Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 9 năm 2017 | 2:9

Kỳ Anh, ngổn ngang sau bão

Với sức gió mạnh cấp 12-13, giật trên cấp 15-16, bão số 10 đã khiến các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, trong đó tâm bão là huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và các huyện phía Bắc Quảng Bình. Hàng chục nghìn ngôi nhà dân bị phá hủy, làng mạc, đường sá, cầu cống bị hư hại, nhiều diện tích hoa màu bị ngập hoặc bị nước cuốn trôi. Hiện, người dân các địa phương này đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.

Phải mất 10 năm làm lại!

Sau bão, chúng tôi trở lại thăm các xã vùng thượng Kỳ Anh. Mặc dù bão đã dứt, mưa đã tạnh, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các tổ chức xã hội nhằm giúp đồng bào vùng bão sớm khắc phục những mất mát để dần ổn định cuộc sống nhưng do sức tàn phá của bão số 10 nên mọi thứ ở nơi này vẫn còn khá ngổn ngang, không thể khắc phục trong một sớm, một chiều.

Nhiều ngôi nhà,quán xá ở vùng Thượng Kỳ Anh bị hư hỏng nặng.

Đã một tuần sau bão nhưng đi đến đâu, từ Kỳ Hợp, sang Kỳ Lạc, lên Kỳ Sơn, Kỳ Tây, chúng tôi cũng thấy cảnh nhà cửa bị hư hỏng, nhiều công trình hạ tầng bị thiệt hại đáng kể, rừng trồng, các vườn cây ăn quả bị san bằng, thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới bị ảnh hưởng nặng nề còn nông dân thì trắng tay.

“Chắc chắn phải mất 10 năm làm lại”. Đó là khẳng định của nhiều lãnh đạo các xã vùng thượng Kỳ Anh sau bão.

Kỳ Thượng là xã bị thiệt hại nặng nhất huyện Kỳ Anh, trên 90% tài sản, nhà cửa, cây cối, rừng trồng của người dân bị xóa sổ. Hiện, bà con đang tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, lau chùi bàn ghế, đồ đạc dụng cụ trong nhà, người che tạm mái hiên để ở, kẻ chằng chống lại cây cối bị bão xô đổ... Phó chủ tịch UBND xã Lê Văn Thọ than thở: “Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) chậm nhưng chắc, bởi thế sau 4 năm bắt tay XDNTM cho đến trước khi bão xảy ra chúng tôi đã hoàn thành được trên dưới 10 tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018. Thế mà bão vào san bằng tất cả, chúng tôi lại quay về con số không, ước tính thiệt hại lên tới trên 300 tỷ đồng”.

Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, cho biết, cả xã có 65 nhà dân bị sụp đổ, trong đó có 21 nhà bị bão phá hủy, còn lại 90% số nhà dân bị hư hại, tốc mái, hơn 1.000ha rừng trồng và hàng trăm hecta vườn rừng, vườn cây ăn quả bị bão số 10 xóa sổ, toàn bộ hệ thống điện lưới và cột phát sóng điện thoại bị hư hỏng nặng nề, đến nay vẫn chưa thể khắc phục được, mọi thông tin liên lạc đang bị cô lập.

Bà Phạm Thị Hương, thôn Trung Tiến, nói trong nước mắt: “Nhà tôi kinh doanh quán nước, thức ăn chăn nuôi nhưng giờ coi như trắng tay. Nhà cửa, quán xá tốc hết ngói, bàn ghế hư hại nặng, ti vi, tủ lạnh và hơn 4 tấn cám thức ăn chăn nuôi bị ngâm nước. Trong nhà đã thế, trên rừng 14ha keo trồng được 3-4 năm tuổi, 1ha cây dó bầu trồng được 16-17 năm, tất cả sắp đến ngày thu hoạch giờ chỉ còn một đống đổ nát. Giờ nhà tôi không biết lấy gì mà sống nữa”.

Cần giải pháp hỗ trợ kịp thời

Người dân Hà Tĩnh còn kinh hoàng trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 10.

Rời Kỳ Thượng, chúng tôi đến xã Kỳ Sơn, địa phương thiệt hại chẳng kém gì Kỳ Thượng. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Ngọc, cho biết: Cơn bão số 10 đổ bộ vào làm xã thiệt hại hết sức nặng nề với 153 nhà thiệt hại từ 50 - 70%, 1.607 nhà thiệt hại từ 30-50%, trong đó có 7 nhà bị sập hoàn toàn, cả 7 hộ dân này đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất; 1.800ha rừng trồng, hàng trăm hecta cây ăn quả và cây nông nghiệp bị đổ gãy không thể cho thu hoạch, ước tính thiệt hại toàn xã lên tới trên 300 tỷ đồng.

Về công tác khắc phục hậu quả sau bão, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn cho biết, sau bão huyện đã huy động tất cả lực lượng công an, quân đội, các ban ngành trong huyện tập trung về các địa phương giúp dân dựng lại nhà cửa, kêu gọi các tổ chức đóng góp ủng hộ nhân dân những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất bằng tiền, gạo, các nhu yếu phẩm…

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến trao đổi tình hình sau bão với phóng viên.

Cũng theo ông Hoàn, do huyện mới chia tách nên gặp nhiều khó khăn rất cần các chính sách hỗ trợ kịp thời sau bão. Bởi nếu không được sự giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương, của tỉnh cùng các tổ chức xã hội thì nhiều địa phương phải mất thời gian dài mới có thể gượng dậy.

Hơn lúc nào hết, người dân vùng bão cần lắm những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ của đồng bào, các doanh nghiệp để ổn định cuộc sống.                             

 

* Chiều 19/9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động và ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài quyên góp ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính đã trao 500 triệu đồng; Tổng Công ty May Đức Giang trao 50 triệu đồng; toàn thể cán bộ công nhân viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ một ngày lương gửi đến Ban Cứu trợ Trung ương để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ.

* Ngay sau bão số 10, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức đoàn công tác do Phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Hải dẫn đầu vào động viên bà con vùng chịu thiệt hại nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Tại Quảng Bình, đoàn đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai 300 triệu đồng; tại Hà Tĩnh là 200 triệu đồng.

* Ngày 18/9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đối tác sẽ vận chuyển 12.000 chai nước uống tinh khiết để hỗ trợ nhân dân các vùng bị chia cắt do ngập lụt sau bão số 10 ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời cũng chuyển 12.000 chai đến các vùng bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Quảng Bình.

* Trước đó, ngày 17/9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho người dân 6 tỉnh, gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế nhằm giúp đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Anh Bình

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top