Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2019 | 15:48

Kỷ niệm khó quên về Trường dạy làm báo đầu tiên

Cách đây 70 năm, giữa núi rừng xã Tân Thái (Đại Từ - Thái Nguyên), diễn ra một sự kiện quan trọng do Tổng bộ Việt Minh tổ chức. Đó là lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

tr5a.JPG
Các đại biểu chụp ảnh với nhà báo Lý Thị Trung

 

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời vào những ngày đầu tháng 4 năm 1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói súng và làm một dấu son trong trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta.

Ngôi trường được Bác đặt tên

Theo thông tin được Bảo tàng Báo chí Việt Nam cung cấp, Ban giám đốc Trường Huỳnh Thúc Kháng lúc đó do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định. Giám đốc là nhà báo Đỗ Đức Dục. Phó giám đốc là nhà báo Xuân Thủy. Ủy viên là các nhà báo Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ.

Một đội ngũ giảng viên hùng hậu là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn đã tham gia công tác đào tạo, bao gồm những nhà báo kiêm chính trị gia nổi tiếng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Như Phong, Từ Giấy, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Hải, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…

Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt của mình, với 42 học viên mà hầu hết là những cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác trong các cơ quan báo chí đến từ khắp mọi miền đất nước.

Rất quan tâm đến Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng… cho  học viên. Trong bức thư đề ngày 9/6/1949 của Người có đoạn viết: … Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”!

Ngày 6/7/1949, Trường làm lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư biểu dương và nhắc bốn điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người  nhấn mạnh, muốn viết báo thì cần: “Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người; Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa một người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”. Những dặn dò của Người với học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình cho mọi giáo trình dạy làm báo cho tới tận ngày nay.

Những cây bút xuất sắc

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc, dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. Đội ngũ 42 học viên và 29 giảng viên của trường chính là những “viên gạch” đầu tiên, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển và trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam suốt những năm qua.

Những nhà báo được học lớp đào tạo báo chí đầu tiên tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã phát huy hết  kinh nghiệm, vốn kiến thức được học hỏi từ những nhà báo Cách mạng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu…, trở thành những cây bút xuất sắc trong làng báo Việt Nam.

Đóng góp của các nhà báo trong sự nghiệp báo chí nước nhà vô cùng to lớn, những tác phẩm báo chí của những học viên đầu tiên là động lực, là nguồn cổ vũ động viên tinh thần rất lớn cho toàn dân hăng hái thi đua trong sản xuất cũng như trong đấu tranh để đấu tranh giành độc lập, tự do và hạnh phúc.

Nỗi niềm ngày trở về

Trong buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi được nghe nhà báo Lý Thị Trung (sinh năm 1930), là một trong số  học viên đầu tiên của trường kể lại câu chuyện về những ngày đầu của lớp học làm báo.

Bà cho biết: Ngày tôi học lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc, Bác đã gửi thư cho lớp học, trong đó có câu tôi nhớ mãi: “Nghe nói trong lớp có 3 cô. Phụ nữ nước ta viết báo còn rất hiếm. Các cô phải cố gắng”.

 

1.JPG
Nhà báo Lý Thị Trung (ngồi giữa), 1/42 học viên của lớp học làm báo đầu tiên.

 

“Ba cô đó là học viên Phương Lâm đến từ cơ quan Phụ nữ Cứu quốc Liên khu X, kết thúc khóa học về công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, bà Phương Lâm mất khi Pháp ném bom ở Tuyên Quang. Học viên nữ thứ hai là Phạm Thị Mai Cương, về công tác ở báo Lao động, trước khi nghỉ hưu là Thứ trưởng Bộ Tài chính. Học viên nữ thứ ba là tôi, lúc đó tôi đến từ cơ quan phụ nữ tỉnh Hưng Yên. Sau lễ bế giảng, tôi về công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu IV). Thủ đô giải phóng, tôi về làm việc tại báo Thủ đô (nay là báo Hà Nội mới). Lúc về hưu tuổi 56, tôi còn tham gia sáng lập báo Phụ nữ Thủ đô, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội”, nữ nhà báo Lý Thị Trung kể.

Nhà báo Lý Thị Trung ghi nhớ mãi kỷ niệm về bà Hoàng Ngân và những kỷ niệm về người thầy trong nghề báo là Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Bà Hoàng Ngân (khi đó là Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Trung ương) đọc trên báo truyện ngắn “Chú Tiểu Bình” của tôi, nhận thấy cây bút có triển vọng, khi được ông Xuân Thủy cho biết thông tin sắp mở lớp viết báo ở Việt Bắc, bà Hoàng Ngân đã cử tôi đi học”, nhà báo Lý Thị Trung nhớ lại.

Bà Trung kể, Đại hội Hội Nhà báo họp tại Câu lạc bộ Đoàn kết (Hà Nội). Bà ở trong đoàn đại biểu báo Thủ đô (nay là báo Hà Nội mới). Khi Bác Hồ tới, Bác khen các báo làm đúng chức năng tuyên truyền giáo dục nhưng vẫn còn sai sót.

“Nói có sách, mách có chứng”, Bác đưa ra những số báo in sai để làm dẫn chứng. Trong đó, có tờ báo Cứu Quốc, ngay trang một có ảnh cô gái quỳ một gối bên đống phế liệu gì đó. Bác hỏi: “Bức ảnh này định nói lên điều gì các cô, các chú?”

Lúc này, nhà báo Lý Thị Trung đã đứng sát bàn của Bác nên đón tờ báo. Bà thấy có chữ Bác ghi bằng mực đỏ: “Cô em làm zì đấy?”. Đúng là chữ Z, lối viết quen thuộc của Bác. Ý của Bác muốn nhắc nhở người viết báo: Bức ảnh này ngay cả Bác cũng còn không hiểu, vậy thì quần chúng bạn đọc làm sao hiểu? Rồi Bác nhắc nhở: “Ảnh chụp phải rõ ràng, có nội dung và phải đẹp”.

Tròn 70 năm, nay cảnh vật cũng đã đổi thay. Địa điểm lớp học xưa cũng nằm dưới lòng hồ Núi Cốc, nhà báo Lý Thị Trung xúc động đọc mấy vần thơ: “Trường viết báo đầu tiên/ Dựng trên đồi Bờ Rạ/ Lớp học xưa đâu nhỉ/ Chìm giữa hồ mênh mông”. Người nữ học viên lại bồi hồi nhớ đến tên các thầy giảng bài, các bạn học trong lớp, nhớ cả tờ báo “Bút mới” được lập ra trong ba tháng học. Tất cả cứ hiện dần trong miền hồi ức năm xưa: “Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ/ Bản đồ không còn tên/ Nhưng trong tim vẹn nguyên/ Kỷ niệm về Bờ Rạ/ Bờ Rạ, ơi Bờ Rạ!”.

Tiếp nối truyền thống báo chí Cách mạng

Báo chí Cách mạng Việt Nam đã đi được một quãng đường 94 năm, trong suốt quá trình đó, đã có biết bao nhà báo lão thành, những nhà báo đã sử dụng ngòi bút của mình để vạch trần âm mưu của kẻ thù, cùng toàn dân làm nên thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đến nay, báo chí đang làm tốt công việc của mình trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về những thành tựu của cả Dân tộc ta trong những năm qua.

Tuy nhiên, cũng không ít  nhà báo đã đầu hàng trước những cám dỗ tầm thường của vật chất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và đạo đức của người làm báo chân chính.

Ôn lại những hoạt động của các thế hệ làm báo Cách mạng trước đây là cơ hội để cho các thế hệ nhà báo hôm nay và sau này có điều kiện để học tập và làm tốt tư cách đạo đức của người làm báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

 

 

Phạm Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng 5 gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Top