Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 10 năm 2018 | 9:37

Kịch bản tồi tệ nếu Saudi Arabia bị bao vây ngoại giao vì vụ Khashoggi

Đây có lẽ là lý do khiến Mỹ chưa hoặc không thể trừng phạt nặng Saudi Arabia vì vụ nhà báo Khashoggi bị giết.

 

Ngay từ khi nhà báo của Washington Post, ông Jamal Khashoggi, mất tích tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2/10, các đồng minh của Saudi Arabia đã “linh cảm” điều chẳng lành xảy ra. Và khi đó, Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Arabia, đã đe dọa sẽ “trừng phạt nặng” đối với Riyadh nếu ông Khasghoggi thực sự bị giết.

 

kich ban toi te neu saudi arabia bi bao vay ngoai giao vi vu khashoggi hinh 1
Hình ảnh các thành viên quyền lực của Hoàng gia Saudi Arabia trên 1 tòa nhà thương mại ở nước này. (Ảnh: Bloomberg)

 

Nay, khi tin ông Khashoggi bị giết ngay trong lãnh sự quán Saudi Arabia đã được chính Riyadh thừa nhận, Mỹ không thể rút lại tuyên bố đó. Nhưng Washington cũng khó có thể thẳng tay với đồng minh thân cận hàng đầu, đối tác thương mại, quan trọng bậc nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực mua bán quốc phòng, của Mỹ ở Trung Đông.

Vai trò không thể thay thế của Saudi Arabia

Dù có hay không có liên quan đến Thái tử Mahammed bin Salman, vụ nhà báo Khashoggi bị giết cũng đã đặt ông Trump vào tình huống vô cùng khó xử. Bởi Tổng thống Mỹ lâu nay coi mối quan hệ cá nhân của ông với Thái tử Mohammed là trụ cột trong chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, nơi chính quyền của ông muốn dùng sự ủng hộ của Saudi Arabia và Israel để kiềm chế ảnh hưởng của Iran.

“Ông Trump bị giằng xé” – ông Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ nghiên cứu chiến lược ở Paris, Pháp, bình luận. “Ông ấy nói thứ gì thì điều ngược lại xảy ra.”

“Báo Mỹ đã đưa tin ông Trump sẽ trừng phạt Saudi Arabia nên họ không muốn thoát khỏi chuyện này mà lại trông như một đứa trẻ vừa bị trách phạt” - Seth Frantzman, Giám đốc điều hành Trung tâm báo cáo và phân tích về Trung Đông có trụ sở tại Mỹ nhận định.

Ông nêu rõ: “Họ là một phần của liên minh Mỹ - Saudi Arabia - Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và chính quyền Mỹ hiện nay đang rất cứng rắn với Iran, vì thế, theo một cách nào đó, Mỹ bây giờ phải hàm ơn Saudi Arabia hơn những năm trước.”

Tổng thống Mỹ được cho là cũng khá ỷ lại vào Riyadh trong việc lấp đầy bất cứ khoảng trống nào về nguồn cung dầu lửa thế giới trong lúc ông chuẩn bị tái áp đặt đợt trừng phạt thứ hai đối với Iran vào tháng 11 tới, sau khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA). Saudi Arabia hiện là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới (khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, trong đó có 1 triệu thùng “dành riêng” cho Mỹ) và vẫn còn trữ lượng dầu khổng lồ với 260 tỷ thùng chưa khai thác.

“Đòn bẩy” dầu và vũ khí

Riyadh được cho là đang cân nhắc tới 30 biện pháp gây áp lực với Mỹ nếu bị trừng phạt vì vụ nhà báo Khashoggi.

Theo Tổng giám đốc Al Arabiya, kênh tin tức chính thức của Saudi Arabia, ông Turki Aldhakhil, các biện pháp này bao gồm việc cắt giảm sản lượng dầu để đẩu giá từ khoảng 80 USD/thùng hiện nay lên đến hơn 400USD/thùng, tức là hơn gấp đôi mức cao nhất mọi thời đại là 147,27 USD/thùng năm 2008.

Viễn cảnh đó tất nhiên là một “thảm họa” toàn cầu, không chỉ đối với những người sử dụng phương tiện giao thông như ô tô, xe máy mà sẽ đẩy giá thành của gần như tất cả các loại hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

Saudi Arabia còn là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ, và 61% trong số đó là từ Mỹ. Đây là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ năm ngoái với 2 hợp đồng có tổng giá trị 17,5 tỷ USD và “danh hiệu” đó có thể được giữ vững trong các năm tiếp theo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận quốc phòng trị giá tới 110 tỷ USD ở Riyadh năm ngoái.

Những hợp đồng “béo bở” đó đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động Mỹ ở các tập đoàn Lockheed Martin, Boeing, General Electric và ExxonMobil… Một vài công ty được cho là đã bày tỏ quan ngại với ông Trump về tác động của việc Mỹ “đóng băng” quan hệ với Saudi Arabia, chẳng hạn như việc Riyadh có thể đổi sang các nhà cung cấp vũ khí của Nga hay Trung Quốc.

Cũng trong chuyến thăm năm ngoái, ông Trump đã đạt được thỏa thuận kêu gọi Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia “rót” hàng chục tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ, nhưng đến nay quỹ này chưa có động thái nào nghiêm túc thì 2 nước bên bờ vực khủng hoảng ngoại giao vì vụ nhà báo Khashoggi.

Trong quá khứ, Saudi Arabia từng chứng tỏ vương quốc này không ngại dùng vị thế địa chính trị và kinh tế độc nhất của mình như một chiếc đòn bẩy để đạt được mục đích của họ.

Năm 2006, chính phủ của Thủ tướng Anh lúc đó là ông Tonny Blair đã buộc phải bỏ dở cuộc điều tra cáo buộc hối lộ có dính líu đến tập đoàn quốc phòng Anh BAE Systems ở Saudi Arabia. Ông Blair nói, Riyadh đã đe dọa ngừng mọi hợp tác về vấn đề tình báo và đẩy Anh vào nguy cơ dễ bị tấn công khủng bố hơn.

Saudi Arabia có gì để mất?

Trước hết, lưỡng đảng Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu ngăn chặn việc bán vũ khí cho Riyadh dù điều này có thể mang lại tổn thất cho Washington. Bước đầu, Đức đã ngừng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia trong khi chờ sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi.

Trong khi đó, Nhà Trắng của Tổng thống Trump không ít thì nhiều cũng sẽ chịu áp lực phải trừng phạt các cá nhân người Saudi Arabia được xác định là dính líu đến vụ giết hại Khashoggi.

Nhưng đối với Saudi Arabia, đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng dầu có lẽ sẽ chỉ là “hạ sách” sau cùng.

Bởi điều đó “sẽ hủy hoại hoàn toàn hình ảnh một nhà cung cấp đáng tin cậy” và vì thế sẽ làm suy yếu quyền lực của Thái tử kế vị Mohammed bin Salman – Nhà phân tích hàng đầu thuộc Trung tâm về Năng lượng toàn cầu của tổ chức Hội đồng Atlantic, ông Jean-Francois Seznec nhận định. Theo ông, nếu cuộc khủng hoảng hiện nay leo thang hơn nữa, Saudi Arabia có thể bị yêu cầu thanh toán mua bán dầu lửa bằng đồng tiền khác thay vì USD.

“Điều đó có thể làm toàn bộ nền kinh tế toàn cầu bất ổn và buộc Mỹ phải có các biện pháp quyết liệt” – ông Seznec dự báo về viễn cảnh khủng hoảng có thể dẫn tới sự thay đổi lãnh đạo ở Riyadh.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Kuwait, láng giềng của Saudi Arabia, ông Richard LeBaron cũng cho rằng, Riyadh “có rất nhiều cách để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt” nhưng “không biện pháp nào có thể giúp họ trong ngắn và dài hạn” bởi chúng đều hủy hoại hình ảnh của chính quyền và sức hấp dẫn của thị trường Saudi Arabia giữa lúc Hoàng gia lại đang muốn thu hút các nhà đầu tư ủng hộ Thái tử kế vị Mohammed bin Salman và chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng của ông./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top