Theo báo cáo của NHCSXH, nhờ đồng vốn tín dụng Chương trình giải quyết việc làm (GQVL), nhiều gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.
Bà Chu Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn - NHCSXH trả lời độc giả.
Kết quả đáng khích lệ
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong những năm qua, hàng triệu lao động đã có việc làm, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã phát triển kinh tế hiệu quả, hàng nghìn mô hình sản xuất kinh doanh đã thành “những điểm sáng” từ đồng vốn trong chương trình cho vay GQVL của NHCSXH, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Riêng trong năm 2015, NHCSXH đã giải ngân cho vay GQVL đạt trên 3.000 tỉ đồng với gần 1.500 lượt khách hàng vay vốn, thu hút và tạo việc làm cho trên 173.000 lao động. Cùng với đó, doanh số thu nợ đạt gần 3.500 tỉ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,74% trên tổng dư nợ, cho thấy chất lượng chương trình đạt kết quả tốt.
Tính đến hết tháng 3/2016 tổng nguồn vốn cho chương trình GQVL đạt 6.858 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.261 tỉ đồng, Quỹ việc làm của địa phương 2.597 tỉ đồng), đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Theo đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương, thời gian qua, cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo chương trình quốc gia về GQVL có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần GQVL cho nhiều người lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất.
Anh Nguyễn Tuấn (Ninh Bình) cho biết, gia đình anh là hộ nghèo, còn nợ vốn vay sản xuất và vốn vay học sinh sinh viên. Anh dự định đào ao nuôi cá nhưng thiếu tiền, anh băn khoăn không biết có thể vay vốn từ chương trình này hay không.
Giải đáp băn khoăn của anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Tú, Phó giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách (NHCSXH) cho biết, Nghị định 61 mở rộng đối tượng vay vốn. Vì vậy, gia đình anh Tuấn được vay tối đa là 50 triệu đồng và không phải thế chấp tài sản.
Các khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông thôn (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), điểm mới nhất của Nghị định 61 là hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, học sinh các trường trung học phổ thông; thanh niên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp đại học, trung tâm đào tạo nghề.
“Học sinh, sinh viên có thể vay vốn từ chương trình này để khởi sự doanh nghiệp từ quy mô nhỏ. Nghị định giúp thanh niên có “cái gậy” để vay vốn ngân hàng. Khi lập xong dự án, thanh niên chuyển đến Đoàn cơ sở xác nhận, phê duyệt thì sẽ được NHCSXH cho vay”, ông Khánh cho biết.
Về việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường hiện nay đang gặp một số khó khăn, ông Khánh cho hay:
Thứ nhất, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ giai đoạn còn học phổ thông nhằm phân loại, định hướng cho thanh niên, đánh giá đúng sức mình để định hướng nghề nghiệp.
Thứ hai, chúng tôi đang tham gia tích cực vào đề án Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ.
Thứ ba, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận thị trường lao động qua các ngày hội việc làm.
Thứ tư, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp với nhiều hình thức đào tạo, hỗ trợ về các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn xây dựng các dự án, bảo lãnh tín chấp để vay vốn khởi nghiệp.
Thứ năm, chúng tôi đang xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp.
Gửi câu hỏi đến cuộc tọa đàm trực tuyến về chương trình tín dụng giải quyết việc làm do NHCSXH phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức, chị Nguyễn Lan (Hà Nam) cho biết, chị là người khuyết tật và thuộc hộ nghèo, mong muốn vay tiền để chăn nuôi thì được vay bao nhiêu? Theo đại diện NHCSXH, chị Lan vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất 3,3%, thời hạn tối đa 5 năm.
Đại diện NHCSXH cho biết, từ khi triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP đến hết ngày 30/4/2016, NHCSXH giải ngân được 1.925 tỷ đồng, với 76.801 khách hàng được vay vốn.
Lãi suất ưu đãi
Ông Nguyễn Văn Tú cho biết, mức vay tối đa với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 1 tỷ đồng (không quá 50 triệu đồng/người lao động được tạo việc làm); với cá nhân là 50 triệu đồng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Hiện, lãi suất cho vay là 6,6%/năm.
Riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Hiện, lãi suất cho vay đối với đối tượng này là 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Theo đại diện NHCSXH, thủ tục vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm, cơ sở sản xuất kinh doanh cần có: xác nhận của UBND xã nơi thực hiện dự án; bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh; bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng được ưu tiên vay vốn ưu đãi (như bản sao quyết định sử dụng 30% lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số). Hồ sơ cho cá nhân vay vốn gồm: giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND xã về việc cư trú hợp pháp; bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên như chứng minh thư nhân dân; giấy xác nhận khuyết tật do UNBD xã, phường, thị trấn ký.
Trả lời câu hỏi của độc giả Lê Trân về mức vay đã được tăng lên theo Nghị định 61, phía ngân hàng đã có những chuẩn bị như thế nào để đáp ứng đủ nguồn vốn thực hiện chương trình?, bà Chu Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn NHCSXH nhấn mạnh:
Ngày 9/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, Điều 33 của Nghị định này quy định: “Hàng năm, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH thông báo kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm cho các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình và NHCSXH để xây dựng kế hoạch thực hiện”; Khoản 2, Điều 34, Nghị định 61 cũng quy định: “Trường hợp NHCSXH huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thì được cấp bù chênh lệch lãi suất”.
Tại Quyết định số 2525/QĐ-TTg ngày 31/12/2015, Thủ tướng giao tăng trưởng dư nợ tín dụng cho NHCSXH năm 2016 ở mức 8% so với thực hiện năm 2015 (tương đương khoảng 10.250 tỉ đồng). Với mức tăng trưởng dư nợ tín dụng này, trước hết NHCSXH sẽ cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, sau đó mới cân đối nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Mặc dù nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm rất lớn và đặc biệt, khi mức vay đã được nâng lên, tuy nhiên việc cân đối nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm hiện nay còn rất hạn chế. Đến 30/4/2016, nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm được ngân sách nhà nước cấp và đang được quản lý, theo dõi tại NHCSXH là 4.433 tỉ đồng. Năm 2016, ngân sách nhà nước không cân đối bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm, do vậy NHCSXH thực hiện cân đối một phần nguồn vốn từ kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng giao để cho vay giải quyết việc làm, nhưng chủ yếu vẫn là tích cực thu hồi nợ đến hạn của chương trình để thực hiện cho vay quay vòng là chính.
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng giao, NHCSXH thực hiện các giải pháp huy động từ các nguồn vốn sau: Thứ nhất, tiếp nhận nguồn tiền gửi 2% của các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; thứ hai, phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh; thứ ba, huy động tiền gửi từ các tổ chức cá nhân trên thị trường…
Như vậy, ngoài việc ngân sách nhà nước bổ sung kế hoạch vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định, hàng năm NHCSXH sẽ thực hiện cân đối một phần nguồn vốn từ chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng giao và tập trung thu hồi nợ đến hạn để tạo lập nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng theo quy định của chương trình.
P.V