Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016 | 2:21

Hơn 1,4 triệu lượt hộ nghèo Hà Nội được vay vốn từ NHCSXH

Tháng 10/2016 đánh dấu kỷ niệm 62 năm giải phóng Thủ đô, cũng là thời gian NHCSXH TP. Hà Nội kỷ niệm 14 năm thành lập. Trong hành trình ấy, NHCSXH đã từng bước khẳng định vị trí trụ cột trong công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô.

Nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ ở làng gốm cổ Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Chúng tôi về xã Kim An (huyện Thanh Oai) đúng vào ngày giao dịch hằng tháng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Việc tổ chức giải ngân vốn vay ngay tại xã đã giúp các hộ vay vốn giảm nhiều thời gian và chi phí đi lại. Thủ tục vay vốn đơn giản và nhanh chóng hơn.

Chị Trần Thị Tạ, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ đồng thời là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hoạch An, hồ hởi khoe, tổ của chị hiện có 42 hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện tham gia sinh hoạt đều đặn với tổng dư nợ đạt trên 700 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều thành viên trong tổ có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chăm lo việc học hành cho con em, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Thượng (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức), từ hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhờ nguồn vốn của NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi khá giả. Năm 2013, được vay 25 triệu đồng của NHCSXH cùng với số tiền dành dụm của gia đình, vợ chồng chị Duyên đã cải tạo 1.500m2 mặt nước làm ao thả cá giống và nuôi bò sinh sản, gà thịt. Công việc nuôi cá, chăm sóc đàn gà, bò sinh sản thuận lợi, gia đình chị tiếp tục tăng đàn, mở rộng hệ thống chuồng trại, ao nuôi. Chị Duyên xúc động nói: “Nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức, chắc chắn cuối năm nay gia đình tôi sẽ thoát nghèo, sớm hoàn trả nợ cho ngân hàng”.

Trải qua 14 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội đã tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể các cấp chỉ đạo thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch lưu động cấp xã.  NHCSXH thường xuyên rà soát, phân tích rõ nguyên nhân nợ quá hạn để có các giải pháp xử lý triệt để, đồng thời triển khai hoàn thiện hồ sơ xử lý rủi ro kịp thời trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, chất lượng tín dụng của toàn chi nhánh tiếp tục được cải thiện, nợ quá hạn giảm, hoạt động của Tổ TK&VV, tổ giao dịch lưu động tại xã, phường, thị trấn tiếp tục được củng cố, nâng cao.

Tính đến cuối tháng 9/2016, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt hơn 5.523 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư từ địa phương là 1.422 tỷ đồng. Do đó, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc huy động nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư từ địa phương để tạo lập nguồn vốn tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả đóng góp quan trọng của NHCSXH trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội đã có tác động tích cực, cải thiện rõ rệt đời sống của người dân Thủ đô, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách. Thành ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để NHCSXH hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiếp tục cân đối ngân sách để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố có vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tham gia tích cực vào thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top