Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên 1.000 ngôi nhà của người dân đã bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi, khoảng 300 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Hơn 4.000ha lúa, hoa màu bị ngập hoàn toàn. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở thiệt hại nghiêm trọng...
Huyện Đà Bắc và Tân Lạc là nơi chịu thiệt hại lớn nhất về người, tài sản và hoa màu, với 14 người chết, 13 người mất tích 7 người bị thương do sạt lở đất và lũ cuốn. Tại huyện Đà Bắc, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước; 40 ngôi nhà bị sập đổ do sạt lở đất, 5 nhà dân phải di dời khẩn cấp; hơn 100 con trâu, bò bị lũ cuôi trôi. Lũ tại các ngầm qua suối dâng cao, tuyến tỉnh lộ 433 (đi các xã vùng cao như Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Đồng Nghê, Suối Nánh của huyện Đà Bắc) bị sạt lở, cô lập hoàn toàn. Hiện tại còn khoảng 11 người dân xã Suối Nánh bị mất liên lạc. Hồ Cháu Mè, hồ Thang, xã Tu Lý nước tràn qua đường tràn, thân đập nứt, nguy cơ mất an toàn cao. Huyện Tân Lạc có 4 nhà dân bị vùi lấp hoàn toàn.
Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lũ đã làm ngập úng và sạt lở 18 nhà dân; 40 hộ dân phải di dời; thiệt hại gần 100ha lúa, hoa màu; 300 con gia súc, gia cầm và hơn 10 lồng cá bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng và ách tắc. Huyện Lạc Sơn có 81 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 49 hộ phải di rời; hơn 8.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng; các tuyến đường bị sạt lở, ôtô không qua lại được, các hồ đập đều đã chảy tràn, làm xói lở và hư hỏng. Huyện Kim Bôi, nguy cơ vỡ các đập là rất cao, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng, giao thông ách tắc.
Tại thành phố Hòa Bình, 1 nhà dân ở xã Trung Minh bị đổ, sạt lở đất vào nhà dân tại khu vực tổ 4, phường Thái Bình. Tại huyện Lạc Thủy, một số xã (Yên Bồng, Khoan Dụ) bị cô lập không tiếp cận được bằng đường bộ; các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn, Lương Sơn, tình trạng ngập lụt xảy ra cục bộ, nước lũ tại các khu vực sông, suối chảy xiết, dâng cao gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và các công trình thủy lợi.
Giao thông các tuyến trong tỉnh bị cản trở, sạt lở taluy dương tắc đường gây khó khăn cho việc lưu thông, đi lại. Cụ thể với các tuyến do Sở Giao thông vận tải quản lý, bao gồm các tuyến đường do Trung ương ủy thác quản lý, đường tỉnh bị ngập nước liên tục trong nhiều giờ, có nơi ngập cao hàng mét. Lượng đất đá tràn ra mặt đường với khối lượng lớn. Cảnh báo người và phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến đường ngập tuyệt đối không vượt lũ để đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản.
Tối 11/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp khẩn cấp chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó với đợt mưa lũ lịch sử. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất do mưa lớn; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các ngầm tràn, vị trí có khả năng tiềm ẩn gây tai nạn trong mưa lũ; huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa và hoa màu; các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả. Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du…
Cũng trong ngày 11/10, phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Hòa Bình đã thông báo tới tất cả các trường học trên địa bàn thành phố cho học sinh nghỉ học 2 ngày (11, 12/10) do thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình cho biết, 8 giờ sáng 11/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hòa Bình thông báo, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ nên nguy cơ nước ngập các trường là rất cao. Do vậy, phòng Giáo dục đã thông báo tới các trường cho các cháu nghỉ học. Khi nào tình hình mưa lũ ổn định thì sẽ thông báo phụ huynh cho các cháu đến trường học trở lại. ./.