"Mặt trái" của ngành hóa chất là gây ô nhiễm môi trường, vì vậy, cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn để giải quyết được vấn đề này.
Công nghiệp hóa chất – “tấm huân chương hai mặt”
Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành Hóa chất đóng góp ước tính 5,7 nghìn tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp, tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng là ngành đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TNMT – cho biết: “Ngành công nghiệp hóa chất có thể đã là ngành có nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và rủi ro môi trường, nhưng trên thực tế ngành hóa chất đã tạo ra các giải pháp công nghệ, các công cụ và vật liệu để giải quyết ô nhiễm cho chính mình và những nguồn ô nhiễm khác; và khi thực hiện kinh tế tuần hoàn thì vai trò của khoa học hóa học và ngành công nghiệp hóa chất là không thể phủ nhận”.
Ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam – cho rằng, hóa học và công nghiệp hóa chất chính là công cụ không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn. Hóa học và công nghiệp hóa chất đã và sẽ là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường và xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam”.
“Kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng để giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường” – ông Lê Quốc Khánh khẳng định.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (quặng apatit, than đá, dầu mỏ…) đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để.
Chính vì vậy, theo Bộ Công Thương, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ, cũng ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng các tổ hợp công nghiệp hóa chất, các khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu với nhiều doanh nghiệp hóa chất có liên quan để tạo thành chuỗi liên kết để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực hóa học và công nghiệp hóa chất, cần phải tiến hành đánh giá tổng thể 10 phân ngành của lĩnh vực hóa chất và qua đó xây dựng kế hoạch áp dụng kinh tế tuần hoàn, với ưu tiên từ các hoạt động thiết thực, dễ thực hiện, dễ tạo sự thay đổi.
“Áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị theo bốn khía cạnh chính: Tạo doanh thu, nâng cao thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro” – ông Patrick Haverman nói.
Phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần có chính sách quản lý chất thải nhựa
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Việc nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, thậm chí nghiên cứu xây dựng Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ) chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Mạnh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường cho biết: “Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới dần hoàn thiện thể chế về kinh tế tuần hoàn, như Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng được Kế hoạch hành động Tuần hoàn 2015 và Chiến lược nhựa 2018. Trong khi đó Việt Nam là quốc gia có diện tích đứng thứ 68 thế giới, dân số đứng thứ 15, nhưng đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Nên nhu cầu thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết do tài nguyên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là do chất thải của con người gây ra”.
Theo các chuyên gia môi trường, trong khi chất thải rắn thông thường, chất thải nhựa mang trong mình giá trị kinh tế, xã hội và môi trường to lớn thì hàng ngày hàng giờ bị con người bỏ đi vô cùng lãng phí. Do vậy, việc quan niệm chất thải rắn thông thường, chất thải nhựa là một loại tài nguyên và đổi mới việc xây dựng thực hiện pháp luật về quản lý chất thải nhựa theo hướng này trong thời gian tới ở Việt Nam là đặc biệt cần thiết để sử dụng hợp lý tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp môi trường, giữ gìn, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Pháp luật hiện hành quy định rõ chất thải rắn thông thường có thể được xử lý bằng nhiều cách như: đốt, chôn lấp, tái chế. Tuy nhiên, nếu quan niệm nhựa là một loại tài nguyên thì cần ưu tiên việc tái chế, tái sử dụng chất thải.
TS. Nguyễn Đình Trọng – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech cho rằng, Việt Nam hiện nay vẫn chưa xây dựng được mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như chưa có thể chế pháp lý về kinh tế tuần hoàn mà mới dừng lại ở quy định về tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.Trong đó cần xác định rõ doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn cần dựa trên quan điểm coi chất thải nhựa là một loại tài nguyên.Phải có sự kết nối chặt chẽ từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn thực hiện các khâu đầu tư dự án sản xuất nhựa; sử dụng nhựa, tái chế nhựa, tái sử dụng nhựa theo chu trình khép kín không có chất thải nhựa ra bên ngoài.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Trọng thì Việt Nam cần hạn chế đầu tư các dự án về sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. Nếu vẫn chấp nhận các dự án sản xuất nhựa hoặc sản xuất các sản phẩm từ nhựa thì các dự án này phải đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Còn việc loại bỏ các sản phẩm từ nhựa ra khỏi đời sống, kinh tế ngay tại thời điểm này cần phải thận trọng, nếu thực hiện phải có lộ trình cụ thể rõ ràng, phải xác định rõ tiếp tục sản xuất loại nhựa nào, tiêu chuẩn chất lượng sản xuất của loại nhựa được giữ lại sản xuất; loại bỏ sản xuất những loại nhựa nào.
Quảng Ninh: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững
Kinh tế tuần hoàn nằm trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình sang "kinh tế tuần hoàn" với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Ðây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.
Đối với Quảng Ninh, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai phát triển các mô hình Kinh tế tuần hoàn đối với chất thải từ hoạt động khai thác, sản xuất; tái chế, tái sử dụng trong khu công nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, nhất là trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu về Kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó chính là lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi sang mô hình Kinh tế tuần hoàn cũng như thực trạng và bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
Ông Fujimuara Toshiki, Chuyên gia JICA và là cố vấn tăng trưởng xanh tại Quảng Ninh nhấn mạnh về kinh nghiệm của Nhật Bản khi từng bước chuyển sang nền Kinh tế tuần hoàn với mong muốn tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn môi trường xanh toàn cầu. Ngoài ra, tỉnh Shiga của Nhật Bản đang khuyến khích “mua sắm xanh” và đây cũng có thể là nội dung mà Quảng Ninh có thể tham khảo để thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Việc chuyển dịch từ Kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, bà Dương Thị Phương Anh đã đánh giá cao thế mạnh của Quỹ Bảo vệ môi trường và phát triển đất Quảng Ninh trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Rất nhiều các chương trình dự án của Quỹ tại Quảng Ninh được triển khai rất thực tế và có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp rất lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Sắp tới khi Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng sẽ được ban hành bao gồm cả việc hoàn thiện các quy định về hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đó tạo một hành lang pháp lý thống nhất trong cả nước để cùng nhau hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.