Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 2 năm 2019 | 22:44

Kiểm soát chất thải nhựa gây ô nhiễm

Việt Nam được đánh giá là một trong 4 quốc gia trên thế giới có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều nhất. Các nguồn gây ô nhiễm chính liên quan chất thải nhựa trên biển chủ yếu là nguồn thải trên đất liền gắn với các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp.

Rác thải nhựa làm giảm năng suất đánh bắt thủy sản và du lịch

Số liệu thống kê cho thấy, hơn 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực Biển Đông như: Trung Quốc, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin… Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Các nguồn gây ô nhiễm chính liên quan chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).

Nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải biển, trong đó có chất thải nhựa trên biển, Việt Nam đã tích cực tham gia các diễn đàn đa phương và liên chính phủ về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải biển. Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015) quy định chi tiết về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới.

Tuy nhiên, chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Đáng chú ý, mặc dù có thể xác định được nguồn gốc chất thải nhựa trên biển, nhưng hiện nay, Việt Nam chưa có đánh giá về tổng lượng chất thải nhựa xuống biển mỗi năm và tổng lượng chất thải nhựa hiện có ở trên biển. Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong đánh giá thực trạng, kiểm soát, quản lý, và các tác hại gây ra của chất thải nhựa đối với kinh tế - xã hội - môi trường…

 

th1.jpg
Người dân TP Đà Nẵng thu gom rác ven biển. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

 

Viện trưởng Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Lê Tuấn cho rằng: Để giảm thiểu, khắc phục những tác động tiêu cực của chất thải nhựa trên biển, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá hiện trạng và tác động của ô nhiễm chất thải nhựa đến hệ sinh thái biển và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân thông qua sử dụng hải sản. Ngành tài nguyên và môi trường cần thiết lập hệ thống quan trắc, cơ sở thông tin, quản lý không gian về ô nhiễm và xu hướng di chuyển của chất thải nhựa trên biển. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát nguồn thải nhựa nhằm giảm tác hại thông qua các hành động và sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bộ, ngành, địa phương ven biển và tổ chức quốc tế dựa trên các yếu tố khoa học, cấp thiết và hiệu quả.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và triển khai những giải pháp giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý chất thải nhựa; có chế tài nghiêm khắc đối với cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại… Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe; đồng thời kêu gọi người dân sinh sống tại các khu vực ven biển, trên biển không xả thải chất thải nhựa ra môi trường biển tại khu vực sinh sống và làm việc…

Bỏ vật liệu nhựa, khỏi lo rác

Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Thành Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang), đề nghị kế hoạch hành động phải chia ra thành nhiều giai đoạn khác nhau và đặt trọng tâm từng mục tiêu để có kết quả khả quan trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Đặc biệt, việc tuyên truyền ý thức giảm sử dụng túi ni-lông của người dân là rất quan trọng.

Nhiều đại biểu đồng ý với ý kiến này, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền thông điệp nói không với túi ni-lông đến các hộ gia đình, doanh nghiệp (DN) làm du lịch. Ông Quản Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh vai trò của DN lớn trong việc dẫn dắt các DN nhỏ sử dụng hiệu quả các sản phẩm khác để giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, trong công tác điều hành du lịch phải quan tâm sâu sát đến việc bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Việt, đại diện khối DN, cũng cho rằng giảm thiểu rác thải nhựa trách nhiệm trước hết thuộc về các DN lớn; cần sử dụng vật liệu thay thế ni-lông như túi giấy, ống hút bằng tre...

Thật ra, vấn đề không sử dụng túi ni-lông không mới mà xã đảo Tân Hiệp (thường gọi là Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là địa phương đi đầu.

 

th2.jpg
Cù Lao Chàm sạch đẹp nhờ “Nói không với túi ni-lông”. Ảnh NLD.com.vn

 

Hơn 10 năm trước, Cù Lao Chàm cũng như những nơi khác, rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản, tràn ngập khắp nơi. Tháng 5-2009, UBND xã Tân Hiệp phát động chiến dịch "Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông" trên cơ sở huy động sự đồng thuận của người dân. Nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ giải pháp thay thế được triển khai bài bản nhằm kêu gọi người dân giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ni-lông một cách tự giác trên toàn xã đảo.

Dần dần, không sử dụng túi ni-lông đã trở thành thói quen của người dân và du khách ở Cù Lao Chàm. Người dân cũng nhận ra rằng môi trường xanh - sạch - đẹp thu hút du khách đến tham quan ngày càng nhiều, giúp họ cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến nay, Cù Lao Chàm hầu như đã vắng bóng túi ni-lông. Trên đà này, địa phương đang triển khai có hiệu quả chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa" và tiến tới những cái "không" khác nhằm làm cho môi trường nơi đây sạch đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết trong việc triển khai hoạt động nói không với túi ni-lông, chính quyền đóng vai trò quan trọng nhưng người dân lại là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại. Vì vậy, cần xây dựng được mối quan hệ đồng thuận giữa người dân và chính quyền để cùng phối hợp thực hiện. 

Báo động tình trạng sinh vật chết vì nuốt phải rác thải nhựa

Mới đây, Cục Ngư nghiệp bang Sabah, Malaysia công bố một số hình ảnh cho thấy, xác một con cá nhám voi bị đánh dạt lên bờ biển Tanjung Aru đã thể hiện rất rõ tác hại của túi nilon đối với sinh vật biển.

Theo đó, con cá nhám voi được tìm thấy đã chết đói sau khi nuốt phải một lượng lớn túi nilon. Đáng buồn hơn, đây chỉ phần nổi của tảng băng chìm khi nói tới việc động vật biển nuốt phải túi nhựa do con người thải ra.

Theo thống kê, có cả ngàn con rùa biển bỏ mạng mỗi năm sau khi mắc kẹt trong rác thải nhựa dưới đại dương. Các sinh vật biển cỡ lớn đang phải chịu đựng cảnh nuốt rác nhựa mỗi ngày, gây ảnh hưởng không thể lường trước.

Nghiên cứu đã làm sáng tỏ tình trạng ô nhiễm nhựa có nguy cơ làm suy giảm quần thể số rùa biển trên thế giới - loài vật thường nhầm lẫn rác thải trong đại dương là thức ăn.

Giải phẫu hơn 1.000 con rùa chết, các nhà nghiên cứu phát hiện hơn một nửa trong số đó là rùa sơ sinh và khoảng ¼ là rùa vị thành niên, có nguyên nhân chết là do nuốt phải nhựa.

Rùa con có khả năng bị chết nhiều gấp 4 lần do ăn phải chất thải nhựa so với rùa trưởng thành; vì chúng không chỉ có cơ thể yếu hơn, mà còn phải ăn ở vùng biển ngoài khơi. Những khu vực này có nhiều khả năng bị ô nhiễm bởi các vật dụng bằng nhựa cao hơn vùng gần bờ.

Năm 2018, thế giới từng chấn động với hình ảnh cá voi dạt vào bờ biển Thái Lan trong tình trạng yếu không thể dung nạp dinh dưỡng, dù các nhân viên của Cơ quan hàng hải và tài nguyên biển Thái Lan nỗ lực để trợ giúp cứu sống chú cá nhưng nó vẫn chết sau đó. Và rồi người ta phát hiện hơn 80 chiếc túi nylon, nặng khoảng 8kg được tìm thấy trong dạ dày của con cá voi.

Nhựa rất nguy hiểm đối với động vật hoang dã, vì hóa chất độc hại sẽ làm sinh vật nuốt chúng bị ngộ độc. Những đồ vật to cũng sẽ mắc kẹt trong cổ họng của động vật, hoặc làm hỏng dạ dày, chiếm vị trí trong dạ dày khiến chúng không thấy đói, lâu dần sẽ suy kiệt và chết.

Những rác thải mà con người ném ra biển như thìa dĩa, ống hút, bút, vỏ hộp, chai nhựa có thể gây hại tới 600 loài, và các chuyên gia cho biết vào năm 2050 sẽ có nhiều rác thải chất dẻo trên biển hơn cá.

 

th3.jpg
Rác thải nhựa bị lầm tưởng là thức ăn.

 

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Theo đó, Nồng độ các hạt nhựa nhỏ trong nước biển thường khá cao do ảnh hưởng của ô nhiễm. Kích thước của những hạt này khá nhỏ và điều này khiến các loài sinh vật phù du dễ dàng nhầm lẫn chúng với thực phẩm.

Trường hợp này cũng xảy ra tương tự với các loài hải sâm. Chúng kiếm ăn bằng cách bò quanh đại dương và xới trầm tích vào miệng để hấp thụ các chất ăn được. Tuy nhiên, một lượng lớn các hạt nhựa thải xuống biển lại đọng lại ở lớp trầm tích ấy.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, thậm chí còn có nhiều loài động vật chủ động tìm kiếm nhựa để ăn.

Các sinh vật biển, bao gồm hải âu mày đen, dựa vào khứu giác để săn mồi. Và bi kịch là ở chỗ, một vài loài chim và cá bị hấp dẫn bởi mùi của nhựa.

Về cơ bản, tảo thường phát triển trên các mảnh nhựa trên biển. Khi các loài giáp xác ăn những loại tảo này, chúng giải phóng ra DMS - một hợp chất của nhựa có khả năng thu hút các loài chim. Điều này khiến miếng nhựa trở nên hấp dẫn hơn cả con mồi yêu thích của chúng.

 

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top