Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 4 năm 2020 | 14:22

Hỗ trợ người lao động và đối tượng chính sách: Cần tăng cường nguồn lực địa phương

Hơn 2 tháng từ khi có dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), số lượng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh ngừng hoạt động tăng mạnh, kéo theo nhiều người lao động bị mất việc, làm tăng áp lực lớn đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là an sinh xã hội.

 

tr25.jpg
Cần tăng cường nguồn lực địa phương hỗ trợ người lao động và đối tượng chính sách bị ảnh hưởng Covid-19.

Mặc dù Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chủ động lường đón từ đầu mùa dịch, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục mọi khó khăn, khôi phục sản xuất; tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cần có sự chung tay của cả chính quyền địa phương.

Chủ động cùng người dân vượt khó

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, ngay từ cuối tháng 1/2020, NHCSXH đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần chủ động, có phương án phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng.

Đặc biệt, đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến nông sản, thủy sản mất giá, lệnh cấm thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc khiến sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, gây thiệt hại cho người dân (như sầu riêng ở Gia Lai, Đắk Lắk, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long,...; tôm hùm ở Khánh Hòa, Phú Yên,...; thanh Long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,...; dưa hấu ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum,...)..., NHCSXH đã chủ động các biện pháp hỗ trợ khách hàng. Tính đến cuối tháng 3/2020, NHCSXH đã gia hạn nợ cho 5.781 món vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 606 món với số tiền gốc hơn 14,4 tỷ đồng. Cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh 1.757 món vay với số tiền trên 51,6 tỷ đồng.

NHCSXH đã chủ động báo cáo Hội đồng quản trị NHCSXH trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 01/4/2020 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

 

NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn với lãi suất 0%, để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động, với dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 3 triệu người.

 

Theo Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng, bên cạnh việc thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH dự kiến tiếp tục cho gia hạn nợ đối với các khách hàng có nợ đến hạn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch từ tháng 3 đến hết tháng 6.

Cần sự chung tay của chính quyền địa phương

Những hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN và NHCSXH là rất cần thiết trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, việc phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, xử lý rủi ro khoanh nợ, xóa nợ dẫn đến nguồn vốn thu hồi để cho vay quay vòng theo kế hoạch trong năm bị thu hẹp.

Phó tổng giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết: Theo kế hoạch năm 2020, dự kiến đơn vị thu nợ khoảng 712 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ dự kiến thu được khoảng 300 tỷ đồng, nợ chưa thể thu hồi là 412 tỷ đồng. Trong khi đó, rà soát của NHCSXH TP. Hà Nội cùng chính quyền địa phương cho thấy, nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 là chăn nuôi, buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, y tế, vận tải với dư nợ 2.384 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ của chi nhánh. Chỉ riêng đối tượng cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên tới 30.400 khách hàng với dư nợ 1.168 tỷ đồng. Trong số này có 25.000 khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh với dự kiến mức cho vay 40 triệu đồng/hộ. Như vậy, nhu cầu vốn vay cần bổ sung là 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 3/2020, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển 760 tỷ đồng ngân sách địa phương qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách của thành phố cũng như những người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Dự kiến nguồn vốn này sẽ được giải ngân cho 48.016 hộ có nhu cầu vay bổ sung và vay mới đến hết tháng 5/2020. Giám đốc NHCSXH TP Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên cho biết, chi nhánh sẽ tiếp tục đề nghị thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm sau khi đơn vị giải ngân hết để hỗ trợ kịp thời cho người lao động và đối tượng chính sách.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức cho biết, trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh cùng các huyện, thị, thành phố đã trích vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh Bình Dương và Phòng Giao dịch cấp huyện phục vụ trên địa bàn với tổng số tiền là 170 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, nâng nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 1.514 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn quốc.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khẳng định: NHCSXH sẽ nhanh chóng triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chung cũng như những hỗ trợ riêng có của Chính phủ và các địa phương. Bên cạnh đó, NHCSXH sẽ tư vấn các bộ, ban ngành cùng các địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tạo thành khối sức mạnh đoàn kết tương trợ trong cả hệ thống chính trị, xã hội, giúp người nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước..


Tính đến ngày 30/3/2020, NHCSXH đang quản lý hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 211.006 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 4.201 tỷ đồng), số khách hàng còn dư nợ là trên 6,5 triệu khách hàng.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top