Nhiều lăng phi tần vua Nguyễn ở đất Huế ngay cả con cháu cũng không nắm được vị trí, lai lịch, dẫn đến thất lạc và xuống cấp.
>> Lăng vợ vua triều Nguyễn bị ủi làm bãi đỗ xe: Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau việc lăng mộ tài nhân Lê thị thụy Thục Thuận, vợ vua Tự Đức, bị san ủi, rất nhiều người Huế (Thừa Thiên Huế) đặt vấn đề còn bao nhiêu mộ vợ vua đang nằm ẩn khuất đâu đó có thể rơi vào tình cảnh tương tự, bởi rất nhiều lý do.
Số lăng mộ vợ vua triều Nguyễn quá lớn
Triều Nguyễn tồn tại 143 năm với 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long cho đến Bảo Đại. Hầu hết vua rất nhiều vợ, như vua Tự Đức theo ghi chép trong gia phả có đến 103 vợ, vua Minh Mạng không rõ bao nhiêu vợ nhưng tới 142 người con (78 hoàng tử, 64 công chúa). Theo quy định của nội cung triều Nguyễn, vợ vua được chia thành 9 bậc, từ hàng nhất giai cho đến cửu giai, được gọi lần lượt là học phi, cung tần, tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân và tài nhân.
Gia phả dòng Nguyễn Phước Tộc nêu rõ, các vua triều Nguyễn có hàng nghìn bà vợ, tương đương có hàng nghìn lăng mộ tồn tại trên đất Huế. Nhưng chiến tranh kéo dài, nhiều mộ bị bom đạn tàn phá, hoặc không còn nguyên vẹn, hoặc mất dấu tích. Việc xác định số lượng, vị trí mộ vợ vua Nguyễn gặp rất nhiều khó khăn.
Lăng học phi Nguyễn Thị Hương, vợ vua Tự Đức, không còn nguyên vẹn. Ảnh: Võ Thạnh.
Ngoài lăng tẩm các bà hoàng hậu, phi tần trong khuôn viên lăng vua triều Nguyễn được UNESCO công nhận di tích, nhiều lăng tẩm phi tần cấp bậc thấp nằm rải rác trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện rất hoang tàn, ngay cả con cháu trong dòng tộc cũng không xác định được vị trí, lai lịch.
Mặc dù nằm gần lăng vua Tự Đức, nếu không sự việc lăng tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận bị san ủi làm bãi đỗ xe du lịch thì ít ai biết khu vực này còn có lăng học phi Nguyễn Thị Hương, một trong những bà vợ của vua Tự Đức. Nhìn bên ngoài, lăng học phi rất hoang phế, bức tường gạch không còn nguyên vẹn. Bao quanh lăng mộ học phi dày đặc mồ mả của người dân.
Lăng bà thục tần Nguyễn Thị Bửu, vợ vua Minh Mạng, nằm gần chùa Từ Hiếu thuộc phường Thủy Xuân (TP Huế) cũng ít được người đời biết đến. Bao quanh lăng mộ là hàng nghìn mồ mả của người dân. Lối vào khu này um tùm cây cỏ, không có biển chỉ dẫn. Lăng Thoại Thánh mẹ vua Gia Long nằm trong quần thể lăng Thiên Thọ (lăng vua Gia Long) cũng hoang phế, xuống cấp nặng.
Lăng mộ bà Nguyễn Thị Bửu không có bảng chỉ dẫn đường vào. Ảnh: Võ Thạnh.
Lực bất tòng tâm trong việc quản lý, tu bổ
Ông Vĩnh Dũng, Ban nghiên cứu Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc thừa nhận, số lượng lăng mộ vợ vua Nguyễn, chưa kể đến mộ công chúa, hoàng tử quá lớn, sức lực của Hội đồng trị sự có hạn nên không thể quản lý hết. Trước mắt, Hội đồng chỉ quản lý trục chính là lăng chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Hiện Nguyễn Phước Tộc có 15 hệ, 150 phòng, lăng mộ của các hoàng tử, công chúa và phi tần vua Nguyễn xưa thuộc hệ nào, phòng nào thì con cháu hệ, phòng đó quản lý.
Theo ông Dũng, đến nay nhiều lăng mộ phi tần vua Nguyễn có ghi trong gia phả, nhưng vẫn chưa xác định được vị trí. Nhiều lăng mộ chúa Nguyễn, phi tần của vua hoang tàn, nhưng kinh phí Hội đồng trị Nguyễn Phước Tộc có hạn, việc tu bổ chờ Nhà nước là chủ yếu. "Hàng năm, con cháu trong dòng tộc các hệ, các phòng chỉ lo hương khói, cắt cỏ, chặt cây để những ngôi lăng này không bị hoang hóa", ông Dũng trần tình.
Lăng Vạn Vạn nơi an nghỉ của bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu vợ vua Đồng Khánh. Ảnh: Võ Thạnh.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, theo phân cấp quản lý, Trung tâm được giao quản lý lăng tẩm các chúa Nguyễn, vua Nguyễn gắn liền với khu vực di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những năm qua, Trung tâm cũng đã nỗ lực bảo vệ, trùng tu các lăng tẩm của vua, chúa Nguyễn và một số lăng vợ vua.
Để khắc phục bất cập trong công tác quản lý lăng mộ, ông Hải thông tin sắp tới Trung tâm sẽ cùng một số nhà nghiên cứu và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc khảo sát, kiểm kê đánh giá toàn tộ số lăng mộ hoàng tộc, từ đó lập bản đồ số hóa và đề xuất lên tỉnh, Bộ Văn hóa giải pháp phân cấp quản lý, bảo tồn phù hợp.
Theo Võ Thạnh/VnExpress.net
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.