Mặc dù báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y khoa Hoa Kỳ đã kết luận: không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nguy cơ gây hại đến sức khoẻ con người của thực phẩm biến đổi gen nhưng một điều luật mới được thông qua vào tháng 7/2016 tại nước này vẫn yêu cầu các nhà sản xuất phải thông báo với người tiêu dùng về các thành phần biến đổi gen trong thực phẩm của mình.
Công nghệ biến đổi gen (BĐG) cho phép người nông dân gieo trồng những giống cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, qua đó hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu. Mặc dù vậy, rất nhiều người trong chúng ta lại vẫn bị tiêm nhiễm rằng sinh vật biến đổi gen (GMO) là thứ gì đó không tốt đẹp và đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm.
Nhà sản xuất phải thông báo với người tiêu dùng về các thành phần biến đổi gen.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y khoa Hoa Kỳ, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nguy cơ gây hại đến sức khoẻ con người của thực phẩm biến đổi gen. Trên thực tế, thực phẩm biến đổi gen là một trong những loại thực phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng nhất trên thị trường. Trung bình, để mỗi mẫu hạt giống biến đổi gen qua được khâu phê duyệt thì phải mất tầm 13 năm và 136 triệu USD. Chính vì vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi đến nay mới chỉ có 10 loại cây trồng được cho phép ứng dụng kỹ thuật di truyền, bao gồm: cỏ linh lăng, cải dầu, đu đủ cầu vồng, đậu tương, ngô (cả ngô sử dụng là thức ăn chăn nuôi và ngô ngọt), bông, bí đao, khoai tây và táo.
Thực tế, người nông dân đã cố gắng thay đổi gen di truyền của cây trồng từ hơn 10.000 năm nay. Tất cả loại trái cây, rau củ và ngũ cốc có mặt trên thị trường ngày nay đều đã có bàn tay can thiệp của con người vào bộ gen của chúng. Kỹ thuật lai tạo giống cây trồng đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước, khi người nông dân thực hiện phương pháp lai tạo để cho ra những thành phẩm ngon miệng và có sức kháng bệnh tốt hơn. Và vào thập niên 20 của thế kỷ trước, người nông dân bắt đầu sử dụng các phương thức hoá học và phóng xạ để biến đổi hạt giống và cho ra những cây trồng như họ mong muốn. Cả hai phương pháp này sẽ biến đổi tới khoảng 300.000 mẫu gen thực vật.
Với kỹ thuật di truyền hiện đại (hay còn gọi là công nghệ biến đổi gen – công nghệ sinh học), các nhà khoa học chỉ cần lựa chọn và biến đổi từ 1-3 mẫu gen cần thiết để gieo trồng một giống cây với các đặc điểm, tính trạng tốt nhất. Kết quả cuối cùng: ngô kháng được nhiều loài côn trùng, đu đủ kháng được bệnh dịch và đậu nành có thể chống chịu được hạn hán. Bên cạnh đó, kỹ thuật di truyền không chỉ giới hạn để tạo ra giống cây trồng - thực phẩm. Insulin vốn trước đây được tạo ra từ tử thi người hay tuyến tuỵ của lợn, thì giờ với công nghệ di truyền giờ chúng ta đã có những loại insulin với chất lượng cao hơn.
Kỹ thuật di truyền chủ yếu tập trung vào việc giảm lượng thuốc trừ sâu phun lên cây trong suốt quá trình canh tác và chống chịu thuốc trừ cỏ, từ đó cải thiện sản lượng thu hoạch cho người nông dân. Những biến đổi gen nhờ kỹ thuật di truyền không gây ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng của cây trồng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh thực phẩm biến đổi gen có hàm lượng dinh dưỡng giống với những phiên bản truyền thống của chúng.
Kỹ thuật di truyền thực sự đang mang lại nhiều điều tốt cho hành tinh này hơn là sử dụng các phương pháp canh tác thông thường. Chẳng hạn, khi cây trồng biến đổi gen có khả năng kháng sâu bệnh, người nông dân không cần phải sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu. Tương tự, các loại giống cây được thiết kế để thích ứng tốt hơn với các thay đổi của môi trường (như hạn hán, bệnh dịch và nấm mốc) và vì thế giảm bớt nhu cầu phải phá rừng trồng nông nghiệp.
Mặc dù báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y khoa Hoa Kỳ đã kết luận: không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nguy cơ gây hại đến sức khoẻ con người của thực phẩm biến đổi gen nhưng các cơ quản quản lý chính sách vẫn tiếp tục đánh giá các loại giống và thành phần biến đổi gen. Tại Hoa Kỳ, đang có 3 đơn vị đang giữ vai trò kiểm định và đảm bảo những giống cây trồng khi được sử dụng làm ra thực phẩm có mặt trên thị trường là an toàn để sử dụng, gồm: EPA (đánh giá các loại cây trồng biến đổi gen an toàn với môi trường), USDA (xem xét và đánh giá loại cây trồng nào an toàn để canh tác) và FDA (đánh giá loại giống cây nào an toàn để sử dụng làm thực phẩm).
Một điều luật mới được thông qua tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2016 cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải thông báo với người tiêu dùng về các thành phần biến đổi gen để có thể giúp những ai vẫn còn lo lắng về biến đổi gen hoặc đơn giản muốn biết về các thành phần biến đổi gen cụ thể trong thực phẩm của mình. Dự luật yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng 1 trong 3 phương thức để thông báo với khách hàng khi có thành phần biến đổi gen trong các sản phẩm: Có thể in thông tin trên bao bì, chỉ dẫn ở website hoặc số điện thoại; hoặc mã QR. Dự luật này sẽ có hiệu lực vào năm 2018.
Khánh Nguyên
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…