Năm 2015, niềm vui lại đến với ngành y tế khi lần đầu tiên vaccine của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thế giới và có sự đóng góp của các chú khỉ.
Để có được những liều vaccine ấy, là sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của rất nhiều các nhà khoa học, nhiều công đoạn, trong đó có phần đóng góp không thể thiếu của… những chú khỉ.
Đầu vào là những chú khỉ “sạch”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳ, nguyên PGĐ Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (viết tắt là POLYVAC) chia sẻ: Để ra được những liều vaccinephục vụ cho tiêm chủng mở rộng (TCMR) chỉ có tế bào thận của loài khỉ vàng - giống khỉ vàng có tên khoa học là Maccaca Mullata nuôi trên đảo Rều (vịnh Bái Tử Long, Cẩm Phả, Quảng Ninh) mới đạt tiêu chuẩn “sạch” theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
|
Trưởng đảo Rều -ông Vũ Công Long đang cho khỉ uống vaccine |
Phải nhiều cuộc hẹn, tôi mới có dịp trò chuyện với những con người hằng ngày trực tiếp làm những công việc lặng lẽ trong dây chuyền sản xuất vaccinecủa Polyvac, bởi các anh chị đang bận rộn cho đợt thử nghiệm lâm sàng mũi hai vaccineBại liệt bất hoạt (IPOVAC) cho trẻ em.
Kéo ghế rót nước mời khách, cử nhân Trần Bích Hạnh - phụ trách Phòng kiểm định chất lượng, vội khoe những công đoạn phối kết hợp giữa 4 nhà sản xuất vaccinetrong nước (trong đó có POLYVAC) được giao sản xuất vaccine bại liệt bất hoạt - nhất là giai đoạn thử nghiệm sắp kết thúc. “Chúng tôi đang thử nghiệm lâm sàng cho trẻ nhỏ của 10 xã, huyện Thanh Sơn - Phú Thọ. Sau khi kết thúc việc thử nghiệm vaccinetrên trẻ, thống kê được số liệu, Polyvac tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine Bại liệt bất hoạt, dự kiến đến 2017 sẽ có vaccine6 trong 1 dùng cho thử nghiệm lâm sàng và đến năm 2020 sẽ có vaccine6 trong 1 phục vụ chương trình TCMR”.
|
Những chú khỉ trên đảo Rều |
Chỉ nghe chị Bích Hạnh nói về tiêu chuẩn khỉ “sạch” chúng tôi đã chóng cả mặt. Khỉ phải đảm bảo “5 không” trước khi đưa về đất liền (POLYVAC) lấy thận: không virus bại liệt, virus tạo tuyến nước bọt, virus SV40, không có kháng thể lao, virus gây suy giảm miễn dịch (SIV). Nếu nhiễm 1 trong 5 loại virus này khỉ sẽ không được sử dụng trong sản xuất vaccine mà chỉ sử dụng cho các mục đích khác. Các con khỉ cũng phải đạt tiêu chuẩn về độ tuổi, cân nặng, giới tính… Trước thử nghiệm khỉ phải được cách ly từ 3-4 tuần sau đó lấy máu để sàng lọc những khỉ không vị nhiễm 1 trong các tiêu chuẩn khỉ sạch của WHO, với rất nhiều công đoạn hết sức nghiêm ngặt như: đánh dấu, ghi chép, dinh dưỡng, sức khỏe…
Nỗi niềm trong từng công đoạn
Mỗi lần bắt nhốt khỉ để đưa về làm thí nghiệm là một lần “đánh vật” của các công nhân đảo Rều. Các anh chị ngoài việc đối phó với sự ranh mãnh, những chiêu trò phòng “sập bẫy” khi lũ khỉ biết mình sắp phải “thí” mạng, nó còn là nỗi “day dứt” ám ảnh trong họ.
Bác sĩ thú y Vũ Công Long, Trưởng đảo Rều - người được mệnh danh là “chúa đảo” với thâm niên lâu năm nhất khi có hơn 30 năm làm việc ở đây chia sẻ: “Bọn tôi chăm nuôi và coi bầy khỉ như những thành viên trong gia đình nên chúng thân thiện và tình cảm. Mặc dù không nói được, nhưng mỗi khi biết mình bị nhốt hay làm vật thí nghiệm, chúng khóc lóc, buồn rầu, sợ sệt, có lúc nhìn chằm chằm như cầu khẩn… Thương lắm! Nhưng tất cả vì nhiệm vụ mà cả người và khỉ đều phải chấp hành”. Rồi anh nói: “Ngày nay, khi có công nghệ hiện đại, để có được 10 triệu liều vaccinethành phẩm, phải “hy sinh” khoảng 70 chú khỉ, chứ trước kia, số khỉ phải “tốn” cả gần chục lần so với bây giờ”.
|
Tập thể cán bộ và bác sĩ thú y của POLYVAC và đảo Rều |
Cử nhân Lê Trung Dũng, nhân viên Phòng Kiểm dịch chất lượng cho biết, sau khi chọn được khỉ đạt tiêu chuẩn “5 không”, anh em phải dậy từ 3 giờ sáng để đưa khỉ từ đảo Rều về Polyvac cho kịp 7 giờ sáng để tiến hành các khâu sát khuẩn, đưa vào phòng vô trùng để lấy tế bào thận… đúng quy trình sản xuất. “Khâu này thật “khó” với chúng tôi! Dường như đến công đoạn này, những chú khỉ biết mình sắp chết nên có nhiều hành động khiến mình day dứt. Có con còn chắp tay quỳ lạy, nước mắt ràn rụa như van xin chúng tôi… Nhưng biết làm sao được!” - anh tâm sự. Rồi đến những công đoạn tách tế bào, nuôi cấy tế bào, gây nhiễm, gặt, hộn, lọc và bảo quản vaccine bán thành phẩm…
Bác sĩ Vũ Công Long cho biết: “Ngoài việc sử dụng khỉ để sản xuất vaccine, POLYVAC còn sử dụng khỉ dùng nghiên cứu các vaccinemới như: tạo chủng VX cúm H1N1, chủng VX tay chân miệng, vaccine sốt xuất huyết (hợp tác với Cuba), các đề tài dự án hợp tác với nước ngoài. Để ra đời một vaccine mới, thử nghiệm về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine và một thử nghiệm không thể thiếu trước khi vaccine được dùng cho người. Mỗi lần cho khỉ uống vaccine, nhỏ được vaccinevào miệng bắt chúng nuốt là cả một nghệ thuật. Bởi chúng chỉ giả vờ nuốt, khi mình quay đi chúng nhè ra nhanh lắm! Khi ấy mình phải bóp nhẹ mũi cho nó nuốt rồi bỏ ra ngay không để khỉ sặc”.
Mong ước tái tạo đàn
Chị Trần Bích Hạnh nói với chúng tôi: “Mỗi tháng anh em POLYVAC chúng tôi chỉ ra đảo vài lần, thế mà khi về thường bị trọc ghẹo là “sắp giống khỉ”. Còn những công nhân trên đảo phải đưa cả con cái ra sinh sống quanh năm ở một nơi tách biệt hoàn toàn với đất liền. Đến tuổi đi học, các anh chị phải gửi con cho người thân để đảm bảo việc học hành của các cháu. Thật mừng, các cháu đều ngoan và học hành đỗ đạt”.
Nghe chúng tôi trò chuyện, những con khỉ cứ hếch mũi ngó nghiêng, “hóng hớt”, anh Long cười tếu: “Lúc có khách sao thấy lũ khỉ ngoan và đáng yêu là vậy, nhưng mỗi lần chúng lục lọi, quậy phá tìm đồ ăn, thậm chí còn “bĩnh” tung tóe khắp nhà chúng tôi cũng phải chịu, bởi đấy là “vương quốc” của chúng mà”. Xuân Bính Thìn sắp về, không biết chúng có hiểu năm nay là cái Tết con khỉ khi anh em đang bàn chuyện gói bánh chưng và chuẩn bị thức ăn cho lũ khỉ những ngày xuân mới… Những câu chuyện tưởng như tào lao ấy đã để lại trong tôi rất nhiều nỗi niềm. Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia nước ngoài đến đây đều ngạc nhiên khi Việt Nam bảo tồn được đàn khỉ tốt, mượt mà, rất tiềm năng cho y học và sự nghiệp cứu người…Giờ, Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vaccine, anh em POLYVAC và trên đảo Rều đều chung một mong ước có điện lưới, không những phục vụ tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, nghiên cứu khoa học… mà còn tái tạo được đàn khỉ ngày càng nhiều.
Mỗi lần đến đảo Rều, “chúa đảo” Vũ Công Long luôn chỉ cho mọi người đọc dòng chữ trên tấm “bia đá”: “Đảo Khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vaccine”.
Đó là nơi mà mỗi người lên đảo khỉ sẽ đứng lặng cúi đầu tri ân hàng vạn con khỉ đã hy sinh cho sự nghiệp cứu người cao cả./.
KTNT