng, tăng 2,8 tỷ đồng so với năm 2016.

Chúng tôi đã ghi lại một số hình ảnh về các mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng trên vùng đất “đồi cọ, rừng chè, đồng xanh ngào ngạt”, xin được giới thiệu cùng bạn đọc:

Ông Nguyễn Văn Ngọc ở khu 3, thôn Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn (Cẩm Khê) được vay 20 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Từ 1 con bò mua được nhờ vốn vay, nay ông có đàn bò 4 con, trả hết nợ và thoát nghèo.

Đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Nhân ở thôn Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn hiện đang sở hữu đàn lợn hơn 100 con lợn thịt, 10 lợn nái, 3.600m2 ao cá giống, hơn 300 vịt siêu đẻ... Anh Nhân cho biết: “Từ 20 triệu đồng vay được của NHCSXH, tôi đầu tư chăn nuôi, may mắn là làm ăn hiệu quả nên không chỉ trả hết nợ, thoát nghèo mà còn xây nhà, có vốn làm ăn”.

Gia đình ông Ngọc Văn Tỵ nuôi 2.000 con gà thịt, xuất bán 5-6 tạ gà thịt/năm, thu về gần 200 triệu đồng.

Anh Trần Ngọc Hoàn ở khu 3, Cấp Dẫn vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay thoát nghèo của NHCSXH. Anh mua 1 con bò, từ nguồn vốn đó, anh phát triển thành 4 con bò, đàn lợn 50 con. Thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Tỵ còn mở thêm dịch vụ xay xát, vừa có thêm thu nhập, vừa đảm bảo nguồn thức ăn sạch để nuôi gà. Trứng gà ông không bán mà đầu tư máy ấp để gây giống.

Tố Loan

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top